Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Già làng K’Ten trả ơn cho rừng

Văn Yên - 10:04, 07/12/2022

Hơn 20 năm qua, già làng K’Ten (65 tuổi, dân tộc Cơ Ho), thôn K’Long, xã Hiệp An, huyện Đức Trọng (Lâm Đồng) không ngại khó khăn, nguy hiểm để bảo vệ rừng ở núi Voi. Đây là cách để ông trả ơn rừng, nơi từng che chở ông và đồng đội những ngày tháng năm xưa chống Fulro.

Già làng K’Ten trả ơn rừng

Ông K’Ten trên chiếc xe máy đi tuần tra rừng

Bản lĩnh của K’Ten

Sinh ra và lớn lên tại thị trấn Đinh Văn, huyện Lâm Hà, hồi trẻ, K’Ten là một thanh niên khỏe mạnh, cường tráng, sớm giác ngộ cách mạng. Lên 20 tuổi, K’Ten đã kết hôn và gia đình nhỏ của ông chuyển về xã Hiệp An, huyện Đức Trọng sinh sống.

Trong thời gian này, lực lượng của tổ chức phản động Fulro hoạt động mạnh tại Tây Nguyên. K’Ten tham gia lực lượng nằm vùng tại khu vực núi Voi để bảo vệ dân làng, ông tham gia nhiều trận chiến ác liệt, lập nhiều thành tích đáng nể.

Già làng K’Ten cho biết, trong cuộc chiến ngày ấy, ông đã dũng cảm phá bỏ nhiều căn cứ của Fulro đóng trên địa bàn huyện Đức Trọng. 

Để chiến thắng bọn Fulro, ngoài sự đoàn kết của dân làng, thì rừng ở núi Voi, huyện Đức Trọng đã che chở, bảo vệ K’Ten và đồng chí, đồng đội trước kẻ thù. Tuy nhiên, trong một lần chiến đấu với 5 tên Fulro tại suối đá Tà Rèn, gần khu vực thác Prenn, ông không may bị thương.

Sau khi quân Fulro bị tiêu diệt, ông K’Ten cùng vợ chuyển vào bìa rừng sinh sống để bảo vệ rừng, bởi trong suy nghĩ của ông, đây là cách để ông trả ơn rừng. Cũng từ đó, ngày này qua ngày khác, tờ mờ sáng, K’Ten khăn gói lên rừng đến khi trời nhá nhém tối mới trở về nhà. Nhiều đêm ông mất ngủ hay có lúc bỏ ngang bữa cơm cùng gia đình để chạy vào rừng khi nghe tiếng cưa máy, nghi ngờ có vụ phá rừng sắp xảy ra.

Dù tuổi đã cao, nhưng thân hình ông rắn chắc, nhiều động tác nhanh nhẹn không khác gì thanh niên trai tráng, là thương binh hạng 4/4, với vết thương còn hằn trên bắp chân, nhưng ở nơi cánh rừng rộng, không chỗ nào là không có dấu chân của ông.

Già làng K’Ten trả ơn rừng 1

Già làng K’Ten (bên trái) xem bản đồ, vị trí của từng cây thông

Giữ rừng như giữ nhà 

Trên diện tích 32 ha, Tiểu khu 268, 277A, thuộc địa bàn xã Hiệp An, huyện Đức Trọng trong khu rừng nguyên sinh với 57 cây thông đỏ cổ thụ, nhiều cây du sam quý hiếm, có cây tuổi đời hàng nghìn năm, trị giá cao, nên “lâm tặc” luôn lăm le, không ít lần mua chuộc ông K’Ten bằng tiền bạc, vật chất nhưng đều nhận được cái lắc đầu từ ông.

Không thực hiện được mục đích đốn cây, chúng quay ra uy hiếp, đe dọa, khủng bố tinh thần ông và người thân. Nhớ có lần, ông chở vợ đi khám bệnh bị chúng chặn đường gây sự, đánh trọng thương và nói không được coi rừng thông tại núi Voi nữa. Ngoài ra, ông còn bị kẻ xấu bỏ thuốc sâu vào ao cá nuôi của gia đình ông khiến cá chết hết; chòi canh rừng của ông thường xuyên bị đốt. Đã nhiều lần vợ con, người thân khuyên ông bỏ việc, nhưng ông vẫn giữ quyết tâm bảo vệ rừng. 

Già làng K’Ten trả ơn rừng 2

Gìa làng K'Ten xem những cây thông như người bạn tri kỉ

"Năm trai trẻ tôi đã cùng đồng đội đánh Fulro, đối diện với cái chết mình còn không sợ. Bây giờ, bị đe dọa, hành hung thế này có nhằm nhò gì. Bên mình còn có pháp luật bảo vệ, còn có Công an, Kiểm lâm, Ban Quản lý rừng!.. Sợ gì bọn "lâm tặc”. Chính nó mới phải sợ mình chớ!”, già làng K'Ten nói chắc nịch.

Trước đây, nhiều gốc thông đỏ cổ thụ bị lâm tặc chặt hạ để lấy gỗ, nhưng kể từ ngày có K’Ten nhận khoán, bảo vệ rừng, lâm tặc không còn dám bén bảng đến đây nữa, hơn 20 năm bảo vệ, chăm sóc của ông K’Ten, đến nay rừng ở núi Voi, cây mọc um tùm, tươi tốt, dù hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhưng ông vẫn quyết giữ khu rừng như chính giữ sinh mệnh của mình.

Ông K’Ten bảo: Đi tuần tra rừng cũng là một hình thức rèn luyện sức khỏe, ngày nào không lên rừng là ông nhớ, bồn chồn trong người. Ông còn bảo, ông xem rừng như người bạn tri kỉ, thân thiện, ông còn sống thì rừng phải còn. Ông luôn nhắc nhở con cháu, không được chặt phá một cây rừng dù bất kỳ lý do nào, rừng là nguồn tài nguyên cần được gìn giữ, bảo vệ cho thế hệ mai sau. Tuy vậy cuộc chiến bảo vệ rừng vẫn chưa hết gian nan, vất vả...

Già làng K’Ten trả ơn rừng 3

Nhiều cây thông có tuổi đời hàng nghìn năm

Già K'Ten còn kể thêm, cách đây vài năm, ông đã từng dẫn một đoàn nhà khoa học nước ngoài và Việt Nam tới khảo sát, đánh giá thông đỏ trong khu vực. Đoàn công tác đã dùng các thiết bị đo độ tuổi, phấn khởi là đã xác định có cây thông đỏ khoảng 2.500 năm tuổi. Cây cao thẳng tắp tới hơn 30 m, đường kính gốc gần 3 m, rễ to lớn nổi lên mặt đất, vươn ra xa trong vòng 1.000 m2.

Năm 2009, để siết chặt công tác quản lý và bảo vệ cho quần thể cây thông đỏ, Hạt Kiểm lâm huyện Đức Trọng đã tiến hành gắn chíp và đóng số vào từng cây. Sau nhiều năm, ông K’Ten dựng chòi án ngữ lối lên núi Voi, những cây thông đỏ cổ thụ đặc biệt quý hiếm này đã được bảo vệ nghiêm ngặt. Ông còn được ví là “đôi mắt” của rừng.

Tin cùng chuyên mục
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh dự Đại hội Đại biểu các DTTS tỉnh Thái Nguyên lần thứ IV - năm 2024

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh dự Đại hội Đại biểu các DTTS tỉnh Thái Nguyên lần thứ IV - năm 2024

Với chủ đề “Các dân tộc tỉnh Thái Nguyên đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững”, ngày 24/10/2024, tại Tp. Thái Nguyên, Đại hội Đại biểu các DTTS tỉnh Thái Nguyên lần thứ IV - năm 2024 đã được tổ chức long trọng. Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh đến dự và chỉ đạo Đại hội.