Theo bà Vũ Thị Hiện, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển vùng cao cho biết: “Xuất phát từ ý tưởng đưa người dân trở thành đối tượng trực tiếp được hưởng lợi từ rừng, gắn trách nhiệm bảo vệ, trồng mới rừng đối với cộng đồng người dân tộc thiểu số (DTTS), năm 2015 Trung tâm đã triển khai “Mô hình cộng đồng bảo vệ rừng và phát triển sinh kế” tại 5 xã của huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên và 2 xã tại huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa với tổng diện tích gần 7.000 ha”.
Mô hình hướng tới giao quyền sử dụng rừng cho người dân trong thời gian 50 năm với chi phí thấp, hướng đến sự phát triển và quản trị rừng bền vững cho cộng đồng thực hiện. Người dân khi tham gia mô hình được trang bị đầy đủ kiến thức luật, cung cấp cây giống, kỹ thuật trồng, chăm sóc, phục hồi và duy trì hệ sinh thái rừng và hướng tới phát triển bền vững về kinh tế rừng cho cộng đồng DTTS.
Ông Sùng A Xua, dân tộc Mông, thôn Nà Kháo, xã Phú Thượng, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên được giao 7ha rừng từ năm 2016, cho biết: “Trước đây người dân trong thôn bảo vệ rừng theo hợp đồng với UBND xã, mỗi tháng chúng tôi được trả 1 triệu đồng. Vì số tiền được trả quá ít, nên không đủ chi phí cho quá trình đi kiểm tra rừng, nên 1 tháng chúng tôi chỉ đi kiểm tra rừng 1-2 lần. Từ khi gia đình tôi và bà con trong thôn làm theo mô hình mới của Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển vùng cao, chúng tôi đã có thêm điều kiện để quản lý, bảo vệ, phát triển rừng. Ai cũng có ý thức, trách nhiệm hơn, vì đây chính là tài sản của mình. Chúng tôi còn thành lập Tổ tuần tra trong thôn, thay nhau bảo vệ rừng. Đến nay, gia đình nào cũng đã ổn định cuộc sống nhờ làm kinh tế rừng, hộ thấp nhất trong thôn cũng thu được hơn 50 triệu đồng/năm”.
Với hơn 270 nhóm, tương ứng với gần 5.500 hộ gia đình tham gia mô hình cộng đồng bảo vệ rừng và phát triển sinh kế, người dân đã được Trung tâm cung cấp các thông tin về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cộng đồng sống phụ thuộc vào rừng, từ đó người dân có thể tự giải quyết được những vấn đề liên quan đến các trường hợp xâm lấn, khai thác rừng thuộc phạm vi quản lý của cộng đồng. Bên cạnh đó, Trung tâm còn hỗ trợ, cung cấp kỹ năng và kiến thức cho người dân trong công tác quản lý, bảo vệ; hướng dẫn cách làm giàu từ rừng tự nhiên thông qua hoạt động sinh kế như: trồng trọt, chăn nuôi, nông lâm kết hợp…
Khi việc bảo vệ, trồng mới rừng được gắn với quyền lợi, trách nhiệm của cộng đồng, ý thức bảo vệ, phát triển rừng của cộng đồng DTTS đã được nâng cao. Điển hình là việc bảo vệ rừng tại cộng đồng được thực hiện bằng luật tục (phối hợp giữa pháp luật với tục lệ của thôn, bản), qua đó phát triển các thể chế cộng đồng và xây dựng năng lực quản lý rừng từ chính những người tham gia vào mô hình.
Với cách làm đó mà 100% diện tích rừng đã giao (7.000ha), được cộng đồng các dân tộc ở 2 tỉnh Thái Nguyên và Thanh Hóa bảo vệ, tình trạng “rừng vô chủ” đã được chấm dứt, hạn chế được tình trạng người tứ phương đến khai thác bất hợp pháp và chặt cây non làm củi, săn bắt động vật hoang dã, khai thác tận diệt.
Kết quả sau gần 5 năm thực hiện “Mô hình cộng đồng bảo vệ rừng và phát triển sinh kế”, đến nay đã có trên 5.000ha rừng đạt độ che phủ (chiếm khoảng trên 70%); hệ sinh thái rừng tại 5 xã thí điểm của 2 tỉnh Thái Nguyên và Thanh Hóa đã được phục hồi; trên 700 loài động vật hoang dã và thực vật đã quay trở lại sinh sống; gần 350 loài cây gỗ (trong đó có 9 loài trong sách đỏ) được khôi phục và có khả năng sống sót cao. Đặc biệt, mỗi hộ gia đình tham gia mô hình đã có thu nhập trung bình 70 triệu đồng/năm. Điều đó cho thấy, việc thực hiện “Mô hình cộng đồng bảo vệ rừng và phát triển sinh kế đang là hướng đi đúng, và cần được nhận rộng trong thời gian tới.
Sau gần 5 năm thực hiện “Mô hình cộng đồng bảo vệ rừng và phát triển sinh kế”, đến nay đã có trên 5.000ha rừng đạt độ che phủ (chiếm khoảng trên 70%); hệ sinh thái rừng tại 5 xã thí điểm của 2 tỉnh Thái Nguyên và Thanh Hóa đã được phục hồi. Đặc biệt, mỗi hộ gia đình tham gia mô hình đã có thu nhập trung bình 70 triệu đồng/năm.
NGHĨA HIỆP