Khắc phục những hạn chế
Chúng tôi đến thăm hộ gia đình anh Hờ Mí Sinh, thôn Ma Xí A, xã Ma Lé, huyện Đồng Văn. Năm 2019, gia đình anh được hỗ trợ lúa giống và phân bón. Dù chăm chỉ làm ăn, thực hiện canh tác đúng hướng dẫn nhưng cuối vụ, anh cũng chỉ thu về được khoảng 30 bao lúa.
Đến đầu năm 2020, là hộ nghèo, anh Sinh tiếp tục được hỗ trợ 15 triệu đồng để mua bò về nuôi. Khi nhận nuôi bò, anh Sinh và 9 hộ dân trong thôn phải viết cam kết với chính quyền xã, thôn sẽ thoát nghèo trong vòng ba năm, kể từ khi tham gia dự án. Đặc biệt, các hộ thụ hưởng phải tham gia tập huấn kỹ thuật trồng cỏ nuôi bò, chế biến thức ăn chăn nuôi; tham gia nhân giống bằng biện pháp thụ tinh nhân tạo bò.
Anh Sinh tâm sự: "Điều kiện phải thoát nghèo trong 3 năm thực sự là rất khó đối với gia đình".
Chia sẻ của anh Sinh cũng là sự băn khoăn của rất nhiều hộ nghèo ở tỉnh Hà Giang; đồng thời cũng là "điểm nghẽn" trong công tác giảm nghèo ở địa phương này. Với xuất phát điểm thấp, địa hình phức tạp, trong khi nguồn lực của địa phương hầu như không có; nguồn lực đầu tư từ các chương trình, chính sách còn hạn chế, nhỏ lẻ, manh mún như vậy nên dù đã rất nỗ lực, công tác giảm nghèo ở Hà Giang vẫn chưa được như kỳ vọng. Đời sống người dân có cải thiện, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, đặc biệt vùng đồng bào DTTS, số hộ nghèo phát sinh hàng năm cao, tình trạng tái nghèo vẫn xảy ra.
Một trong những nguyên nhân là do: Dự án hỗ trợ sản xuất của các Chương trình, dự án, chính sách dân tộc do các xã, thị trấn làm chủ đầu tư, chủ yếu là hỗ trợ trực tiếp cho hộ nghèo và cận nghèo, mà chưa tập trung xây dựng các mô hình và nhân rộng các mô hình tạo sinh kế tiêu biểu; nguồn vốn bố trí chưa đảm bảo theo lộ trình đề ra. Việc rà soát, thẩm định, phê duyệt tổ chức cung ứng hỗ trợ còn chậm, chưa kịp thời vụ.
Mặt khác, đời sống kinh tế của các hộ được hỗ trợ đều khó khăn: thiếu nước, thiếu đất sản xuất… vì vậy không thể triển khai xây dựng cánh đồng mẫu hoặc thực hiện cơ giới hóa, hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung và mở rộng các trang trại quy mô lớn.
“Những hạn chế này cần được khắc phục trong thời gian tới, để thực hiện có hiệu quả Chương trình Mục tiêu quốc gia Phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và MN giai đoạn 2021-2030”, ông Triệu Trung Hiệp, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Hà Giang cho biết.
Kỳ vọng lớn vào Chương trình Mục tiêu Quốc gia
Theo ông Triệu Trung Hiệp, tỉnh Hà Giang đang có những điều kiện thuận lợi để bắt tay vào triển khai Chương trình Mục tiêu quốc gia Phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Đến nay, Ban Dân tộc tỉnh Hà Giang đã soạn thảo Đề án về việc thực hiện Chương trình này, trình Tỉnh ủy ra Nghị quyết. Theo đó, Ban Dân tộc là cơ quan Thường trực, trực tiếp xây dựng 5 Dự án thành phần, ưu tiên trước hết cho việc đầu tư hạ tầng cơ sở, tiếp tục triển khai, nhân rộng các mô hình tạo sinh kế.
Ông Hiệp khẳng định, Hà Giang sẽ nỗ lực cao nhất để sắp xếp các dự án phù hợp, sát thực tiễn, nhằm thực hiện có hiệu quả Chương trình. Trên cơ sở quy định, hướng dẫn của Trung ương và các nguồn lực được phân bổ, tỉnh Hà Giang sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững.
Trưởng ban Dân tộc tỉnh Hà Giang Triệu Trung Hiệp thông tin thêm, hiện nay, tỉnh Hà Giang đang phối hợp với Viện nghiên cứu và Phát triển Lâm nghiệp, thuộc Đại học Nông lâm triển khai điều tra, khảo sát xây dựng Dự án phát triển dược liệu quý thành chuỗi giá trị sản xuất hàng hóa tập trung, với quy mô lớn trên địa bàn huyện Hoàng Su Phì và huyện Vị Xuyên. Đây được coi là một trong những mô hình tạo sinh kế, được kỳ vọng sẽ cải thiện đời sống của người dân.
Theo ông Hiệp, lãnh đạo tỉnh Hà Giang cũng đã dự kiến, thời gian tới tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng thiết yếu các huyện nghèo, xã nghèo gắn với xây dựng nông thôn mới; chú trọng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, bảo vệ và phát triển rừng, nhân rộng mô hình giảm nghèo, liên kết sản xuất, thành lập các hợp tác xã, tổ hợp tác gắn với thị trường tiêu thụ.
Bên cạnh đó, địa phương sẽ thúc đẩy chương trình khởi nghiệp; phát triển mạnh các ngành, lĩnh vực kinh tế tạo ra nhiều việc làm tại chỗ cho người lao động; đặc biệt là đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, đưa lao động đi làm việc ngoại tỉnh và xuất khẩu để nâng cao thu nhập; thực hiện hiệu quả các chính sách về giáo dục, y tế, nhà ở, nước sạch, vệ sinh môi trường...
"Để thực hiện hiệu quả những nội dung trên, thì việc đổi mới truyền thông về giảm nghèo nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, ngành và khơi dậy ý chí chủ động, khát vọng vươn lên của người nghèo cũng được xác định là nhiệm vụ quan trọng", ông Triệu Trung Hiệp, Trưởng ban Dân tộc tỉnh nhấn mạnh.