Hiệu quả rõ rệt
Năm 2014, tỉnh Lào Cai giao khoán 3.780ha rừng ở xã Nậm Tha (huyện Văn Bàn) cho Công ty Phúc Khánh quản lý, bảo vệ. Theo kết quả giám sát của Sở NN&PTNT tỉnh Lào Cai, Công ty Phúc Khánh đã thành lập Ban BVR và Tổ BVR chuyên trách gồm 12 người thực hiện nhiệm vụ tuần tra, bảo vệ rừng, Công ty trả lương 8 triệu đồng/tháng, có đóng BHXH; đặt hai trạm barie tại đầu đập Nhà máy Thủy điện Nậm Tha 5 và 6 để kiểm soát người ra vào rừng, kiểm soát lâm sản...
Nhờ vậy, sau 6 năm nhận khoán BVR, diện tích rừng ở đây được bảo vệ tốt, không bị xâm hại; nhiều loài cây tái sinh gồm các nhóm đặc trưng như táu, sến, kháo, trám, bứa phát triển mạnh… Bên cạnh đó, Công ty đã trồng được 132ha rừng mới/350ha đất trống. Trong khu vực rừng do Công ty bảo vệ còn xuất hiện đàn khỉ vàng, với số lượng 9 - 10 cá thể. Thực tế cho thấy, rừng được doanh nghiệp thủy điện bảo vệ nghiêm, chất lượng rừng tốt.
Tương tự, năm 2018, tỉnh Lào Cai đã giao 5.898ha rừng, tại các xã Liêm Phú, Khánh Yên Hạ (huyện Văn Bàn) và xã Nậm Chạc (huyện Bát Xát) cho Công ty Thăng Long quản lý, bảo vệ. Công ty đã thành lập Ban BVR chuyên trách, gồm 36 người và lực lượng kiêm nhiệm là 20 người, Công ty trả lương hằng tháng. Nhờ quản lý chặt, rừng tự nhiên ở đây không bị xâm hại, sinh trưởng tốt.
“Về hiệu quả kinh tế, hằng năm tiết kiệm ngân sách nhà nước khoảng 2,9 tỷ đồng cho toàn bộ diện tích rừng đã giao khoán cho doanh nghiệp thủy điện; đồng thời tạo việc làm và thu nhập cho 104 lao động, trong đó có 30 lao động chuyên trách BVR, với mức thu nhập từ 6 - 8 triệu đồng/tháng”, ông Tô Mạnh Tiến, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Lào Cai cho biết.
Khó khăn khi tiếp quản
Thực hiện chỉ đạo của Bộ NN&PTNT về việc bàn giao diện tích rừng do doanh nghiệp quản lý về Ban Quản lý rừng phòng hộ các huyện, tỉnh Lào Cai đã tiến hành rà soát, đo đạc, kiểm đếm, bàn giao hơn 8.000ha rừng từ 2 doanh nghiệp thủy điện cho Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Văn Bàn, Bát Xát. Cụ thể, Công ty Phúc Khánh đã bàn giao lại cho địa phương toàn bộ hồ sơ nội nghiệp và 3.765ha rừng. Công ty Thăng Long đã bàn giao cho Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Văn Bàn và Công ty TNHHMTV lâm nghiệp Văn Bàn 4.874ha rừng…
Tuy nhiên, theo ông Tô Mạnh Tiến, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Lào Cai, việc không tiếp tục khoán rừng cho doanh nghiệp thủy điện ở địa phương gây khó khăn cho cơ quan chuyên môn và địa phương. Với lực lượng của doanh nghiệp đông và sát sao do ở gần rừng nên bảo vệ dễ dàng hơn so với các xã chỉ có thể bố trí từ 1 - 2 công chức kiểm lâm, nên việc giám sát, kiểm tra thường xuyên là rất khó khăn.
Đặc biệt, để duy trì lực lượng BVR chuyên trách khoảng 30 người, hằng năm ngân sách Nhà nước phải chi khoảng 2,9 tỷ đồng. Hiện đã là giữa năm nên việc đề xuất kinh phí bổ sung từ ngân sách Nhà nước là rất khó khăn, trong khi vẫn phải duy trì lực lượng BVR chuyên trách để bảo vệ hơn 8.000ha rừng mới tiếp nhận từ hai doanh nghiệp thủy điện nêu trên.
“Để tháo gỡ khó khăn này, Sở đề nghị, trước mắt tiếp nhận lực lượng BVR rừng chuyên trách của doanh nghiệp để lại và kiến nghị cơ chế đặc thù ứng trước kinh phí hằng tháng để chủ rừng mới là Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Văn Bàn và Bát Xát thuê khoán tổ, đội BVR theo hướng bán chuyên trách để bảo vệ toàn bộ diện tích rừng đã nhận bàn giao từ hai doanh nghiệp thủy điện nói trên…”, ông Tiến kiến nghị.