Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Nông dân Ninh Thuận: “Muốn đi xa thì đi cùng nhau“

Thái Sơn Ngọc - 11:56, 08/09/2023

Triển khai thực hiện đổi mới phát triển, nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới, nhiều hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận đã hoạt động hiệu quả, sản xuất nông sản gắn với chuỗi giá trị sản phẩm đặc thù của tỉnh, tăng thu nhập, nâng cao đời sống hộ thành viên.

Nông dân trồng cây măng tây xanh sinh trưởng tốt trên vùng đất cát của HTX Châu Rế.
Nông dân trồng cây măng tây xanh sinh trưởng tốt trên vùng đất cát của HTX Châu Rế.

“Muốn đi xa thì đi cùng nhau”

Ông Lê Hoài Nam, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Ninh Thuận cho biết, toàn tỉnh Ninh Thuận hiện có 113 hợp tác xã (HTX), với 18.846 thành viên, tổng vốn đăng ký 219,89 tỷ đồng. Trong đó có 85 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp; 10 HTX sản xuất tiểu thủ công nghiệp; 8 HTX kinh doanh dịch vụ tổng hợp; 7 HTX lĩnh vực vận tải; 3 Quỹ tín dụng nhân dân.

Các HTX nông nghiệp phát triển ổn định, từng bước khẳng định vai trò quan trọng của kinh tế tập thể trong việc tổ chức sản xuất ở nông thôn theo hướng làm ăn “muốn đi xa thì đi cùng nhau”. Các HTX liên kết với doanh nghiệp, tạo ra chuỗi giá trị sản phẩm hàng hàng hóa chất lượng cao, đáp ứng tốt nhu cầu tiêu thụ của thị trường. Một số sản phẩm nông nghiệp đặc thù của tỉnh Ninh Thuận được người tiêu dùng cả nước biết đến như: Nho, măng tây xanh, hành tỏi, lúa hữu cơ, ớt, dê cừu, heo đen, gà thả vườn…

Các hộ thành viên đưa măng tây xanh đến cân bán cho HTX Châu Rế.
Các hộ thành viên đưa măng tây xanh đến cân bán cho HTX Châu Rế.

Cây măng tây xanh là sản phẩm đặc thù của vùng đất nắng gió Ninh Thuận, cho thu nhập trung bình từ 700 - 800 triệu đồng/ha/năm. Măng tây xanh giàu dinh dưỡng, được ví như loài “rau vua“, đem lại cuộc sống no ấm cho hàng ngàn nông hộ ở các huyện Ninh Phước, Ninh Hải, Ninh Sơn, Tp. Phan Rang - Tháp Chàm. Với tổng diện tích canh tác 257 ha, cây măng tây xanh của tỉnh Ninh Thuận cho thu hoạch quanh năm với sản lượng ước đạt 700 tấn/năm.

Để phát triển diện tích trồng măng tây xanh, mang lại thu nhập cho các hộ thành viên, các HTX: An Xuân, Châu Rế và Tuấn Tú đã liên kết với các doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm rau cho bà con với giá trung bình 45.000 đồng/kg. Ngoài cung cấp măng tươi xanh cho thị trường, các HTX còn chế biến trà măng tây xanh dạng túi lọc đóng gói để cung ứng ra thị trường. Sản phẩm trà măng tây xanh túi lọc đã được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm.

Các thành viên HTX Thái An (Vĩnh Hải, Ninh Hải) trồng nho kết hợp mô hình du lịch vườn thu hút du khách tham quan chụp ảnh lưu niệm, mua sắm sản phẩm.
Các thành viên HTX Thái An (xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải) trồng nho kết hợp mô hình du lịch vườn thu hút du khách tham quan chụp ảnh lưu niệm, mua sắm sản phẩm.

Ngoài măng tây xanh, hiện nay, nông dân tỉnh Ninh Thuận canh tác trên 1.160 ha nho theo tiêu chuẩn VietGAP, bảo đảm chất lượng an toàn thực phẩm. Hàng năm, nông dân Ninh Thuận cung cấp cho thị trường khoảng 26.000 tấn nho trái thương phẩm. Các HTX: Thái An, Xuân Hải, Nhơn Sơn và Nho Evergreen Ninh Thuận sản xuất và kinh doanh nho tươi, chế biến các sản phẩm từ nho như mật nho, nho sấy khô, mứt nho kết hợp mô hình tham quan du lịch, tăng thu nhập cho các nông hộ thành viên.

Bên cạnh đó là sản phẩm táo quả. Toàn tỉnh có diện tích 1.055 ha đất trồng táo, cho sản lượng trung bình khoảng 40.000 tấn/năm. Đây là một trong những loài cây ăn trái giúp các hộ thành viên HTX vươn lên làm giàu bền vững. Điển hình như HTX Mỹ Sơn, HTX Nhơn Sơn, HTX Xuân Hải, HTX Trường Thọ thực hiện quả mô hình nâng cao chuỗi giá trị cây táo, mang lại thu nhập cao.

Hộ thành viên HTX Trường Thọ (xã Phước Hậu, huyện Ninh Phước) thu hoạch táo canh tác tiêu chuẩn VietGAP đạt hiệu quả kinh tế cao.
Hộ thành viên HTX Trường Thọ (xã Phước Hậu, huyện Ninh Phước) thu hoạch táo canh tác tiêu chuẩn VietGAP đạt hiệu quả kinh tế cao.

Các đơn vị sản xuất lúa gạo công nghệ cao đạt tiêu chuẩn VietGAP như HTX Phước Chính (huyện Bác Ái), HTX An Xuân (huyện Ninh Hải), HTX Tân Lập 2 (huyện Ninh Sơn)... Tại HTX Phước Chính có 70 nông hộ đồng bào Raglai canh tác 40 ha với giống lúa Đài Thơm 8 theo tiêu chuẩn VietGAP. Trung bình mỗi vụ, nông dân thu hoạch cung cấp cho HTX khoảng 75 tấn thóc, chế biến trên 50 tấn gạo cung cấp thị trường trong và ngoài tỉnh, được người tiêu dùng ưa chuộng. Giá lúa Đài Thơm canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP có giá bán cao hơn 20 - 30% so với lúa canh tác theo phương pháp truyền thống, qua đó giúp nông dân địa phương nâng cao thu nhập.


Đồng bào Raglai ở xã Phước Chính, huyện Bác Ái (Ninh Thuận) chăm sóc lúa theo mô hình liên kết sản xuất với hợp tác xã ở địa phương. Ảnh: NT
Đồng bào Raglai ở xã Phước Chính, huyện Bác Ái (Ninh Thuận) chăm sóc lúa theo mô hình liên kết sản xuất với hợp tác xã ở địa phương. Ảnh: NT

Nông dân có thu nhập cao nhờ “bà đỡ HTX“

Mới đây, chúng tôi đến với HTX Châu Rế (xã Phước Hải, huyện Ninh Phước) gặp các nông hộ thành viên người Chăm nhộn nhịp chở măng tây xanh còn đẫm hơi sương đến cân bán cho HTX. Chị Kiều Văn Thị Tuyển chở 10 kg măng tây xanh đến cân cho HTX, chị phấn khởi cho biết, nhờ HTX làm “bà đỡ“ vận động trồng măng tây xanh và thu mua sản phẩm giúp bà con có cuộc sống no ấm.

Gia đình chị Tuyển trồng 3 sào măng tây xanh, có thu nhập mỗi tháng 10- 12 triệu đồng, nuôi 4 người con học hành thành đạt. Giám đốc Châu Thị Xéo được bà con tôn vinh “nữ tướng“ trong nghề trồng cây “rau vua“ ở Ninh Thuận, chị vinh dự được Trung ương Hội Nông dân tặng danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2022.

Lao động HTX Tuấn Tú sơ chế phân loại cung cấp cho đơn vị thu mua.
Lao động HTX Tuấn Tú sơ chế phân loại cung cấp cho đơn vị thu mua.

Chị Xéo cho biết, ngày 30/8/2023, HTX tổ chức Đại hội lần thứ II, nhiệm kỳ 2023-2028. Nhiệm kỳ vừa qua, HTX đã vận động 50 hộ thành viên trồng 10 ha cây măng tây xanh và 20 ha đất trồng cây hoa màu ngắn ngày. HTX nhận được 1.461 triệu đồng của tỉnh Ninh Thuận hỗ trợ giống măng tây xanh, thuốc bảo vệ thực vật, hệ thống tưới tiết kiệm nước. Ngoài trồng măng tây xanh với thu nhập đạt 60 - 70 triệu đồng/sào/năm, các hộ thành viên còn được hưởng lợi từ lợi nhuận kinh doanh của HTX là 48 triệu đồng/hộ/năm; thu nhập bình quân của cán bộ quản lý HTX 36 triệu đồng/người/năm.

Anh Hùng Ky, Giám đốc HTX Tuấn Tú (xã An Hải, huyện Ninh Phước) cho biết, doanh nghiệp thành lập đi vào hoạt động từ tháng 6/2016 với 5 ha của 25 hộ thành viên. Đến nay, HTX nâng lên 55,6 ha măng tây xanh của 85 hộ thành viên, trong đó có 35 ha canh tác theo mô hình cánh đồng lớn. Tính riêng trong năm 2022 vừa qua, các hộ thành viên thu hoạch, cung cấp cho HTX 51.089 kg măng tây xanh. Doanh thu của HTX đạt 3,107 tỷ đồng; chi trả cho các hộ thành viên 3,094 tỷ đồng, HTX có lãi ròng 131,7 triệu đồng. Sản phẩm măng tươi xanh của HTX Tuấn Tú đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh năm 2022. HTX Tuấn Tú được UBND tỉnh Ninh Thuận tặng Cờ thi đua năm 2022.

HTX đang phấn đấu đến cuối năm 2023, đạt sản lượng 60 tấn măng tươi xanh, lợi nhuận dịch vụ HTX đạt trên 300 triệu đồng. HTX đầu tư dây chuyền công nghệ hiện đại chế biến sản phẩm trà măng tây VietGAP Tuấn Tú, cung cấp ra thị trường, nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm măng tây xanh.

Trồng nho là một hướng phát triển kinh tế hiệu quả của nhiều nông hộ thuộc các HTX ở Ninh Thuận
Trồng nho là một hướng phát triển kinh tế hiệu quả của nhiều nông hộ thuộc các HTX ở Ninh Thuận

Ông Lê Hoài Nam, Chủ tịch Liên minh HTX Ninh Thuận cho biết thêm, trong thời tới, địa phương tuyên truyền đưa Nghị quyết số 20-NQTW, ngày 16/6/2023, của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII và Luật HTX năm 2023 vào cuộc sống. Liên minh HTX tỉnh phối hợp tham mưu cho UBND tỉnh, Liên minh HTX Việt Nam tiếp tục triển khai các chính sách hỗ trợ, khuyến khích, phát triển HTX như: Hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng; HTX tham gia chuỗi giá trị của Liên minh HTX Việt Nam; hỗ trợ khoa học và công nghệ; hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận; tổ chức lớp tập huấn hướng dẫn quản lý, vận hành trang thương mại điện tử tại “Chợ sản phẩm trực tuyến” cho các doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác là thành viên của hệ thống Liên minh HTX Việt Nam. Tiếp tục huy động các nguồn lực phát huy vai trò kinh tế tập thể nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm đặc thù của tỉnh, tăng thu nhập, nâng cao đời sống hộ thành viên, tích cực nâng cao các tiêu chí xã, huyện đạt chuẩn nông thôn mới. 

Tin cùng chuyên mục
Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Xác định tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nâng cao giáo dục pháp luật cho người dân, nhất là vùng đồng bào DTTS và miền núi có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, Quảng Nam đã tích cực triển khai và bước đầu đạt được những kết quả đáng khích lệ.