Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Giảm nghèo đa chiều vùng DTTS, miền núi: Tạo cơ chế để kinh tế tập thể trở thành động lực (Bài 2)

Ngọc Ánh - 23:35, 24/10/2023

Không thể phủ nhận, những năm qua, khu vực kinh tế tập thể, HTX , tổ hợp tác đã có những đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội của đất nước, góp phần quan trọng vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo nhanh và bền vững cho đồng bào DTTS và miền núi. Tuy nhiên, lĩnh vực này còn gặp rất nhiều khó khăn, thách thức, cần có cơ chế, chính sách, giải pháp tháo gỡ để thúc đẩy kinh tế tập thể, HTX phát triển.

Các HTX rất cần được hỗ trợ về cơ chế, chính sách liên quan đến vốn tín dụng để mở rộng vùng nguyên liệu, hỗ trợ bà con đầu tư áp dụng khoa học, kỹ thuật vào vùng nguyên liệu sản xuất •
Các HTX rất cần được hỗ trợ về cơ chế, chính sách liên quan đến vốn tín dụng để mở rộng vùng nguyên liệu, hỗ trợ bà con đầu tư áp dụng khoa học, kỹ thuật vào vùng nguyên liệu sản xuất. (Ảnh TL)

Khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng

Thời gian qua, bám sát chủ trương, nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước về kinh tế tập thể, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã xác định khu vực kinh tế tập thể nói chung, HTX, tổ hợp tác nói riêng là một trong những đối tượng được ngành ngân hàng ưu tiên đầu tư hỗ trợ tín dụng. Tuy nhiên, trên thực tế thì số HTX tiếp cận vốn tín dụng rất thấp, quy mô còn hạn chế.

Số liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đưa ra cho thấy, tính đến đến cuối năm 2022, dư nợ cho vay của các tổ chức tín dụng đối với HTX, liên hiệp HTX đạt khoảng 6.500 tỷ đồng, với gần 1.200 HTX, liên hiệp HTX còn dư nợ. Tổng dư nợ của HTX, liên hiệp HTX mới chỉ chiếm 0,26% tổng dư nợ tín dụng của nền kinh tế và 1.200 HTX, liên hiệp HTX còn dư nợ chỉ chiếm 0,5% số lượng HTX, liên hiệp HTX. Đây là một tỷ lệ khiêm tốn so với quy mô và đóng góp của loại hình kinh tế này.

Cũng theo khảo sát của hệ thống Liên minh HTX Việt Nam thì chỉ khoảng 10% số HTX được vay vốn của các Quỹ Trung ương và địa phương; 0,5% số HTX tiếp cận được vốn vay của các tổ chức tín dụng. Riêng các HTX nông nghiệp, tỉ lệ này còn thấp. Trong khi đó, nhu cầu vốn cho phát triển sản xuất, kinh doanh của khu vực kinh tế tập thể, HTX là rất lớn và cấp thiết, nhưng đa số các HTX không tiếp cận được.

Ông Trần Khánh, Giám đốc Ngân hàng TMCP Bắc Á cho rằng nguyên nhân các HTX, liên hiệp HTX và các thành viên khó tiếp cận vốn là do: Phương án sản xuất, kinh doanh khi đề xuất vay vốn chưa mang tính khả thi; năng lực tài chính, vốn tự có, phương tiện sản xuất, cơ sở vật chất của HTX còn chưa đáp ứng được yêu cầu của nền kinh tế, chưa đáp ứng được nhu cầu sản xuất, kinh doanh hiện nay...

Đồng bào Khmer ở ấp Huyền Đức (xã Long Sơn, huyện Cầu Ngang, Trà Vinh) thu hoạch bí rợ để bán cho HTX nông nghiệp Ngọc Thạch.
Đồng bào Khmer ở ấp Huyền Đức (xã Long Sơn, huyện Cầu Ngang, Trà Vinh) thu hoạch bí rợ để bán cho HTX nông nghiệp Ngọc Thạch.

Ở góc độ doanh nghiệp, nhiều HTX cho rằng, HTX đang khó tiếp cận vốn vay tín dụng là do HTX không có tài sản chung, trong khi đó, Ngân hàng yêu cầu HTX cần có tài sản thế chấp mới đủ điều kiện cho vay vốn đầu tư sản xuất. Bên cạnh đó, đối với các HTX nông nghiệp chủ yếu quy mô nhỏ; trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ quản lý còn yếu; thiếu đất đai, cơ sở hạ tầng, vật chất, kỹ thuật của HTX nghèo nàn; tỷ lệ HTX nông nghiệp tham gia chuỗi giá trị tổ chức tiêu thụ sản phẩm cho HTX chưa cao… Đây là những rào cản khiến HTX khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng của Nhà nước.

Tìm giải pháp tháo gỡ

Từ thực tế trên, tại các cuộc hội nghị, hội thảo, tọa đàm được tổ chức trong thời gian qua, hầu hết các chuyên gia, các nhà quản lý và các doanh nghiệp địa phương đều kiến nghị Nhà nước cần sớm có các giải pháp hỗ trợ về vốn, đất đai cũng như tiêu thụ sản phẩm để các HTX phát triển bền vững, mở rộng về quy mô, để từ đó tạo sinh kế bền vững hơn cho người dân ngay chính tại quê hương mình.

Ông Nguyễn Văn Tiến, Nguyên Vụ trưởng Vụ Nông nghiệp Nông thôn, Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, chính sách phải hướng mạnh tới việc hỗ trợ các HTX phát triển quy mô cả về dịch vụ, số lượng HTX, số lượng thành viên tham gia HTX. Đồng thời, cần có quy định cụ thể nhằm tạo điều kiện cho các HTX, nhất là HTX nông nghiệp tiếp cận đất đai, cũng như tiếp cận tín dụng, khoa học công nghệ để tổ chức sản xuất nông nghiệp quy mô lớn.

Còn ông Hoàng Xuân Lương, nguyên Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cũng đề xuất: “Về chính sách tiêu thụ sản phẩm cho HTX và tổ hợp tác vùng DTTS và miền núi, cần phải có hoạch định chương trình lớn, ở tầm quốc gia để đảm bảo việc tiêu thụ sản phẩm lâu dài cho người dân”.

Sản phẩm của các HTX nông nghiệp trên địa bàn huyện Mộc Châu tại điểm trưng bày, giới thiệu, bán sản phẩm OCOP.
Sản phẩm của các HTX nông nghiệp trên địa bàn huyện Mộc Châu tại điểm trưng bày, giới thiệu, bán sản phẩm OCOP.

Ở cấp độ doanh nghiệp, ông Phạm Văn Dũng, Giám đốc HTX Nông nghiệp sản xuất và kinh doanh dịch vụ tổng hợp Hồng Xuân (tỉnh Bắc Giang) cho rằng, HTX rất cần chính sách hỗ trợ để có thể chuyển đổi đất bằng cách mua hoặc thuê đất từ các thành viên HTX để có đất xây dựng kho xưởng. Sản phẩm nông nghiệp thu mua tại vườn của bà con còn phải qua sơ chế, vệ sinh mới vào được các hệ thống siêu thị. Có đất xây dựng kho xưởng mới giải quyết được vấn đề này. Có vốn để HTX đầu tư xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ nông sản chứ không phải chỉ tập trung thu gom nông sản thô như hiện nay. Việc đa dạng hóa các nguồn vốn cho HTX sẽ góp phần giúp các HTX nông nghiệp phát triển bền vững.

Được biết, Luật HTX đã qua nhiều lần sửa đổi, bổ sung vào các năm 1996, 2003, 2012 đã tạo hành lang pháp lý quan trọng phát triển các HTX tại Việt Nam trong thời gian qua. Đặc biệt, Luật Hợp tác xã năm 2023 vừa được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 5 có hiệu lực thi hành từ 1/7/2024 sẽ bảo đảm và phát huy đặc trưng, nguyên tắc cơ bản của HTX. Với những quy định chi tiết tiêu chí để lựa chọn đối tượng hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước; các nội dung và đối tượng hỗ trợ cụ thể cho từng chính sách; mức hỗ trợ và nguồn vốn hỗ trợ phù hợp với nguồn lực của Nhà nước trong từng thời kỳ; quy trình đề xuất nhu cầu hỗ trợ và cách thức tổ chức thực hiện các chính sách hỗ trợ của Nhà nước…

 Đây chính là điều kiện để HTX có thể tiếp cận được nguồn vốn dễ dàng hơn, từ đó vươn mình phát triển mạnh mẽ, thúc đẩy khu vực kinh tế tập thể phát triển, giúp bà con nông dân nói chung, đồng bào vùng DTTS, miền núi nói riêng  giảm nghèo bền vững.