Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Bình Định: Khi người dân xem “rừng là nhà”

Thành Nhân - 20:18, 18/11/2019

Thời gian qua, bên cạnh công tác tuần tra bảo vệ rừng, ngành Lâm nghiệp tỉnh Bình Định đã phối hợp với chính quyền các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân hiểu việc bảo vệ rừng là bảo vệ sự sống, bảo vệ ngôi nhà của mình. Nhờ đó, những cánh rừng ở Bình Định vẫn giữ được màu xanh ngút ngàn.

Xem “rừng là nhà” nên người dân đã chủ động đi tuần tra, kiểm tra bảo vệ rừng
Xem “rừng là nhà” nên người dân đã chủ động đi tuần tra, kiểm tra bảo vệ rừng

Với hơn 51.700ha đất có rừng; trong đó có hơn 46.200ha rừng tự nhiên, còn lại là rừng phòng hộ và rừng trồng, huyện Vĩnh Thạnh là địa phương tích cực tuyên truyền bảo vệ rừng và phòng chống cháy rừng (BVR&PCCR). Bên cạnh đó, tỉnh cũng chú trọng thực hiện chính sách giao khoán cho các cộng đồng dân cư trên địa bàn huyện để quản lý bảo vệ rừng. 

Ông Đinh Văn Nhơn, người dân thôn Hà Ri, xã Vĩnh Hiệp, chia sẻ: “Làng chúng tôi thành lập Ban quản lý cộng đồng bảo vệ rừng và lập các chốt chặn, cử người luân phiên canh gác, tuần tra bảo vệ rừng, tuyên truyền để bà con chung tay bảo vệ rừng. Khi bà con vào rừng, lên nương rẫy, phát hiện các hành vi xâm hại rừng hoặc cháy rừng đều chủ động, kịp thời báo cáo cho lực lượng chức năng để xử lý”.

Là huyện miền núi giàu tài nguyên rừng, với diện tích rừng và đất quy hoạch phát triển rừng gần 76.000ha, diện tích quy hoạch lâm nghiệp hơn 70.000ha, địa hình lại phức tạp, đời sống Nhân dân khó khăn, chủ yếu dựa vào rừng, nên tình trạng vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, khai thác lâm sản trái phép ở huyện Vân Canh dễ xảy ra. Vì thế, Hạt Kiểm lâm huyện luôn xem trọng công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân; phối hợp với chính quyền các xã đến từng thôn, làng, tổ chức cho người dân sống gần rừng ký cam kết bảo vệ rừng.

Trong công tác quản lý, bảo vệ rừng luôn có sự phối kết hợp chặt chẽ, thường xuyên giữa lực lượng Kiểm lâm và các chủ rừng, các hội, đoàn thể. Ông Nguyễn Thanh Hải, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Vân Canh, chia sẻ: Với điều kiện về nhân lực, phương tiện, công cụ hỗ trợ còn nhiều khó khăn như hiện nay, vấn đề quan trọng nhất trong công tác quản lý, bảo vệ rừng tại các địa phương ở Vân Canh, là duy trì tốt mối quan hệ phối hợp giữa lực lượng Kiểm lâm, chủ rừng, UBND cấp xã, thị trấn. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao ý thức và ký cam kết bảo vệ rừng… Từ đó, nhận thức của người dân được nâng lên, hạn chế tình trạng chặt phá rừng làm nương rẫy, thay vào đó bà con phát triển kinh tế từ việc trồng rừng, nhận khoán bảo vệ rừng để có thu nhập.

Mặc dù đã có nhiều chuyển biến tích cực trong công tác BVR&PCCR, nhưng do đồng bào nhận thức pháp luật còn hạn chế, đời sống còn nhiều khó khăn, nên vẫn còn tình trạng người dân lén lút vào rừng khai thác gỗ trái phép để làm nhà, phá rừng làm nương rẫy…

Về vấn đề này, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Kiểm lâm Bình Định Huỳnh Ngọc Bảo cho biết: Thời gian tới, Chi cục tăng cường phối hợp với chính quyền các địa phương, đẩy mạnh công tác tuyên truyền với nội dung ngắn gọn, dễ hiểu, gần gũi với cuộc sống của bà con để chuyển tải thông điệp về công tác BVR&PCCR, qua các buổi sinh hoạt thôn, làng, giao lưu văn nghệ nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ cho người dân miền núi tuân thủ pháp luật về BVR&PCCR. Đồng thời, tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra, truy quét bảo vệ rừng, nhất là thời điểm giáp Tết Nguyên đán sắp tới.

Tin cùng chuyên mục
Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Dù mới được thành lập nhưng các Câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đã góp phần trang bị cho học sinh nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích để các em nói lên tiếng nói của mình và thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ đồng bào DTTS ngay từ trên ghế nhà trường. Đặc biệt, các em còn là những hạt nhân tiên phong thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, từ đó dần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu ở thôn ấp, bản làng để cùng nhau vươn lên phát triển.