Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Gia Lai - Vùng đất của những bộ cồng chiêng quý giá: Giá trị trong phát triển du lịch (Bài 3)

Ngọc Thu - 15:56, 25/11/2023

Từ tiềm năng, nguồn di sản văn hóa quý giá cồng chiêng, những năm gần đây, các chủ nhân của di sản văn hóa phi vật thể cồng chiêng ở tỉnh Gia Lai đã ý thức việc khai thác giá trị bản sắc văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch. Qua đó, các chủ nhân của di sản dù ở các bản làng xa, hay buôn làng khó khăn vẫn có cơ hội thể hiện tài năng, mang lại những trải nghiệm thú vị cho du khách gần xa, qua đó có thêm nguồn thu nhập ổn định từ các hoạt động biểu diễn văn hóa, văn nghệ cho các đoàn khách du lịch, hay trong các lễ hội, các chương trình của địa phương, của tỉnh tổ chức...

Các nghệ nhân Gia Rai trình diễn cồng chiêng tại Lễ hội hoa dã quỳ - núi lửa Chư Đang Ya thu hút hàng ngàn du khách đến tham quan, trải nghiêm
Các nghệ nhân Gia Rai trình diễn cồng chiêng tại Lễ hội hoa dã quỳ - núi lửa Chư Đang Ya thu hút hàng ngàn du khách đến tham quan, trải nghiêm

Bảo tồn văn hóa cồng chiêng gắn với phát triển du lịch

Mỗi tối thứ 7 hàng tuần, chương trình “Cồng chiêng cuối tuần - thưởng thức và trải nghiệm” do Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai tổ chức, đã trở thành điểm đến quen thuộc, hấp dẫn của người dân và du khách. Chương trình cũng tạo điều kiện để các nghệ nhân Gia Rai và Ba Na ở các địa phương được luân phiên biểu diễn, thể hiện nét đẹp văn hóa của dân tộc mình. Qua đó, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch địa phương, giới thiệu, quảng bá hình ảnh vùng đất, con người Gia Lai đến với du khách trong và ngoài nước. Đặc biệt, mỗi đêm như vậy, cùng với kinh phí hỗ trợ nghệ nhân từ làng lên phố trình diễn của Ban tổ chức, mỗi nghệ nhân cũng có thêm thu nhập khoảng 100.000 đồng từ số tiền du khách “thưởng”.

Đội chiêng nữ làng Leng (xã Tơ Tung, huyện Kbang) trình diễn cồng chiêng tại Chương trình “Cồng chiêng cuối tuần - thưởng thức và trải nghiệm”
Đội chiêng nữ làng Leng (xã Tơ Tung, huyện Kbang) trình diễn cồng chiêng tại Chương trình “Cồng chiêng cuối tuần - thưởng thức và trải nghiệm”

Không chỉ thế, các đội cồng chiêng Gia Rai còn được các nhà hàng mời biểu diễn phục vụ du khách. Từ đây, các nghệ nhân cũng có thêm thu nhập đáng kể. Điển hình như đội cồng chiêng thanh - thiếu niên làng Chuét 2 (phường Thắng Lợi, TP. Pleiku) đã tạo dấu ấn ở nhiều lễ hội. Đội được thành lập năm 2015, với 30 thành viên từ 8 - 18 tuổi, mỗi người đảm nhận một nhiệm vụ: chơi đàn goong, đánh đàn t’rưng, đánh chiêng... Mỗi khi có sự kiện cần đi diễn, đội hào hứng tập trung tập luyện.

Anh Siu Luk, nghệ nhân đánh chiêng làng Chuét 2, TP. Pleiku cho hay “Được tham gia nhiều cuộc thi, sự kiện và biểu diễn ở nhà hàng, các thành viên trong đội rất tự hào và ngày càng tự tin khi biểu diễn trước đám đông. Đồng thời, cũng góp thêm thu nhập cho gia đình nên ai cũng phấn khởi”.

Huyện Chư Păh có nhiều tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng. Hiện, địa phương đang từng bước hình thành mô hình du lịch cộng đồng ở các làng Kép, xã Ia Mơ Nông; làng Kon Sơ Lăh, xã Hà Tây; làng Ia Gri, xã Chư Đăng Ya; làng Mrông Yố 2, xã Ia Ka. Tại các địa điểm này, huyện Chư Păh khai thác du lịch văn hóa trên cơ sở phát huy các giá trị của di sản phi vật thể không gian văn hóa cồng chiêng, nhà rông Tây nguyên. 

Đối với 2 làng đã được công nhận làng du lịch cộng đồng ở xã Ia Mơ Nông và làng du lịch cộng đồng Gri, xã Chư Đang Ya. Đã thành thông lệ, mỗi năm vào lễ hội như Lễ hội hoa dã quỳ - núi lửa Chư Đang Ya, du khách đổ về đây thưởng lãm cảnh sắc hiếm có của vùng cao nguyên để được hòa mình vào thiên nhiên, thưởng thức các đặc sản địa phương như gà nướng, cơm lam… Cùng với một vùng văn hóa đậm chất giá trị văn hóa truyền thống, thì những ché rượu cần, là xoang, là những giai điệu cồng chiêng của đồng bào Gia Rai, Ba Na hẳn không thể thiếu.

Đội cồng chiêng xã Chư Đang Ya cùng du khách xoang trong nhịp chiêng ngân vang
Đội cồng chiêng xã Chư Đang Ya cùng du khách xoang trong nhịp chiêng ngân vang

Anh Trần Hoàng Phát (du khách Hà Nội) cho biết: “Gia Lai không chỉ có thắng cảnh đẹp với núi non hùng vĩ mà còn có cả nhà rông cao vút tiếng cồng chiêng vang dội. Được hoà mình trong vòng xoang với các sơn nữ, nghe tiếng chiêng trầm hùng của các chàng trai đã khiến tôi không thể quên vùng đất Gia Lai huyền bí này”.

Mới đây, một đại tiệc văn hóa Festival cồng chiêng tỉnh Gia Lai năm 2023 được tổ chức, với hơn 1.000 nghệ nhân của 21 đoàn đến từ 5 tỉnh Tây Nguyên đã tái hiện không gian sinh hoạt văn hóa cộng đồng, cùng những màn trình diễn cồng chiêng ấn tượng đã tạo nên bức tranh văn hóa đa sắc màu mới lạ, hấp dẫn cho du khách gần xa. Đó là không gian buôn làng vào dịp lễ hội như: phục dựng nghi lễ “ăn lúa mới” của người Gié Triêng, lễ mừng nhà rông mới của người Gia Rai… cùng những màn trình diễn cồng chiêng đường phố đặc sắc đã mang đến du khách những trải nghiệm mới lạ nhưng không kém phần hấp dẫn, thú vị. Festival Văn hóa cồng chiêng đã thu hút hàng chục ngàn người dân và du khách, trong đó có nhiều du khách quốc tế.

Du khách nước ngoài chụp ảnh cùng nghệ nhân Gia Rai tại Festival cồng chiêng tỉnh Gia Lai
Du khách nước ngoài chụp ảnh cùng nghệ nhân Gia Rai tại Festival cồng chiêng tỉnh Gia Lai

Anh Tim (du khách Thụy Sỹ) sau khi trải nghiệm uống rượu cần, giã gạo, đánh cồng chiêng và tham gia một số lễ hội đã bày tỏ sự ấn tượng: “Một lễ hội với nhiều trải nghiệm tuyệt vời. Sự giàu có về văn hóa và ẩm thực rất ngon khiến chúng tôi thực sự ấn tượng và yêu quý vùng đất này”.

Cồng chiêng không chỉ ngân lên ở Tây Nguyên

Năm 2023 có ý nghĩa đặc biệt khi đoàn nghệ nhân Gia Rai của Gia Lai khi gây ấn tượng trên sân khấu âm nhạc thế giới tại Lễ hội Âm thanh Thế giới 2023 (Jeonju International Sori Festival) được tổ chức tại (TP. Jeonju, tỉnh Jeollabuk, Hàn Quốc). Chương trình của đoàn gồm 7 tiết mục nối tiếp nhau trên sân khấu ngoài trời đã thu hút đông đảo khán giả từ khắp nơi đến thưởng thức.

Với trang phục truyền thống và phong cách trình bày dân dã nhưng không kém phần sôi động và sâu lắng, 14 nghệ nhân Gia Lai đã hoàn toàn chinh phục người xem, dù không có bất kỳ lời giải thích nào kèm theo. Mặc dù trời mưa nhẹ, nhưng khán giả vẫn đến chật kín sân biểu diễn, khiến các tình nguyện viên phải kê thêm nhiều hàng ghế phụ. Phần đông khán giả đã hết sức ngạc nhiên, khi lần đầu tiên được chứng kiến dàn cồng chiêng độc đáo và sự phong phú của các nhạc cụ tre nứa đến từ vùng đất Bắc Tây Nguyên, Việt Nam. Đây cũng là lần đầu tiên, các nhạc cụ làm từ tre nứa, những làn điệu dân ca và nhất là âm thanh trầm hùng của cồng chiêng Gia Lai vang lên trên một sân khấu lớn của Hàn Quốc.

Đoàn nghệ nhân Gia Rai của Gia Lai khi gây ấn tượng trên sân khấu âm nhạc thế giới tại Lễ hội Âm thanh Thế giới 2023 . Ảnh: Nguyễn Quang Tuệ
Đoàn nghệ nhân Gia Rai của Gia Lai khi gây ấn tượng trên sân khấu âm nhạc thế giới tại Lễ hội Âm thanh Thế giới 2023 . Ảnh: Nguyễn Quang Tuệ

Nghệ nhân Gia Rai Rơ Châm Tih, thành viên của đoàn chia sẻ: Đây là niềm vui, niềm tự hào lớn đối với văn hóa dân tộc nói chung và Gia Rai nói riêng. Tại đây, chúng tôi thảo sức thể hiện niềm đam mê với nhạc cụ, cồng chiêng Tây Nguyên. Đây cũng là dịp chúng tôi quảng bá hình ảnh, văn hoá dân tộc mình đến với các nước trên thế giới, để mọi người biết và có thể tìm đến Gia Lai để tìm hiểu rõ hơn”.

Đối với các nghệ nhân Ba Na ở huyện Kông Chro vẫn còn nguyên vẹn cảm xúc khi được tham gia Festival Tràng An kết nối di sản - Ninh Bình 2022. Đây là sự kiện văn hóa, du lịch có ý nghĩa quan trọng nhằm đẩy mạnh các hoạt động giao lưu văn hóa và tôn vinh các di sản văn hóa, xúc tiến, quảng bá du lịch giữa các tỉnh, thành trong cả nước.

Vinh dự khi được tham gia sự kiện, ông Đinh Hôih (làng Nhang Lớn, xã Đak Kơ Ning) chia sẻ: “Tôi rất phấn khởi khi được tham gia một sự kiện lớn như thế này. Đây là dịp để bản thân được giao lưu, học hỏi và quảng bá di sản cồng chiêng của người Ba Na đến du khách”.

Hơn 1.000 nghệ nhân của 5 tỉnh Tây Nguyên tham gia trình diễn cồng chiêng tại đêm khai mạc Tuần Văn hóa - Du lịch và Festival văn hóa cồng chiêng năm 2023
Hơn 1.000 nghệ nhân của 5 tỉnh Tây Nguyên tham gia trình diễn cồng chiêng tại đêm khai mạc Tuần Văn hóa - Du lịch và Festival văn hóa cồng chiêng năm 2023

Tại Festival cồng chiêng tỉnh Gia Lai năm 2023, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Nguyễn Thị Thanh Lịch nhấn mạnh: Đồng bào các dân tộc tỉnh Gia Lai nói riêng, các tỉnh Tây Nguyên nói chung trong việc bảo tồn, giữ gìn, phát huy, tôn vinh giá trị Không gian Văn hoá Cồng chiêng Tây Nguyên đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; tạo sự giao lưu văn hóa, đoàn kết, hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc trong khu vực. 

"Đây cũng là dịp để quảng bá đến du khách trong và ngoài tỉnh về giá trị độc đáo của di sản Không gian văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên cùng với cảnh quan thiên nhiên, văn hóa và con người Gia Lai; là cơ hội để hợp tác, thu hút các nguồn lực đầu tư, góp phần xây dựng Gia Lai nói riêng, các tỉnh Tây Nguyên nói chung ngày càng phát triển bền vững và giàu mạnh", Phó Chủ tịch tỉnh chia sẻ thêm.

Tin cùng chuyên mục
Kim Bôi (Hòa Bình): Phát huy sức mạnh tổng hợp tiến tới xóa bỏ tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống

Kim Bôi (Hòa Bình): Phát huy sức mạnh tổng hợp tiến tới xóa bỏ tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống

Nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực vùng đồng bào DTTS và miền núi, những năm qua, huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc nhằm xóa bỏ tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống (TH-HNCHT) và đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Nhằm hiểu rõ sự nỗ lực của các cấp ủy, chính quyền cũng như kết quả trong phòng chống TH-HNCHT trên địa bàn huyện, phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Việt Hòa, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ huyện, Trưởng Phòng Dân tộc huyện Kim Bôi về vấn đề này.