Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Đăk Hà (Kon Tum): Hiệu quả từ giao khoán rừng phòng hộ cho cộng đồng

PV - 15:29, 20/11/2018

Trước yêu cầu đặt ra trong việc bảo vệ rừng ở địa phương, Ban Quản lý rừng phòng hộ Đăk Hà tăng cường giao khoán rừng cho cộng đồng theo chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng. Ban Quản lý rừng phòng hộ Đăk Hà đã phát huy vai trò cộng đồng trong việc bảo vệ sự bình yên cho những khu rừng và làm hồi sinh tài nguyên rừng.

Ban Quản lý rừng phòng hộ Đăk Hà được giao quản lý 21.326,78ha rừng và đất lâm nghiệp trên 20 tiểu khu trải dài từ các xã Ngọc Yêu, Đăk Hà (huyện Tu Mơ Rông), đến các xã Đăk Pxi, Đăk Ui, Ngọc Réo, Ngọc Wang (huyện Đăk Hà), giáp với các xã Đăk Kôi, Đăk Tờ Re, Đăk Tơ Lung (huyện Kon Rẫy) và Đăk Tăng (huyện Kon Plông).

 Rừng phòng hộ ở Đăk Hà đang hồi sinh. Rừng phòng hộ ở Đăk Hà đang hồi sinh.

Rừng trên lâm phần Ban Quản lý rừng phòng hộ Đăk Hà là rừng đầu nguồn sông Đăk Pxi, thuỷ lợi Đăk Uy... Đây là con sông cung cấp nguồn nước quan trọng cho nhiều công trình thuỷ điện và sản xuất nông nghiệp ở địa phương. Tuy nhiên, do lâm phần trải dài, tiếp giáp với nhiều huyện nên việc quản lý, bảo vệ rừng phòng hộ có thời điểm gặp không ít khó khăn, phức tạp.

Theo bà Ngô Thị Kiêm Phận, Phó phòng Kỹ thuật Ban Quản lý rừng phòng hộ Đăk Hà, có nhiều khu rừng ở xã Ngọc Réo trước đây khi còn trực thuộc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Kon Tum thường bị lâm tặc hoành hành và người dân phát làm nương rẫy trái phép. Nhưng kể từ khi thực hiện chính sách dịch vụ môi trường rừng và chuyển đổi diện tích rừng này về Ban Quản lý rừng phòng hộ Đăk Hà, rừng ngày càng được quản lý bảo vệ tốt. Trên lâm phần, không còn “điểm nóng” như trước.

Mấu chốt để nâng cao hiệu quả công tác quản lý bảo vệ rừng được Ban Quản lý rừng phòng hộ Đăk Hà thực hiện hiệu quả là tăng cường giao khoán rừng cho cộng đồng và tuần tra, truy quét lâm tặc.

Trao đổi về cộng đồng nhận khoán, A Nhan, dân tộc Xơ-đăng, Trưởng thôn Đăk Phía, xã Ngọc Réo khẳng định: Kể từ khi Ban Quản lý rừng phòng hộ Đăk Hà giao khoán 262,8ha rừng cho cộng đồng, dân làng phân công nhau tuần tra, bảo vệ rừng, không để xảy ra cháy rừng, phát rừng làm nương rẫy và khai thác gỗ trái phép. Tài nguyên rừng trên địa bàn ngày càng hồi sinh.

Không tính những năm trước, A Nhan cho biết, chỉ riêng năm 2018 này, cộng đồng thôn Đăk Phía được Ban Quản lý rừng phòng hộ Đăk Hà chi trả 92,31 triệu đồng tiền dịch vụ môi trường rừng. Từ nguồn tiền dịch vụ môi trường rừng, dân làng có điều kiện mua sắm bộ cồng chiêng, góp phần xây dựng lại nhà rông, và hỗ trợ các hộ tham gia bảo vệ rừng...

Trong việc bảo vệ rừng, thôn Đăk Phía chia 99 hộ trong cộng đồng thành 6 nhóm. Hằng tháng, trong cộng đồng luôn có 3 nhóm thay phiên nhau đi tuần tra bảo vệ rừng, mỗi lần đi tuần tra 1 ngày. Cứ tháng này 3 nhóm này đi, thì tháng sau 3 nhóm khác đi. Khi đi tuần tra, các nhóm đều phối hợp với cán bộ, nhân viên Ban Quản lý rừng phòng hộ Đăk Hà.

“Khi đi tuần tra, người dân mang theo cơm ăn trưa tại rừng, chiều tối mới về đến nhà. Người nào đi, nhóm chấm công và cuối năm nhận 100 nghìn đồng/ngày công tuần tra. Có tiền tuần tra, bà con ai cũng phấn khởi”, A Nhan bộc bạch.

Để nâng cao ý thức cộng đồng, ông Lê Viết Thành, Trạm trưởng Trạm Quản lý bảo vệ rừng phòng hộ Ngọc Réo cho biết, cứ sáng thứ Ba hằng tuần họp thôn, Trạm phối hợp thôn trưởng tuyên truyền và thông tin về công tác quản lý bảo vệ rừng. Trong quá trình họp thôn và trao đổi thông tin, nếu phát hiện hành vi xâm hại rừng, Trạm Quản lý bảo vệ rừng phối hợp với cộng đồng tổ chức kiểm tra và xử lý theo quy định.

Gắn bó với rừng và được tuyên truyền nhiều lần về chính sách dịch vụ môi trường rừng, người dân trong cộng đồng ai cũng nhận thức được vai trò của rừng với cuộc sống. “Rừng cung cấp oxy, lâm sản, hạn chế lũ lụt, chống xói mòn đất, giữ nguồn nước cho sản xuất, sinh hoạt; cân bằng môi trường sinh thái. Bảo vệ rừng là bảo vệ môi trường sống cho người và sinh vật”, A Nhúc, nhóm trưởng một nhóm bảo vệ rừng thôn Đăk Phía chia sẻ.

Để tìm hiểu rừng cộng đồng nhận khoán, chúng tôi có chuyến kiểm tra rừng đột xuất. Luồn sâu trong rừng, nhưng tôi không thấy dấu hiệu của việc khai thác gỗ và phá rừng làm nương rẫy trái phép. Ông Lê Viết Thành kể, con đường này trước đây thường được lâm tặc lợi dụng để vận chuyển lâm sản trái phép. Tuy nhiên, kể từ khi rừng được giao khoán cho cộng đồng kết hợp với việc thành lập các chốt bảo vệ rừng, lâm tặc không còn liều lĩnh khai thác và vận chuyển lâm sản trái phép như trước nữa.

Đánh giá lại công tác quản lý bảo vệ rừng, ông Trần Thanh Tân, Phó ban Quản lý rừng phòng hộ Đăk Hà khẳng định, từ đầu năm đến nay, trên lâm phần chỉ xảy ra một vụ vi phạm lâm luật. Để góp phần nâng cao hơn nữa công tác bảo vệ rừng, ngoài việc giao khoán 7.992,98ha rừng cho 21 cộng đồng dân cư thôn, Ban Quản lý rừng phòng hộ Đăk Hà còn đang tiến hành giao khoán thêm 4.107,02ha rừng (dự kiến hoàn thành trong quý IV năm nay) nâng tổng diện tích rừng giao khoán lên 12.100ha.

Việc tăng cường giao khoán rừng cho cộng đồng theo chính sách dịch vụ môi trường rừng kết hợp với việc tăng cường tuần tra, truy quét, bảo vệ rừng, Ban Quản lý bảo vệ rừng phòng hộ Đăk Hà đang từng bước xác lập sự bình yên có những cánh rừng, kể cả những khu rừng trước đây được xem là điểm nóng.

VĂN NHIÊN

Tin cùng chuyên mục
Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Dù mới được thành lập nhưng các Câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đã góp phần trang bị cho học sinh nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích để các em nói lên tiếng nói của mình và thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ đồng bào DTTS ngay từ trên ghế nhà trường. Đặc biệt, các em còn là những hạt nhân tiên phong thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, từ đó dần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu ở thôn ấp, bản làng để cùng nhau vươn lên phát triển.