Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Giảm nghèo ở Hà Giang - Nhìn lại một chặng đường: Những thách thức (Bài 2)

Minh Thu - 17:53, 07/04/2021

Với sự vào cuộc có trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự nỗ lực vươn lên của người dân, tỉ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Hà Giang đã giảm từ 43,65% (năm 2016) xuống còn trên 22% (năm 2020). Theo đánh giá, tuy tỉ lệ hộ nghèo có giảm nhưng chưa bền vững, nguyên nhân một phần do nguồn lực đầu tư còn nhỏ lẻ, một phần do công tác xóa đói giảm nghèo còn tồn tại một số bất cập, hạn chế.

Việc hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo sinh kế cho người dân trên địa bàn tỉnh Hà Giang những năm qua đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ
Đất đai cằn cỗi, độ dốc lớn, khí hậu khắc nghiệt, giao thông đi lại khó khăn ... là những thách thức trong công tác giảm nghèo bền vững ở Hà Giang

Nguồn lực đầu tư chưa đáp ứng nhu cầu phát triển

Toàn tỉnh Hà Giang hiện có khoảng 850 nghìn người, trong đó có trên 750 nghìn người là DTTS, thuộc 22 thành phần dân tộc, trong đó có 05 DTTS rất ít người (Pà Thẻn, Lô Lô, Bố Y, Pu Péo, Cờ Lao). Hầu hết, đồng bào các DTTS sinh sống ở địa bàn đặc biệt khó khăn, vùng cao, núi đá, địa hình bị chia cắt mạnh, độ dốc lớn, thường xuyên xảy ra lũ quét, lũ ống, sạt lở đất.

Thực tế cho thấy, việc tạo sinh kế cho đồng bào DTTS ở Hà Giang, đã có sự vào cuộc rất trách nhiệm của đội ngũ cán bộ từ tỉnh đến cơ sở, sự quyết tâm, nỗ lực vượt khó vươn lên của người dân từ những “cần câu” là mô hình tạo sinh kế thông qua việc hỗ trợ cây, con giống bước đầu phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, dù tỉ lệ hộ nghèo có giảm theo từng năm, nhưng chưa thực sự bền vững. Bên cạnh đó, một số mô hình tạo sinh kế chỉ dừng ở mức hỗ trợ, nên mô hình chưa thể phát triển theo hướng bền vững, lâu dài.

Như ở thôn Chúng Mang, xã Thài Pìn Tủng, huyện Đồng Văn, từ năm 2019 đến nay, toàn thôn có 20 hộ được hỗ trợ bò sinh sản. Và hơn một nửa số bò đó đã sinh sản,  giúp các hộ có thêm thu nhập. Nhưng trong thôn hiện vẫn còn tới 26 hộ nghèo. 

Theo ông Sùng Mí Cở, Phó Chủ tịch UBND xã Thài Pìn Tủng, thực hiện các chương trình, dự án hỗ trợ giảm nghèo, năm nào xã cũng lập danh sách số hộ nghèo, hộ cần nghèo để hỗ trợ cho các thôn. Nhưng do nguồn lực có hạn, việc hỗ trợ mới chỉ dừng lại ở bao lúa giống, vài cân phân bón. Khá hơn là những hộ được hỗ trợ bò. 

Điển hình như gia đình chị Vàng Thị Máy, hộ nghèo ở thôn Khai Hoang, xã Thài Pìn Tủng. Năm 2019, gia đình chị được hỗ trợ 3 bao lúa giống và 2 bao phân bón từ Chương trình 135 để sản xuất. Cuối vụ, chị Máy thu về được 30 bao lúa. 

“Chỉ đủ ăn thôi, chưa xóa được nghèo đâu”, chị Máy bộc bạch.

Thực tế cho thấy, công tác giảm nghèo vẫn là một thách thức lớn đối với  tỉnh Hà Giang. Như ở Đồng Văn, theo chia sẻ của ông Hoàng Văn Thịnh, Bí thư Huyện ủy thì, đối tượng thụ hưởng chính sách dân tộc trên địa bàn đều là những hộ nghèo, hộ cận nghèo,  lại ở một trong những huyện nghèo nhất cả nước. Với việc đầu tư manh mún, nhỏ lẻ thì tỉ lệ thoát nghèo thấp, tỉ lệ tái nghèo cao là thực tế khó tránh khỏi; và số hộ thoát nghèo cũng sẽ không đảm bảo thoát nghèo bền vững, lâu dài. Do đó, cần có cơ chế hỗ trợ cho phù hợp đối với những hộ mới thoát nghèo, hộ cận nghèo để đảm bảo việc thoát nghèo bền vững.

Kỳ vọng vào chương trình mục tiêu quốc gia

Ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang chia sẻ, tuy đời sống người dân có cải thiện, nhưng với xuất phát điểm thấp, nguồn thu ngân sách của tỉnh Hà Giang hạn hẹp, vì vậy việc huy động nguồn lực cho công tác giảm nghèo gặp nhiều khó khăn… nên công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh những năm qua còn nhiều hạn chế. Đặc biệt,  số hộ nghèo vùng đồng bào DTTS phát sinh hằng năm cao; tình trạng tái nghèo vẫn xảy ra. 

Theo ông Sơn, hiện tỉnh Hà Giang đang tích cực chuẩn bị các điều kiện tốt nhất, để đón đợi triển khai các tiểu dự án từ Chương trình mục tiêu Quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, ngay khi có Quyết định phê duyệt vốn của Thủ tướng Chính phủ. 

“Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, với chủ trương đầu tư nguồn lực lớn toàn diện của Nhà nước trên các lĩnh vực, đặc biệt đầu tư hỗ trợ từ nhu cầu thực tế của đồng bào, tin tưởng rằng đời sống kinh tế-xã hội trong vùng đồng bào DTTS của tỉnh sẽ đạt được những kết quả khả quan”, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Nguyễn Văn Sơn bày tỏ.

Giai đoạn 2016-2020, tỉnh Hà Giang huy động được hơn 8.225 tỷ đồng để thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững với nhiều nội dung. Riêng từ năm 2017 đến nay, tỉnh Hà Giang được Trung ương cấp trên 26 tỷ đồng để thực hiện 103 mô hình giảm nghèo cho 2.187 hộ dân.

     

Tin cùng chuyên mục
Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ngày 22/11, tại TP. Phan Rang-Tháp Chàm, UBND tỉnh Ninh Thuận long trọng tổ chức Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024 với chủ đề: “Các dân tộc tỉnh Ninh Thuận đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững”. Đến dự có Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (UBDT) Nông Thị Hà; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Văn Hậu; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Minh Hoàng, lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố cùng 250 đại biểu đại diện cho gần 170.000 đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.