Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Giải bài toán tiêu thụ dứa ở Lào Cai

Trọng Bảo - 14:19, 28/03/2022

Hàng chục nghìn tấn dứa của bà con nông dân trên địa bàn xã Bản Lầu, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai đang vào mùa thu hoạch đứng trước nguy cơ không tiêu thụ được, hoặc giá bán xuống quá thấp khiến cho người trồng dứa lao đao.

Bà con nông dân mang dứa bán dọc tuyến tuyến Quốc lộ 4D
Người dân mang dứa bán dọc tuyến Quốc lộ 4D

Giá dứa quả xuống thấp, tiêu thụ chậm

Nguyên nhân chính ở đây, là do các nhà máy thu mua dứa quả đóng hộp xuất khẩu hoạt động cầm chừng, thu mua nguyên liệu nhỏ giọt do không xuất khẩu được sang thị trường Đông Âu (chủ yếu là Nga và Ukraina) do tình hình chiến sự căng thẳng.

Vụ dứa năm nay, hộ gia đình anh Nguyễn Văn Thiện ở thôn Na Mạ 1, xã Bản Lầu có 6 vạn gốc dứa đang cho thu hoạch, ước tổng sản lượng đạt trên 30 tấn. Tuy nhiên, đến thời điểm này, gia đình anh mới chỉ bán được khoảng 1/3 sản lượng. Anh Thiện cho biết, với sản lượng dứa này năm 2021, gia đình anh cũng thu về khoảng gần 200 triệu đồng, trừ chi phí cũng còn lãi khoảng trên 100 triệu đồng.

“Năm ngoái, dứa quả chủ yếu bán cho nhà máy chế biến rau quả xuất khẩu Mường Khương, thuộc Công ty Cổ phần thực phẩm Á Châu, với giá bình quân gần 6.000 đồng/kg. Năm nay, do không xuất khẩu được dứa đóng hộp sang Đông Âu nên nhà máy hoạt động cầm chừng, lượng dứa thu mua giảm và giá chỉ dao động gần 3.000 đồng/kg. Với giá dứa thu mua như hiện nay, thì bà con nông dân chúng tôi chưa đủ chi phí mua phân bón do thời gian qua giá phân bón tăng cao chứ chưa tính tiền thuê nhân công thu hái, vận chuyển…”, anh Thiện chia sẻ.

Giá dứa quả xuống thấp, tiêu thụ chậm khiến người trồng dứa gặp rất nhiều khó khăn
Giá dứa quả xuống thấp, tiêu thụ chậm khiến người trồng dứa gặp rất nhiều khó khăn

Cùng cảnh như gia đình anh Thiện, hộ gia đình chị Nông Thị Tiến, ở thôn Na Mạ 1, trồng khoảng 4 vạn gốc dứa. Vụ dứa năm 2021, gia đình chị thu lãi gần 100 triệu đồng. Năm nay, cũng với diện tích đó, thời điểm này dứa chín đỏ trên nương, gia đình chị mới bán được một lượng rất nhỏ.

“Số còn lại quá lứa, có nguy cơ thối hỏng trên nương, thu không đủ tiền phân bón, gia đình lỗ lớn”, chị Tiến buồn bã nói.

Xã Bản Lầu được coi là “thủ phủ” dứa của tỉnh Lào Cai, với diện tích gần 1.200 ha; trong đó, hiện có 900 ha đang cho thu hoạch với sản lượng khoảng 22.500 tấn dứa quả.

Ông Hoàng Văn Kiên, Chủ tịch UBND xã Bản Lầu cho biết: Hiện tại, giá dứa quả đang dao động từ 2.200-2.500 đồng/kg, với giá này thì bà còn nông dân trồng dứa không đủ tiền chi phí sản xuất.

“Với chi phí sản xuất như hiện nay, thì giá dứa quả phải trên 3000 đồng/kg thì người trồng dứa với có lãi”, ông Kiên thông tin.

Cùng với việc bán lẻ dứa quả ra thị trường trong và ngoài tỉnh hiện nay tỉnh Lào Cai đang nỗ lực tìm kiếm các thị trường, siêu thị lớn bảo đảm đầu ra ổn định bền vững cho bà con nông dân
Cùng với việc bán lẻ dứa quả ra thị trường trong và ngoài tỉnh, hiện nay tỉnh Lào Cai đang nỗ lực tìm kiếm các thị trường, siêu thị lớn bảo đảm đầu ra ổn định bền vững cho bà con nông dân

Nỗ lực tìm đầu ra

Cũng theo Chủ tịch UBND xã Bản Lầu, nguyên nhân chính khiến cho giá dứa quả xuống thấp, tiêu thụ chậm là do việc xuất khẩu mặt hàng dứa đóng hộp sang Đông Âu gặp rất nhiều khó khăn do tình hình chiến sự giữa Nga và Ukraina.

“Nếu như năm 2021, mỗi ngày Nhà máy chế biến rau quả xuất khẩu Mường Khương thu mua 50-60 tấn dứa quả, thì hiện tại mỗi ngày nhà máy chỉ thu mua 6-7 tấn mỗi ngày bằng cách thu mua dứa đã sơ chế (gọt và lấy mắt xong). Tuy nhiên việc thu mua cũng thất thường ngày mua ngày không. Cùng với đó, một số đầu mối dưới xuôi cũng dừng thu nên giá dứa quả giảm, tiêu thụ chậm là đương nhiên”, ông Kiên thông tin.

Trước những khó khăn này, bên cạnh việc tăng cường chào hàng, tiếp thị bán ra các thị trường trong tỉnh và một số chợ hoa quả đầu mối ở Hà Nội, thì địa phương cũng đang đẩy mạnh việc tìm các mối tiêu thụ tại các tỉnh, thành phố.

Cụ thể, UBND tỉnh Lào Cai chỉ đạo Trung tâm Khuyến công và xúc tiến thương mại Lào Cai, kết nối với đại diện hệ thống siêu thị VinMart tại Hà Nội nhằm đưa quả dứa vào hệ thống chuỗi siêu thị trong nước, mở rộng thị trường đầu ra cho nông sản Mường Khương. Tuy nhiên, hệ thống siêu thị này yêu cầu quả dứa phải đạt tiêu chuẩn trọng lượng từ 0,7kg/quả trở lên và phải bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.

Cùng với đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lào Cai cũng chủ động mời gọi các doanh nghiệp, đồng thời làm việc với Tổ công tác 970 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để hỗ trợ xúc tiến, tiêu thụ dứa cho huyện Mường Khương…

Với những nỗ lực này, trong những ngày gần đây một số doanh nghiệp và đơn vị chế biến ở các tỉnh, đã tới thu mua quả dứa tươi cho nông dân ở các xã Bản Lầu, Lùng Vai… Trung bình mỗi ngày thu mua được khoảng hơn 100 tấn; tuy nhiên, giá dứa quả thì vẫn thấp, nhưng cũng góp phần giảm thiệt hại cho nông dân.

“Chúng tôi đang tập trung hoàn thiện các thủ tục để quả dứa Bản Lầu đạt tiêu chuẩn OCOP vào tháng 4 này. Có như vậy, thì sản phẩm của địa phương mới có chỗ đứng vững chắc trên thị trường. Bên cạnh đó, góp phần thay đổi tập quán canh tác của bà con, đáp ứng yêu cầu khắt khe của thị trường trong và ngoài nước”, ông Kiên nhấn mạnh.

Tin cùng chuyên mục
Tiếp sức cho sản phẩm OCOP thông qua xúc tiến thương mại

Tiếp sức cho sản phẩm OCOP thông qua xúc tiến thương mại

Sau 6 năm triển khai Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (sản phẩm OCOP), chương trình đã mở rộng triển khai ở 63/63 tỉnh, với 13.368 sản phẩm. Đặc biệt, từ các hoạt động xúc tiến thương mại đã thúc đẩy tiêu thụ, chắp cánh sản phẩm OCOP vươn xa.