Liên kết với HTX để chuyển đổi cơ cấu cấy trồng
Trời mưa nhiều ngày liên tục khiến mảnh đất của anh A Blinh (33 tuổi, thôn Tu Mơ Rông, xã Đăk Hà) trở nên ẩm ướt. Mảnh vườn hơn 7 sào này đang để trống vì A Blinh vừa thu hoạch mùa mì 2 năm. Nếu như những năm trước, anh A Blinh sẽ tiếp tục trồng mì (sắn), nhưng lần này thì khác.
Anh A Blinh chia sẻ: Thời gian qua, chúng tôi có nghe chính quyền địa phương vận động bà con thay đổi nếp nghĩ, cách làm, chuyển đổi từ việc trồng cây mì sang trồng sâm dây để nâng cao thu nhập. Tôi đang làm việc cho Hợp tác xã (HTX) Thảo dược cộng đồng Tu Mơ Rông, công việc hằng này là ươm và chăm sóc sâm dây giống. Làm việc tại đây, tôi được đóng bảo hiểm và trả lương 5 triệu đồng/tháng, hơn nữa tôi còn được hỗ trợ giống sâm dây, máy móc công nghệ để trồng. HTX cũng đảm bảo thu mua sản phẩm nên ngại gì mà không trồng.
Dùng chiếc máy cày bừa của HTX, anh A Blinh cày tơi đám đất đã trồng mì nhiều năm trước để chuyển sang trồng sâm dây. Theo anh A Blinh, vườn mì 2 năm của gia đình anh vừa rồi chỉ thu được gần 15 triệu đồng. Nhưng với diện tích hơn 7 sào trồng cây sâm dây, nhiều gia đình đã thu hơn 50 triệu đồng.
Cũng như A Blinh, chị Y Ngâm (35 tuổi, ở thôn Tu Mơ Rông) đã chủ động liên kết với HTX để phát triển kinh tế. Chị Y Ngâm chia sẻ: Biết tin HTX đang cần nguồn nhân lực với công việc là trồng và chăm sóc sâm dây giống, tôi đã mạnh dạn đăng ký. Nghe nhiều người đồn nhau làm giàu từ trồng sâm dây mà tôi chưa biết cách ươm giống và trồng như thế nào nên cũng muốn tìm hiểu. Làm việc ở đây, tôi được trả lương 5 triệu đồng/tháng, được hỗ trợ giống sâm dây để trồng và sau này sẽ bán sản phẩm lại cho HTX theo giá thị trường nên yên tâm về đầu ra.
“Gia đình tôi có 1,4ha đất, trước đây chủ yếu trồng mì. Được chính quyền địa phương vận động chuyển đổi từ trồng mì sang trồng những cây khác có hiệu quả hơn, gia đình tôi đã quyết định chọn trồng sâm dây. 1,4ha trồng mì trong 2 năm thu nhập khoảng 30 triệu đồng, nhưng trồng sâm dây thì thu nhập cao hơn nhiều, có thể bán cả lá, cả củ, và bán trong nhiều đợt”, chị Y Ngâm tâm sự.
Thay đổi nếp nghĩ, cách làm
Theo bà Hồ Thị Thanh Thủy, Giám đốc HTX Thảo dược cộng đồng Tu Mơ Rông: Ngành nghề sản xuất, kinh doanh của hợp tác xã là ươm cây giống dược liệu, cây giống trồng rừng và thu mua, tiêu thụ, chế biến nông sản. Hiện tại, HTX đang tạo việc làm cố định cho 3 lao động và việc làm thời vụ cho 13 lao động, chủ yếu là người Xơ Đăng. Làm việc tại HTX, người dân sẽ được hướng dẫn cụ thể các kỹ thuật, quy trình ươm giống, trồng và chăm sóc sâm dây. Những hộ dân có nhu cầu trồng sâm, HTX sẽ hỗ trợ toàn bộ giống, phương tiện, máy móc, sau đó sẽ thu mua sản phẩm theo giá thị trường.
Ông Dương Đăng Khoa, Chủ tịch UBND xã Đăk Hà cho biết: Hiện tại, vườn ươm giống sâm dây tại xã Đăk Hà rộng hơn 3 sào, với quy mô hơn 60.000 cây giống. Trong năm 2023, đã có 10 hộ đồng bào DTTS ở xã đăng ký trồng hơn 4ha sâm dây, Đây là một tín hiệu vui trong việc triển khai Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững”, bởi bà con đã có những chuyển biến trong tư duy, biết liên kết với HTX để phát triển kinh tế. Trong thời gian tới, xã sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động bà con chuyển đổi những cây trồng kém hiệu quả sang trồng dược liệu, trồng rừng, cây công nghiệp lâu năm để nâng cao thu nhập.
Còn tại xã Ngọc Lây, được hình thành vào tháng 7/2018, đến nay HTX Dược liệu hữu cơ Tu Mơ Rông đã đi vào hoạt động ổn định, sản xuất được hơn 40 sản phẩm đưa ra thị trường. Để có được thành quả này, ngay từ lúc thành lập, HTX đã chọn phương án liên kết với người dân tại chỗ để trồng và phát triển dược liệu.
Anh Mai Văn Đặng (42 tuổi) - người quản lý HTX Dược liệu hữu cơ Tu Mơ Rông cho biết: Ban đầu, HTX đã liên kết với 16 hộ dân, cung cấp giống cà phê và hướng dẫn các kỹ thuật chăm sóc để bà con có thể trồng trên đất gia đình. Đồng thời HTX cũng cam kết sẽ thu mua sản phẩm khi bà con thu hoạch xong với giá bằng hoặc cao hơn thị trường nếu sản phẩm đạt yêu cầu của HTX. Hiện, sản phẩm cà phê rang xay của HTX đã được chứng nhận sản phẩm OCOP đạt 3 sao cấp tỉnh.
Sau cà phê, HTX tiếp tục liên kết với người dân trồng các loại cây dược liệu như sâm dây, đương quy, lan kim tuyến, đan sâm… Những hộ dân liên kết với HTX, vừa được nhận giống, phân bón, hỗ trợ kỹ thuật từ HTX, vừa có thêm thu nhập khi đến làm việc trực tiếp tại HTX.
Tại địa bàn xã Tu Mơ Rông hiện có hơn 40 người có thêm thu nhập nhờ làm việc tại HTX Dược liệu du lịch Forest Stay (thôn Đăk Chum I) và HTX Thảo dược cộng đồng Ngọk Yêu (thôn Tu Mơ Rông).
Là một công nhân làm việc tại HTX Thảo dược cộng đồng Ngọk Yêu, trực tiếp sản xuất ra sản phẩm măng khô, chị Y Bảy (thôn Tu Mơ Rông) cho biết: Trước giờ, chúng tôi chỉ sản xuất măng khô theo phương thức thủ công nên sản phẩm không được đẹp mắt và năng suất không cao. Làm việc tại HTX, chúng tôi biết được quy trình sản xuất măng theo công nghệ hiện đại, áp dụng máy móc trong các khâu như sấy, đóng gói… Nhờ vậy sản phẩm măng khô rất đẹp, chất lượng và cho năng suất rất cao. Hơn hết, làm việc tại đây chúng tôi có thêm thu nhập để trang trải cuộc sống.
Ông Vương Văn Mười, Phó Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum cho biết: Việc các HTX liên kết với người dân để phát triển đã giải quyết được vấn đề việc làm cho bà con, góp phần tăng thêm thu nhập, hiểu biết hơn về các kỹ thuật trồng và chăm sóc, từ đó giúp nhiều gia đình làm tăng năng suất trên cùng một đơn vị diện tích thay vì phải mở rộng diện tích để tăng năng suất. Để các HTX hoạt động có hiệu quả, huyện luôn tạo điều kiện về mặt pháp lý, giới thiệu đất trồng, đồng thời chỉ đạo UBND các xã phải phối hợp với HTX, giới thiệu và quản lý lao động tại chỗ để liên kết với HTX.