Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Giám đốc Hợp tác xã biến rác thải thành sản phẩm hữu cơ

Giang Lam - 06:59, 11/09/2023

Mô hình biến rác thành phân hữu cơ, tái chế nhựa của ông Nguyễn Hữu Hoạch - Giám đốc HTX vận tải và dịch vụ môi trường Thanh Bình (TP.Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang) đã thu lợi nhuận gần 5 tỷ đồng/năm, tạo việc làm cho hàng trăm người dân tại địa phương.

Giám đốc Nguyễn Hữu Hoạch tại xưởng chế biến chai nhựa phế thải của HTX vận tải và dịch vụ môi trường Thanh Bình
Giám đốc Nguyễn Hữu Hoạch tại xưởng chế biến chai nhựa phế thải của HTX vận tải và dịch vụ môi trường Thanh Bình

Tự bỏ tiền túi trả công người dọn dẹp rác

Ngày nay, câu nói “Rác là tài nguyên” đã trở nên quen thuộc với nhiều người. Thế nhưng cách đây hàng chục năm về trước đó là một điều khá lạ lẫm. Và càng lạ lẫm hơn đối với người dân khi thấy một cựu chiến binh thường xuyên đi vận động mọi người thu gom và phân loại rác.

Ông Nguyễn Hữu Hoạch, Giám đốc Hợp tác xã vận tải và dịch vụ môi trường Thanh Bình (HTX Thanh Bình) kể lại rằng, những năm 2000, nhận thức về vấn đề bảo vệ môi trường của người dân xã Lưỡng Vượng còn nhiều hạn chế. Rác thải tiện đâu vứt đấy, ngoài đường, ngoài chợ đầy rẫy túi nilon, ngoài ruộng đồng thì bao bì thuốc bảo vệ thực vật nằm tràn lan... gây ô nhiễm môi trường. Nhìn thấy cảnh đó sốt ruột lắm! Thế là ông Hoạch cùng các hội viên cựu chiến binh đi từng tổ dân phố, từng nhà vận động thực hiện thu gom, phân loại rác. Ban đầu khá khó khăn vì người dân chưa chú trọng đến rác thải nên không ủng hộ nhiều.

Ông kiên trì theo kiểu “Mưa dầm thấm lâu”. Ở các điểm dân cư tập trung, ông Hoạch cho đặt các thùng rác để tạo thành thói quen bỏ rác đúng nơi quy định. Năm 2002, ông Hoạch quyết định đổi tên thành HTX vận tải và dịch vụ môi trường Thanh Bình với hai ngành nghề kinh doanh chính là vận tải và vệ sinh môi trường. Sau đó, ông linh hoạt vận động những gia đình có phương tiện vận tải, nhân lực lao động chưa có việc làm ổn định gia nhập HTX để cùng làm ăn. Đến năm 2012, HTX quyết định lập nhà xưởng chế biến nhựa phế thải, mục đích giảm việc chôn lấp rác thải và khai thác nguồn lợi từ rác.

Từ năm 2012, HTX Thanh Bình đã lập nhà xưởng chế biến nhựa phế thải, mục đích là giảm việc chôn lấp rác thải và khai thác nguồn lợi từ rác.
Từ năm 2012, HTX Thanh Bình đã lập nhà xưởng chế biến nhựa phế thải, mục đích là giảm việc chôn lấp rác thải và khai thác nguồn lợi từ rác.

Ông Hoạch cho biết: “Mục tiêu sạch đường làng, đẹp ngõ xóm là chính nên ban đầu chúng tôi chỉ thu đủ mức phí vận chuyển rác đến nơi tập trung xử lý. Lúc đó chưa có kinh nghiệm sàng lọc, phân loại nhựa nên ban đầu, cơ sở chế biến luôn trong tình trạng thua lỗ. Thời điểm đó, đôi lúc tôi dao động thực sự. Cảm giác như mình càng làm càng bế tắc, thế nhưng nghĩ đến cái lợi lâu dài về môi trường nơi mình, người thân, hàng xóm sinh sống thì càng phải cố gắng tìm được hướng đi”.

Vậy là nhiều năm liền, ông tự bỏ tiền túi trả lương cho những công nhân, những người dọn dẹp rác thải. Bao nhiêu vốn liếng ông không ngần ngại dồn hết để trả lương cho người lao động với mong muốn không người lao động nào bị thiệt thòi. Ông cũng chủ động dẫn các xã viên lặn lội đến các cơ sở chế biến ở các tỉnh bạn để học tập kinh nghiệm. Đồng thời, đầu tư lắp đặt thêm dây chuyền tái chế nhựa, dây chuyền giặt bao tải và dây chuyền sản xuất giấy từ phế liệu... Nhờ sự quyết tâm và tính toán chi tiết, HTX bước đầu đã có thêm nguồn thu, rồi dần dần có lãi, tạo thêm được nhiều công ăn việc làm cho hơn 90 thành viên là cựu chiến binh, con cháu cựu chiến binh và 13 gia đình chính sách. Trong đó có 38 hộ nghèo có công việc ổn định, mức lương ổn định trung bình 5.500.000đ/ người/tháng.

HTX đã tạo công ăn việc làm cho hơn 90 thành viên là Cựu chiến binh, con cháu Cựu chiến binh và 13 gia đình chính sách. Trong đó có 38 hộ nghèo có công việc ổn định, mức lương ổn định trung bình 5.500.000đ/ người/tháng.
HTX đã tạo công ăn việc làm cho hơn 90 thành viên là cựu chiến binh, con cháu cựu chiến binh và 13 gia đình chính sách. Trong đó có 38 hộ nghèo có công việc ổn định, mức lương ổn định trung bình 5.500.000đ/ người/tháng.

Ông Hoạch phấn khởi nói, việc phân loại và thu gom triệt để các loại rác thải có thể tái chế không chỉ tạo thêm thu nhập, mà còn giúp giảm đến 1/3 diện tích chôn lấp rác thải rắn không phân hủy, giảm tối đa sự ảnh hưởng đến môi trường... Với nguồn lợi lâu dài đó, ông tiếp tục mở rộng sản xuất. Hiện nay, HTX có 1 máy tái chế nhựa phế thải, 1 máy giặt bao tải, 1 máy xeo giấy, 4 xe ô tô chở rác và 5 xe điện đi vào các ngõ ngách, các khu vực xe to không vào được. Mỗi ngày HTX thu gom trên 30 tấn rác trên địa bàn TP.Tuyên Quang và huyện Yên Sơn.

Hiện thực hóa giấc mơ biến rác thải thành tài nguyên

Lâu nay, người dân Tuyên Quang quen thuộc với hình ảnh một Giám đốc doanh nghiệp thường xuyên đến tận từng bản làng, trường học để tuyên truyền về rác thải nhựa, túi nilon và môi trường sống. Những lời nói chân tình, mộc mạc của vị doanh nhân ngoài tuổi thất thập khiến bà con người dân tộc Tày, Dao, Nùng... cảm thấy thật gần gũi dễ hiểu.

Từ năm 2021, bà con thôn Nghẹt, xã Phú Thịnh (huyện Yên Sơn) đã được hướng dẫn cụ thể về quy trình phân loại rác. Đồng thời cũng được hướng dẫn kỹ thuật xử lý rác thải hữu cơ thành phân bón, nhiều gia đình đã thực hành và kết quả mang lại rất tốt. Ông Lý Văn Dau, Trưởng thôn Nghẹt chia sẻ, người dân đều hiểu được rằng, cần gom rác thải hữu cơ sinh hoạt hàng ngày như vỏ trái cây, thức ăn thừa, rau, củ, quả... cho vào thùng. Khi rác dày khoảng 30 cm thì pha tỷ lệ men vi sinh phù hợp với nước và phun đều trên bề mặt để ủ thành phân bón.

Ông Nguyễn Hữu Hoạch hướng dẫn người dân cách ủ rác thải thành phân bón hữu cơ.
Ông Nguyễn Hữu Hoạch hướng dẫn người dân cách ủ rác thải thành phân bón hữu cơ.

Sau hàng chục năm canh cánh với môi trường và việc thu gom, tái chế rác thải nhựa thì Giám đốc Nguyễn Hữu Hoạch tiến đến gần hơn việc khai thác tài nguyên từ rác trong phục vụ sản xuất nông nghiệp. Đó là sử dụng rác thải ủ làm phân hữu cơ phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Đây là mô hình dễ làm, dễ thực hiện, chi phí thấp hiệu quả lại cao.

Theo đó, ông Hoạch đã trực tiếp xuống tổ dân phố, thôn bản để phổ biến cho nhân dân về cách phân loại rác, cách đào hố, ủ phân. Việc làm của ông đã nhận được sự hưởng ứng, ủng hộ của các sở ngành và chính quyền địa phương. Sở Tài nguyên và Môi trường và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã cử cán bộ cùng phối hợp để hướng dẫn cho bà con nhận thấy hiệu quả của việc sử dụng rác thải làm phân bón hữu cơ.

Mô hình biến rác thải thành sản phẩm hữu cơ của ông Nguyễn Hữu Hoạch được các sở, ban, ngành, địa phương và người dân hưởng ứng.
Mô hình biến rác thải thành sản phẩm hữu cơ của ông Nguyễn Hữu Hoạch được các sở, ban, ngành, địa phương và người dân hưởng ứng.

Ông Nguyễn Văn Việt, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tuyên Quang chia sẻ, đây là một cách làm hiệu quả, thiết thực. Cách làm này vừa góp phần làm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, vừa tạo được sản phẩm phân bón hữu cơ phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Thực tế sau khi bà con được hướng dẫn cách ủ phân hữu cơ từ rác thải thì đã mang lại hiệu quả rất tốt giúp cây trồng sinh trưởng nhanh, nâng cao chất lượng nông sản, giá trị tăng cao. Đây là một hướng phát triển nông nghiệp bền vững trong tương lai.

Còn tại thôn 10, xã Tân Long (huyện Yên Sơn) người dân rất phấn khởi khi áp dụng thành công phương pháp này. Bà Trần Thị Thanh chia sẻ, phân bón này hiệu quả mà không hề tốn kém. Nếu như trước đây mỗi gốc sắn trọng lượng 1 đến 2 kg thì từ khi áp dụng phương pháp ủ phân hữu cơ từ rác mỗi gốc sắn đã tăng lên 3 đến 4 kg. Hoặc khi trồng ổi, cây ổi sai quả lại ngọt và giòn hơn, khách cũng ưa chuộng hơn.

Ông Hoạch nhân giống thành công cây đa Tân Trào
Ông Hoạch nhân giống thành công cây đa Tân Trào

Sau một chặng đường dài dấn thân vào hoạt động kinh doanh lĩnh vực đặc biệt, đầy khó khăn, thử thách, điều ông Hoạch mừng nhất đó là môi trường sống ở làng quê trong lành, đường làng, ngõ xóm sạch sẽ, quy củ hơn. Ông bộc bạch: "Cải thiện được môi trường nông thôn, tạo công ăn việc làm, thu nhập ổn định cho người lao động tại xã và nhân được giống cây đa Tân Trào là những điều tôi nghĩ là thành công ở tuổi 73”.

Với những đóng góp của mình, Giám đốc Nguyễn Hữu Hoạch, đã vinh dự được bình chọn là Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2022.


Tin cùng chuyên mục
Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Xác định tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nâng cao giáo dục pháp luật cho người dân, nhất là vùng đồng bào DTTS và miền núi có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, Quảng Nam đã tích cực triển khai và bước đầu đạt được những kết quả đáng khích lệ.