Rừng vẫn tiếp tục “chảy máu”
Ông Lê Văn Bé, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm (Sở NN&PTNT Phú Yên), cho biết: Từ năm 2017 đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 896 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp, trong đó có 54 vụ phá rừng trái phép với diện tích gần 52ha, 45 vụ vi phạm quy định về Phòng cháy chữa cháy rừng với diện tích thiệt hại hơn 525ha, 130 vụ khai thác lâm sản trái phép, 615 vụ mua bán và vận chuyển lâm sản trái phép, 12 vụ chế biến lâm sản trái phép, 40 vụ vi phạm khác.
Đơn vị đã chuyển cơ quan cảnh sát điều tra để xử lý hình sự 49 vụ, trong đó có 45 vụ phá rừng, 2 vụ khai thác rừng, 1 vụ vận chuyển lâm sản và 1 vụ gây cháy rừng. Theo đó, các lực lượng chức năng đã xử phạt vi phạm hành chính và tiền bán tang vật tịch thu hơn 10,9 tỷ đồng.
Một trong những địa phương gặp nhiều khó khăn trong công tác bảo vệ rừng là huyện Sông Hinh. Ông Phạm Ngọc Minh, Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Sông Hinh, cho hay: Từ năm 2017 đến nay, đơn vị đã phát hiện và lập biên bản 32 vụ khai thác rừng trái phép; 12 vụ vận chuyển, cất giữ lâm sản trái phép; tịch thu khoảng 152m3 gỗ các loại.
“Đáng lo ngại là gần đây, các thành phần khai thác lâm sản trái phép còn uy hiếp cả lực lượng quản lý bảo vệ rừng. Nhiều vụ phá rừng đã xảy ra nhiều năm nhưng đến nay vẫn chưa xử lý dứt điểm”, ông Minh chia sẻ thêm.
Cần sớm tháo gỡ vướng mắc
Thực tế hiện nay, công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh Phú Yên chưa bền vững, tình trạng phá rừng vẫn còn diễn ra, đặc biệt là rừng tự nhiên đang bị đe dọa, trong khi công tác phát hiện và xử lý còn chậm, chế tài chưa đủ mạnh, chưa đủ sức răn đe.
Ông Nguyễn Trung Háo, Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Đồng Xuân chia sẻ: Việc xử lý đối với các trường hợp phá rừng mà đối tượng là đồng bào DTTS đang gặp nhiều khó khăn. Họ nêu lý do thiếu đất sản xuất nên phá rừng để có đất canh tác. Qua công tác vận động, các hộ chấp hành không phá rừng, thì lại thiếu đất sản xuất, còn các hộ không chấp hành thì diện tích đất sản xuất từ phá rừng là rất nhiều.
Bên cạnh đó, một số địa phương được tỉnh giao lại rừng để chia cho dân quản lý bảo vệ, nhưng lại thiếu kinh phí nên không thể triển khai. Theo ông Phạm Trung Chánh, Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Xuân, năm 2013, tỉnh có quyết định giao lại trên 10.000ha từ đất rừng phòng hộ cho địa phương quản lý. Để bảo đảm điều kiện giao đất cho dân quản lý, bắt buộc phải đo đạc lại. Tuy nhiên, do kinh phí đo đạc quá lớn (khoảng 4-5 tỷ đồng) nên địa phương chưa triển khai giao đất, cho thuê đất rừng để các hộ dân thiếu đất sản xuất quản lý, khai thác từ đất rừng. Chính việc chậm trễ này mà hiện nay, nhiều diện tích đất rừng (hơn 100ha) do địa phương quản lý đã bị lấn chiếm trái phép.
Trao đổi về hướng tháo gỡ những vướng mắc trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, ông Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở NN&PTNT Phú Yên, cho biết: Đơn vị đã tham mưu cho UBND tỉnh kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương ưu tiên bố trí vốn cho dự án Bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020; hỗ trợ khoảng 13,3 tỷ đồng để thực hiện đề án giao rừng.
Sở NN&PTNT cũng đã kiến nghị UBND tỉnh xem xét, cấp kinh phí để thực hiện đề án bảo vệ và phát triển rừng; giao rừng, cho thuê rừng giai đoạn 2018-2025 với khoảng 12,2 tỷ đồng…