Từ việc “trao cần câu”
Thôn Bản Máy, xã Bản Máy, huyện Hoàng Su Phì vốn là vùng đất khô cằn. Điều kiện tự nhiên không thuận lợi, khí hậu khắc nghiệt. Dù đã chăm chỉ làm ăn, nhưng do chưa được hướng dẫn ứng dụng khoa học kỹ thuật (KHKT) vào sản xuất nên thu nhập của đa phần đồng bào thôn Bản Máy còn bấp bênh, tỉ lệ hộ nghèo cao.
Từ ba năm trở lại đây (2019-2021), với nguồn lực hỗ trợ từ các chính sách dân tộc, điển hình là Quyết định 2086/QĐ-TTg về Phê duyệt Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội các DTTS rất ít người giai đoạn 2016 - 2025 (gọi tắt là QĐ 2086), đời sống của người dân Bản Máy đã có những bước chuyển mới.
Được hỗ trợ tiền và tham gia Hợp tác xã (HTX) trồng rau dinh dưỡng, bà Lùng Thị Mí, ở cụm dân cư Hoa Si Pan, thôn Bản Máy đã biết áp dụng KHKT vào sản xuất. Ba năm liền (từ 2019 đến nay), vườn rau dinh dưỡng của gia đình bà (gồm su hào, bắp cải) cho thu nhập gần 7 triệu đồng/vụ.
Các chính sách hỗ trợ là một trong những điều kiện để đồng bào nơi đây có được sinh kế, từ đó nỗ lực vươn lên thoát nghèo.
Ông Lục Xuân HươngBí thư Chi bộ thôn Bản Máy
Bà Lùng Thị Mí là một trong số 37 hộ đồng bào dân tộc Phù Lá ở thôn Bản Máy được hỗ trợ từ nguồn vốn của QĐ 2086. Với tổng nguồn vốn 500 triệu đồng các hộ dân đã được hỗ trợ cải tạo khu vệ sinh, cấp giống cây su hào, bắp cải, phân bón; tham gia mô hình trồng rau dinh dưỡng.
Theo ông Lục Xuân Hương, Bí thư Chi bộ thôn Bản Máy, nguồn vốn từ QĐ 2086 còn hỗ trợ cho 28 hộ gia đình ở cụm dân cư Hoa Si Pan 28 con bò. Bên cạnh đó Chi bộ, chính quyền thôn đã vận động Nhân dân chuyển đổi 25ha cây trồng kém hiệu quả sang trồng cỏ chăn nuôi trâu, bò; trồng mới 5ha hồng không hạt, 01ha mận máu, 235 trụ cây thanh long.
Rời xã Bản Máy, huyện Hoàng Su Phì, chúng tôi ngược lên huyện Mèo Vạc. Cùng cán bộ xã Pải Lủng, chúng tôi đến thăm hộ gia đình anh Lầu Mí Sáng, thôn Thình Lủng.
Năm 2020, gia đình anh được hỗ trợ 01 con bò sinh sản từ nguồn vốn Chương trình 135. Nhờ chăm sóc đúng quy trình, được cán bộ khuyến nông hướng dẫn kỹ thuật, bò của gia đình anh Sáng đã sinh sản được hai con bê con.
“Đây là nguồn tài sản quý để gia đình tôi phát triển sản xuất, hướng tới mục tiêu thoát nghèo”, anh Sáng chia sẻ.
Theo ông Lý Văn Đông, Chủ tịch UBND xã Pải Lủng, năm 2020 xã có 21 hộ gia đình nghèo, được hỗ trợ bò từ dự án nhân rộng mô hình nuôi bò sinh sản, với tổng kinh phí 260 triệu đồng thuộc Chương trình 135, qua đó giúp các hộ nghèo trên địa bàn xã có thêm động lực để thay đổi dần tư duy về sản xuất, chăn nuôi, từng bước nâng cao ý thức vươn lên xóa đói giảm nghèo.
Đến thay đổi nhận thức
Theo báo cáo của tỉnh Hà Giang, thực hiện QĐ 2086, từ năm 2018-2020, tỉnh Hà Giang đã hỗ trợ trên 4,3 tỷ đồng cho 1.085 hộ mua giống, phân bón, vật tư. Đặc biệt, mô hình hỗ trợ các tổ hợp tác trồng rau dinh dưỡng của dân tộc Phù Lá ở thôn Bản Máy, xã Bản Máy, huyện Hoàng Su Phì, đã giúp đồng bào thay đổi nhận thức, hành vi về phát triển sản xuất hiệu quả, an toàn. HIện mô hình đang được huyện lập đề án nhân rộng.
Tương tự, từ nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất, thuộc Chương trình 135, tỉnh Hà Giang đã hỗ trợ gần 180 tỷ đồng, giúp trên 258.000 lượt hộ mua giống cây trồng, vật nuôi, tham gia các lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ KHKT. Thực hiện nhân rộng mô hình giảm nghèo, từ năm 2017 đến nay tỉnh Hà Giang được Trung ương cấp trên 26 tỷ đồng, đã xây dựng 103 mô hình giảm nghèo cho 2.187 hộ dân.
Việc triển khai các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, không chỉ giúp người dân có thêm nguồn lực vươn lên thoát nghèo mà quan trọng hơn, thông qua sự hỗ trợ, đồng bào đã dần thay đổi nhận thức, tự lực vươn lên.
Theo anh Lầu Mí Sáng, người dân thôn Thình Lủng, xã Pải Lủng, trước đây, vốn không có, đất sản xuất thì cằn cỗi, kiến thức hạn hẹp nên muốn phát triển kinh tế gia đình, nhưng không biết làm sao. Từ khi được hỗ trợ giống bò sinh sản, được cán bộ “cầm tay chỉ việc”, anh mới vỡ ra rằng, chăn nuôi bò sinh sản không khó, chỉ cần chăm chỉ và biết áp dụng kỹ thuật là bò khỏe mạnh, lớn nhanh.
Anh Sáng nhẩm tính: Với con bò và hai con bê con, gia đình anh đang có khoảng 25 triệu đồng. Anh chưa muốn dừng lại ở đó, mà sẽ tìm cách để phát triển đàn bò, bê thêm 3 - 4 con nữa để mở lối thoát nghèo.
Cũng như anh Sáng, không chỉ có thêm nguồn thu nhập ổn định từ trồng rau dinh dưỡng, trong suốt ba năm qua, bà Lùng Thị Mí, xã Bản Máy, huyện Hoàng Su Phì, đã tích lũy cho mình được vốn kiến thức quý báu trong canh tác sản xuất nông nghiệp lâu dài. Bà Mí chia sẻ: Được hỗ trợ tiền và tham gia HTX trồng rau dinh dưỡng, tôi có thêm kiến thức để trồng và chăm sóc cây rau, vừa bảo đảm được năng suất, lại bảo đảm chất lượng. Tôi mong rằng, với sự hỗ trợ của Nhà nước, gia đình tôi sẽ sớm thoát nghèo.
Có thể thấy, với nguồn lực của các chương trình, chính sách dân tộc, sự vào cuộc trách nhiệm của chính quyền địa phương, sự nỗ lực vươn lên của người dân, tỉ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh giảm mạnh, từ 43,65% (năm 2016) xuống còn trên 22% (năm 2020). Đây thực sự là một kết quả đáng mừng cho mảnh đất địa đầu Tổ quốc Hà Giang.