Mở rộng, phát triển mô hình kinh tế tập thể
Những năm qua, nhiều tổ hợp tác, HTX ở miền núi tỉnh Quảng Ngãi đã sản xuất, cung ứng và phát triển sản phẩm độc đáo đến từ 5 huyện miền núi và các Câu lạc bộ khởi nghiệp sáng tạo đổi mới trên địa bàn. Đơn cử như HTX chăn nuôi thỏ Quảng Ngãi và một số HTX ở huyện Sơn Hà đã xây dựng được chuỗi liên kết sản xuất với: Linh Đan miền Trung (măng tây), với BigC (rau rừng, gà kiến,…), cung cấp thỏ vào các nhà hàng. Hay những sản phẩm tiêu biểu như sâm đương quy ngâm mật ong rừng của HTX Sản xuất Nông lâm nghiệp và Thương mại dịch vụ Sơn Bua; gạo lúa rẫy Sơn Bua, măng khô, chuối rừng sấy, bột nghệ… của HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Sơn Liên. Cùng với đó là nhiều nông sản tươi sống như cá tầm Sơn Tây, chuối, ổi soli, bưởi, hạt tiêu rừng, rau rừng các loại... được cung ứng ra thị trường bởi các HTX ở vùng cao.
Đặc biệt, HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Sơn Liên (huyện Sơn Tây) với chuỗi nông sản sạch gồm hơn 50 sản phẩm do các tổ hợp tác, thành viên HTX và người dân huyện miền núi Sơn Tây cung ứng. Tuy là HTX ở vùng cao với thành viên chủ yếu là đồng bào DTTS ở vùng cao Sơn Tây, nhưng HTX đã làm rất tốt công tác kết nối, đưa sản phẩm ra thị trường.
Trong số các HTX này, không ít mô hình khởi nghiệp của đoàn viên, thanh niên, có tuổi đời còn tương đối trẻ. Điển hình như HTX Dịch vụ nông - lâm nghiệp Thành Tiến (thôn Hà Bôi, xã Long Hiệp, huyện Minh Long) chính thức đi vào hoạt động từ năm 2021. Đây là HTX của các hộ gia đình người Hrê với 17 thành viên. Trong đó, nòng cốt là những người trẻ có tuổi đời từ 25 - 33.
Để đưa sản phẩm vùng đồng bào DTTS và miền núi đến gần hơn với người tiêu dùng, chính quyền tỉnh Quảng Ngãi đã đồng hành và tìm cách kết nối, mở rộng thị trường tiêu thụ. Trong đó, tiêu biểu là tổ chức phiên chợ “Thanh niên kết nối nông sản vùng cao” vào cuối tháng 8/2023, kết nối nông sản vùng cao với sự tham gia của 24 gian hàng cùng hơn 900 sản phẩm đặc trưng vùng đồng bào DTTS và miền núi trên địa bàn tỉnh. Phiên chợ vùng cao thanh niên là dịp gặp gỡ giữa người sản xuất trẻ và người tiêu dùng, giữa nông dân với các tổ chức kinh tế. Đồng thời là cơ hội học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm, hợp tác và liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản xuất giữa nông dân với nông dân, giữa nông dân với các tổ chức kinh tế; giữa vùng đồng bào DTTS với các vùng khác. Từ đó, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập cho nông dân và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS.
Trợ lực từ cơ chế, chính sách cho HTX
Thời gian qua, ngoài việc thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ HTX theo quy định của Trung ương, tỉnh Quảng Ngãi đã ban hành và thực hiện đồng bộ chính sách khuyến khích hỗ trợ HTX phù hợp với đặc điểm tình hình, nhiệm vụ phát triển HTX trong giai đoạn mới. Cụ thể như chính sách đào tạo và thu hút nguồn nhân lực; Chính sách hỗ trợ thành lập mới HTX; Chính sách tài chính, tín dụng; Chính sách hỗ trợ đầu tư; Chính sách hỗ trợ khoa học - công nghệ, khuyến công - nông - thương và chương trình hỗ trợ phát triển HTX; Chính sách đối với Chủ nhiệm HTX (Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX) làm việc lâu năm trong HTX nông nghiệp,...
Hiện tại, vùng đồng bào DTTS và miền núi trong tỉnh Quảng Ngãi có 57 HTX, trong đó, có 46 HTX đang hoạt động với gần 1.000 thành viên (người DTTS chiếm khoảng 70%). Các HTX đã góp phần khai thác tốt hơn những tiềm năng, lợi thế ở từng địa phương, lan tỏa sản phẩm đến với thị trường trong và ngoài tỉnh.
Tuy nhiên, mặc dù có sự tăng trưởng về lượng nhưng chất lượng vẫn còn nhiều điều cần bàn. Phần lớn quy mô HTX tại vùng cao Quảng Ngãi còn nhỏ, công nghệ, máy móc, thiết bị còn lạc hậu; thiếu cơ sở hạ tầng sản xuất, kinh doanh; chất lượng nguồn nhân lực còn thấp, thiếu thông tin thị trường và khả năng kết nối cung cầu công nghệ, thương mại.
Theo bà Phạm Thị Trầm, Giám đốc HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Sơn Liên, một trong những rào cản lớn nhất của các HTX ở miền núi, là vốn đầu tư và quỹ đất để xây dựng khu tập kết, chế xuất và bảo quản sản phẩm. Vào thời điểm thu hoạch nhiều, sản phẩm bán không hết mà không được bảo quản rất dễ bị hỏng, không tiêu thụ được đã gây thiệt hại không nhỏ cho HTX.
Cũng trong tình trạng thiếu vốn, Giám đốc HTX Nông nghiệp Cao Muôn Ba Tơ - ông Nguyễn Thanh Thanh cho biết: HTX đang hướng tới phát triển vùng nguyên liệu tại địa phương như trồng cây cà ri, trúc... để xuất khẩu đi các nước Ấn Độ, Nhật Bản. Đồng thời, liên kết phát triển du lịch cộng đồng tại thôn Làng Teng. Tuy nhiên, để thực hiện các mục tiêu này cần phải có vốn.
"Chúng tôi rất mong muốn nhận được sự hỗ trợ về nguồn vốn để HTX đầu tư phát triển, tạo thêm công ăn việc làm, giúp người dân vùng đồng bào DTTS giảm nghèo và vươn lên làm giàu", ông Thanh Thanh đề xuất.
Để các HTX phát triển theo hướng bền vững, ngoài sự nỗ lực trong nội tại của HTX, rất cần có những cơ chế, chính sách hỗ trợ về vốn và quỹ đất để HTX có cơ sở sản xuất. Được biết, tỉnh Quảng Ngãi đã dành hơn 145 tỷ đồng từ nguồn vốn Chương trình MTQG 1719 năm 2023, giúp các HTX phát triển.
Ông Võ Phiên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi nhấn mạnh: Đây là thời cơ tốt để các HTX tại vùng đồng bào DTTS và miền núi tiếp cận nguồn vốn vay để phát triển. Thời gian tới, các huyện miền núi cần tập trung hỗ trợ HTX tiếp cận được nguồn vốn để mở rộng sản xuất. Xây dựng phương án, kế hoạch sản xuất kinh doanh theo hướng liên kết sản xuất, phát triển sản phẩm mới theo chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).