Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Đam Rông (Lâm Đồng): Lan tỏa phong trào nuôi cá tầm từ một mô hình hợp tác xã

Minh Đạo - 19:43, 06/09/2023

Huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng là địa bàn có tiềm năng phát triển cá tầm lớn nhất Tây Nguyên. Mới đây, chúng tôi đã về địa phương này để tìm hiểu và được biết phong trào nuôi cá tầm ở đây được lan tỏa, phát triển bắt đầu từ Hợp tác xã thủy sản Huỳnh Ngọc Thu (có địa chỉ tại thôn 2, xã Rô Men, huyện Đam Rông).

Giám đốc HTX Huỳnh Ngọc Thu (bên phải) với sản phẩm cá tầm từ trang trại của HTX
Giám đốc HTX Huỳnh Ngọc Thu (bên phải) với sản phẩm cá tầm từ trang trại của HTX

Tỷ phú từ nuôi cá tầm

Ông Huỳnh Ngọc Thu năm nay 43 tuổi. Năm 2012, ông rời Tp. Vũng Tàu ngược vùng miền núi Đam Rông để lập nghiệp. Năm 2015, sau khi đi tìm hiểu tại nhiều địa phương ở Lâm Đồng, nắm bắt từ tài liệu và học hỏi cả người Nga, ông Thu quyết định đầu tư nuôi cá tầm ngay tại xã Rô Men. Tận dụng có nguồn nước chảy từ núi cao xuống, ông không đào ao hồ mà xây kiên cố 80 bể nuôi cá tầm trong diện tích trang trại rộng10.000 m2.

Cá tầm rất mẫn cảm với nguồn nước, ngoài nhiệt độ trung bình ổn định từ 22-25 độ, nước bị không bị ô nhiễm, thường xuyên chảy và đủ ô xy. Nắm được đặc điểm này, ông Thu xây dựng hệ thống dẫn nước theo khu vực: đường dẫn nước từ núi về đưa vào khu bể lắng, bể lọc, khử khuẩn, sau đó chia nước sạch vào các bể nuôi. Bao gồm: bể cá bột, cá con các thời kỳ, cá bảo tồn, cá thành phẩm để bán thịt.

“Ngoài yếu tố nhiệt độ thì nguồn nước phải ổn định, bảo đảm các tiêu chuẩn về lý hóa. Do đó, hằng ngày chúng tôi phải kiểm soát nguồn nước chặt chẽ. Có lần lũ đổ về bất ngờ, trang trại không kịp xử lý, cá bị sốc chết hàng loạt, vậy là mất trắng. Đây là bài học không chỉ cho chúng tôi mà đúc kết cho mọi người nuôi cá tầm trong vùng”, ông Thu chia sẻ kinh nghiệm.

Để mở rộng đầu tư mô hình nuôi cá tầm theo hướng liên kết với các hộ dân, phát triển kinh tế tập thể, năm 2018, ông Huỳnh Ngọc Thu đã thành lập HTX thủy sản Huỳnh Ngọc Thu với 6 thành viên HTX thuộc 7 hộ gia đình tham gia. Hiện tại HTX có “vùng nguyên liệu” tại 2 xã Rô Men và Liêng Srônh với tổng diện tích mặt nước 5.000m2 .

Cá giống con của HTX vừa tự cung, tự cấp, vừa bán cho các hộ dân trong vùng
Cá giống con của HTX thủy sản Huỳnh Ngọc Thu vừa tự cung, tự cấp, vừa bán cho các hộ dân trong vùng.

Mô hình nuôi cá tầm của HTX thủy sản Huỳnh Ngọc Thu gần như khép kín, gồm: nhập trứng về ấp nở thành cá bột; nguồn thức ăn sản xuất từ nguyên liệu ngô, bột cá, rau xanh…; nuôi cá giống con; phát triển cá thịt và cả bảo tồn cá giống (có những con nặng 50kg). Thời giá hiện khoảng 15.000 đồng/con cá giống, cá thịt khoảng 220.000 đồng/kg. Thời gian nuôi trung bình 15 tháng là có cá thương phẩm. Thị trường cung ứng là các tỉnh thành phía Nam. Doanh thu của HTX trung bình đạt khoảng 10 tỷ đồng/năm, lợi nhuận khoảng 5 tỷ đồng sau khi đã trừ chi phí.

Đặc biệt, ông Huỳnh Ngọc Thu còn xây dựng cơ sở sản xuất thức ăn cho cá, khu nhà ở của công nhân, khu làm việc…Tổng chi phí đầu tư trang trại của ông lên đến trên 40 tỷ đồng. Trang trại của Giám đốc Huỳnh Ngọc Thu hiện đang có 8 công nhân làm việc, trong đó hầu hết là đồng bào DTTS tại chỗ với mức thu nhập 7 triệu đồng/người/tháng.

Lan tỏa phát triển thành “thủ phủ”

Không giữ bí quyết nuôi cá tầm riêng cho riêng mình, Giám đốc Huỳnh Ngọc Thu luôn có tâm nguyện chuyển giao kỹ thuật cho người dân trong vùng cùng phát triển. Nhiều hộ dân tại huyện Đam Rông đã học tập kinh nghiệm từ HTX thủy sản Huỳnh Ngọc Thu để đầu tư phát triển nghề nuôi cá tầm. Hiện tại, huyện Đam Rông đã có gần 10 ha mặt nước nuôi cá tầm. Riêng xã Rô Men có 45 hộ nuôi, trong đó có thêm HTX Việt Đức và nông dân điển hình bà Nguyễn Phương Bắc.

Thức ăn nuôi cá được HTX tự sản xuất tại trang trại
Thức ăn nuôi cá được HTX tự sản xuất tại trang trại

Ông Nguyễn Văn Thành, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Rô Men cho biết: “Địa phương đã tính đến quy hoạch dài hạn phát triển nuôi cá nước lạnh, trong đó đến năm 2025 đạt 20 ha mặt nước nuôi cá tầm và tầm nhìn đến năm 2030 đạt khoảng 28 ha trong sự phát triển bền vững”.

Nuôi cá tầm đã và đang trở thành mối quan tâm đặc biệt của người dân huyện Đam Rông. Ngoài xã Rô Men, vùng nuôi cá tầm còn tập trung tại 4 xã khu vực III của huyện gồm: Đạ M’Rông, Đạ Tông, Đạ Long, Liêng Srônh. Trung tâm Khuyến nông của huyện Đam Rông đã tổ chức tập huấn kỹ thuật nuôi cá cho các hộ nông dân. Gần 10 ha nuôi cá tầm đã áp dụng mô hình của HTX Huỳnh Ngọc Thu theo hướng ứng dụng công nghệ cao: bể xi măng, lưới phủ che, hệ thống nước chảy tự động… Nhờ vậy, năng suất trên 70 tấn/ha, sản lượng từ 1.200-1.400 tấn/năm.

Nói về tiềm năng, lợi thế phát triển nghề nuôi cá tầm, ông Liêng Hót Ha Hai, Phó Chủ tịch UBND huyện Đam Rông phấn khởi: “Nuôi cá tầm là một trong những mô hình giảm nghèo nhanh của địa phương trong vài năm gần đây. Diện tích nuôi cá tầm của huyện Đam Rông đang đứng đầu tỉnh Lâm Đồng và cả vùng Tây Nguyên. Đây cũng là niềm tự hào của huyện vùng sâu, vùng xa như Đam Rông”.

Các công nhân với cá tầm bảo tồn giống có trọng lượng từ 40 kg trở lên
Cá tầm bảo tồn giống có trọng lượng từ 40 kg trở lên

Ông Nguyễn Văn Chính, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đam Rông thông tin thêm: “Cùng với cây chuối Laba, sản xuất rau hoa trong nhà kính, nghề nuôi cá tầm đã được huyện ủy Đam Rông chọn làm bước đột phá để phát triển kinh tế cho người dân trên địa bàn huyện. UBND huyện đã lập quy hoạch vùng nuôi cá, đồng thời khuyến khích nông dân ứng dụng công nghệ cao, nuôi cá an toàn theo hướng VietGAP, GlobalGAP. Trong đó, HTX thủy sản Huỳnh Ngọc Thu đã hoàn chỉnh hồ sơ chứng nhận nuôi cá đạt tiêu chuẩn VietGAP”.


Tin cùng chuyên mục
Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Xác định tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nâng cao giáo dục pháp luật cho người dân, nhất là vùng đồng bào DTTS và miền núi có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, Quảng Nam đã tích cực triển khai và bước đầu đạt được những kết quả đáng khích lệ.