Để thúc đẩy khởi nghiệp trong thanh niên DTTS, những năm qua, tỉnh Yên Bái đã tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cộng đồng về các hoạt động thúc đẩy phong trào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; thực hiện hỗ trợ các cá nhân, nhóm khởi nghiệp và doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo...
Theo đó, thực hiện Chương trình MTQG 1719 giai đoạn 2021-2025, với tổng kinh phí hơn 1.380 tỷ đồng từ nguồn vốn hỗ trợ của Trung Ương, trong đó có nguồn vốn dành cho Dự án 3 (Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị) sẽ là nguồn lực quan trọng để giúp khơi dậy và lan toả phong trào khởi nghiệp trong vùng đồng bào DTTS của địa phương...
Nà Hẩu là xã đặc biệt khó khăn, nằm cách trung tâm huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái chừng 30km. Từ trung tâm huyện đến xã mất khoảng một tiếng rưỡi đi ô tô vì đường rất xấu, quanh co, đèo dốc. Hiện nay, xã Nà Hẩu có 2.149 khẩu, trong đó 99% dân số là người Mông, chiếm gần như tuyệt đối dân cư ở đây. Với chỉ có hơn 60 ha đất ruộng có khả năng trồng lúa, một năm bà con Nà Hẩu trồng được hai vụ lúa. Mỗi nhà thu hoạch chừng 40 bao thóc/vụ trở lên, mỗi bao khoảng 40kg.
Năm 2016, trong một lần theo bạn về chơi tại xã Nà Hẩu, anh Ðặng Văn Chính, sinh năm 1982, người dân tộc Dao ở xã Yên Phú, huyện Văn Yên đã nhận thấy tiềm năng nơi đây với rừng nguyên sinh bạt ngàn, quần thể thác nước, hang động, bản sắc văn hoá độc đáo của dân tộc Mông rất phù hợp để phát triển du lịch cộng đồng.
Sau hai năm ấp ủ, năm 2018, anh Chính quyết định tham gia cuộc thi "Ý tưởng khởi nghiệp trong đoàn viên, thanh niên" do Huyện đoàn Văn Yên tổ chức. Không ngạc nhiên khi dự án của anh Chính đã giành được giải Nhì trong cuộc thi này. Nội dung ý tưởng của anh Chính là phát triển du lịch cộng đồng dựa trên nền tảng bản sắc văn hoá dân tộc Mông kết hợp với nuôi cá tầm nước lạnh bằng nguồn nước sạch chảy ra từ những cánh rừng nguyên sinh.
Giải thưởng đã tạo động lực cho anh Chính quyết tâm hiện thực hóa dự án, với khao khát đưa Nà Hẩu trở thành khu du lịch của tỉnh Yên Bái, từ đó tạo công ăn việc làm, sinh kế mới cho bà con người Mông xã Nà Hẩu.
Sau nhiều lần đến Nà Hẩu khảo sát để hiện thực dự án, anh Chính gặp ông Giàng A Châu, một người Mông có hàng chục năm kinh nghiệm làm cán bộ xã Nà Hẩu, trải qua nhiều cương vị khác nhau. Kết quả từ cuộc gặp “có duyên” giữa một người Mông sở tại, lớn tuổi, từng trải, giàu kinh nghiệm lãnh đạo và một chàng trai người Dao từ nơi khác đến, trẻ tuổi, có học thức và tràn trề nhiệt huyết là sự ra đời Hợp tác xã Nông nghiệp và Du lịch Nà Hẩu vào ngày 24/05/2019 với các thành viên là thanh niên, hộ gia đình người Mông ở Nà Hẩu.
Phương hướng hoạt động của Hợp tác xã những ngày đầu thành lập là tìm cách cụ thể hoá các ý tưởng trong Dự án "Phát triển du lịch sinh thái tại xã Nà Hẩu".
Đây là Dự án lấy nông nghiệp sinh thái làm gốc, khép kín từ khâu sản xuất đến tiêu thụ, hay nói cách khác, con cá tầm nuôi trong môi trường nước lạnh và sạch, sẽ cung cấp thực phẩm đặc sản an toàn cho thị trường trong và ngoài tỉnh; tiến tới phát triển thêm các sản phẩm đặc trưng của địa phương như: gà cẩm, lợn cắp nách, ếch đát…
Anh Đặng Văn Chính, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp và Du lịch Nà Hẩu, huyện Văn Yên cho biết: Với phương châm lấy ngắn nuôi dài, phát triển bền vững gắn với bảo vệ môi trường, mô hình ngày càng được nhân rộng. Đến nay, Hợp tác xã đã có 24 bể bạt nổi, 2 ao lót bạt và 4 bể xi măng giúp anh Chính và các thành viên Hợp tác xã nâng quy mô chăn nuôi từ 2.000 lên 1 vạn con cá tầm/lứa, sản lượng bình quân đạt 20 tấn/năm, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của khách hàng và là địa điểm để nhiều đoàn du khách đến tham quan, trải nghiệm, thưởng thức các món ăn từ cá tầm Nà Hẩu.
Anh Chính chia sẻ: “Tại Nà Hẩu, mỗi gia đình có điều kiện thuận lợi, có thể nuôi 1 đến 2 bể cá tầm, cho thu nhập đến 100 triệu đồng/năm”.
Hợp tác xã cũng đã kết nối tiêu thụ sản phẩm bằng phương thức bán hàng online, đăng ký nhãn hiệu VietGAP cho thương hiệu cá tầm NaHau để tiêu thụ theo chuỗi giá trị.
Hoạt động sản xuất, kinh doanh hiệu quả, sản phẩm cá tầm của Hợp tác xã đã được chứng nhận OCOP và có mặt ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước; đem về nguồn thu hàng tỷ đồng mỗi năm và tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động địa phương với mức thu nhập khoảng 7 triệu đồng/người/tháng.
Anh Chính tâm sự: "Mong muốn lớn nhất của chúng tôi là tạo sản phẩm sạch, chất lượng, có uy tín để phục vụ nhu cầu du khách trong chuyến du lịch khám phá, trải nghiệm tại địa phương. Bởi vậy, sau khi khảo sát thực tế, thấy có nguồn nước sạch, chúng tôi đã đăng ký để làm mô hình nuôi cá tầm và thành lập Hợp tác xã để tạo thêm việc làm cho bà con địa phương; đồng thời, khai thác tốt tiềm năng phát triển du lịch, bảo tồn văn hóa ”.
Nắm bắt xu hướng mới, trên nền tảng Dự án "Phát triển du lịch sinh thái tại xã Nà Hẩu", năm 2022, anh Chính tiếp tục bổ sung ý tưởng, hoàn thiện thành Dự án “Phát triển du lịch cộng đồng gắn với sinh kế của đồng bào DTTS tại Khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu”, với mục tiêu tạo điều kiện cho cộng đồng địa phương khai thác tiềm năng du lịch hang, thác, cảnh quan, sinh thái rừng già và khai thác tối đa giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc trong tổ chức hoạt động du lịch cộng đồng.
Theo đó, Hợp tác xã đã cùng người dân tu sửa nhà sàn tạo thành homestay đủ tiêu chuẩn đón khách. Hiện Nà Hẩu có 8 nhà sàn được cải tạo đủ điều kiện phục vụ khách. Bên cạnh đó, Hợp tác xã cũng chủ động tổ chức các tour tắm thác, trải nghiệm tham quan rừng già, trải nghiệm văn hóa Mông… cho du khách.
Với 99% dân số là đồng bào Mông, cấp ủy Đảng, chính quyền xã Nà Hẩu đã tích cực tuyên truyền, vận động Nhân dân giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc như: Nghề rèn truyền thống, thêu dệt thổ cẩm, gìn giữ các điệu dân ca, dân vũ… để phục vụ du lịch. Thanh niên và những người thành thạo đường rừng, có sức khỏe tốt được đào tạo cơ bản để phục vụ du khách trong các chuyến đi cắm trại, khám phá rừng nguyên sinh.
Nhờ sự cố gắng, quyết tâm không bỏ cuộc khi gặp khó khăn đã mang đến những tín hiệu tích cực trên hành trình “thoát nghèo” của bà con Nà Hẩu. Theo đó, trong năm 2022, có khoảng hơn 6.000 du khách đã đến với Nà Hẩu, tập trung nhiều vào mùa hè. Riêng tại Lễ hội Tết rừng - một lễ hội quan trọng của đồng bào Mông đã thu hút khoảng 5.000 du khách đến tham quan, trải nghiệm.
Đây chính là động lực, điểm tựa để Nà Hẩu tiếp tục khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch của xã. Qua đó, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu giảm nghèo bền vững và xây dựng thành công nông thôn mới ở địa phương.