Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Tôn vinh giá trị Không gian Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên

Ngọc Thu - 06:34, 17/11/2023

Những ngày qua, người dân, du khách đến phố núi Pleiku đã rất ấn tượng với sự rực rõ sắc màu thổ cẩm của các dân tộc thiểu số; hòa trong cảm xúc rộn ràng âm thanh vang vọng bởi không gian văn hóa cồng chiêng.

Các nghệ nhân Gia Rai đoàn Đức Cơ, tỉnh Gia Lai tham gia trình diễn Lễ hội đường phố tại Tp. Pleiku
Các nghệ nhân Gia Rai đoàn Đức Cơ, tỉnh Gia Lai tham gia trình diễn Lễ hội đường phố tại Tp. Pleiku

Tái hiện không gian sinh hoạt cộng đồng Tây Nguyên

Hơn 1.000 nghệ nhân của 22 đoàn nghệ nhân đến từ 5 tỉnh Tây Nguyên, đã hội tụ tại Bảo tàng tỉnh Gia Lai, cùng tái hiện không gian sinh hoạt văn hóa cộng đồng của các dân tộc và tham gia rất nhiều sự kiện, hoạt động trong “Tuần Văn hóa - Du lịch Gia Lai 2023”.

Tuần Văn hóa- Du lịch Gia Lai 2023, diễn ra từ ngày 11 đến 19/11, gồm nhiều sự kiện, hoạt động văn hóa - thể thao - du lịch đặc sắc, hấp dẫn, được tổ chức tại TP. Pleiku và các huyện Ia Grai, Chư Păh, như: Lễ công bố và đón nhận Bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt Rộc Tưng - Gò Đá và công bố Bảo vật quốc gia sưu tầm công cụ sơ kỳ Đá cũ An Khê; Festival Văn hóa cồng chiêng Gia Lai; giải chạy “Gia Lai City Trail 2023 - Giấc mơ đại ngàn”; Lễ hội hoa dã quỳ - núi lửa Chư Đang Ya; hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Kô tranh cúp A Sanh và liên hoan văn hóa cồng chiêng huyện Ia Grai.

Theo đó, trong không gian rợp bóng cây của Bảo tàng tỉnh Gia Lai (TP. Pleiku), địa điểm lý tưởng để 22 đoàn nghệ nhân của các tỉnh Tây Nguyên gồm: Tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng, tái hiện không gian buôn làng vào dịp lễ hội như: Phục dựng nghi lễ, lễ hội truyền thống, sinh hoạt văn nghệ dân gian, ẩm thực, đan lát, dệt vải, tạc tượng.

Đoàn nghệ nhân Cơ Ho tỉnh Lâm Đồng tái hiện không gian sinh hoạt của buôn làng với các nghề truyền thống như dệt thổ cẩm, đan gùi...
Đoàn nghệ nhân Cơ Ho tỉnh Lâm Đồng tái hiện không gian sinh hoạt của buôn làng với các nghề truyền thống như dệt thổ cẩm, đan gùi...

Là một phần của di sản Không gian văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên, đoàn Đắk Lắk có  34 nghệ nhân thuộc các dân tộc Ê Đê, Xơ Đăng, Mnông. Hoạt động chính của đoàn lần này gồm, diễn tấu chiêng K'năh, hát đối đáp, diễn tấu Ching đồng Aráp 1 và phục dựng “Lễ cúng trưởng thành”. 

Già làng Ybơn Nie Kdăm, thành viên của Đoàn Đắk Lắk cho biết: Đối với người Ê Đê, từ khi sinh ra đến lúc trở thành một chàng trai biết gánh vác mọi công việc của gia đình, của buôn làng thì không thể bỏ qua lễ trưởng thành. Đây là một nghi lễ quan trọng, khẳng định thời điểm người đàn ông được cộng đồng thừa nhận đã là người trưởng thành. Chúng tôi mang nét văn hoá đặc sắc này đến tái hiện tại “Tuần Văn hóa - Du lịch Gia Lai 2023” để mọi người cùng biết".

Các nghệ nhân đoàn Đắk Lắk tái hiện
Các nghệ nhân đoàn Đắk Lắk tái hiện lễ cúng trưởng thành

Tái hiện Lễ "Ăn lúa mới” của đồng bào Gié Triêng, huyện Đăk Glei (tỉnh Kon Tum) được các nghệ nhân Đoàn Kon Tum thể hiện. Lễ “Ăn lúa mới” là một trong những lễ hội truyền thống tiêu biểu của dân tộc Gié Triêng, thường được tổ chức sau mùa thu hoạch vào dịp cuối năm, có ý nghĩa tôn vinh hạt thóc của Giàng ban cho dân làng. Đây cũng là dịp để dân làng quây quần, chia sẻ niềm vui được mùa, hưởng thành quả lao động.

Tại Lễ hội, nghi thức đã được tái hiện nguyên bản, chi tiết về phong tục ăn mừng lúa mới của đồng bào Gié Triêng. Thông qua lễ phục dựng, người dân mong muốn gìn giữ, bảo tồn và phát huy những lễ hội truyền thống vốn có của dân tộc mình. Qua đó, giới thiệu cho du khách gần xa biết về nét văn hóa độc đáo đã có từ lâu đời của đồng bào Gié Triêng.

 Nghệ nhân A Tâm (phụ trách chuyên môn đoàn Kon Tum) chia sẻ: “Tôi rất vui và tự hào khi được tham gia vào Festival cồng chiêng tỉnh Gia Lai năm 2023. Ở đây, tôi không chỉ được thể hiện những nét văn hóa độc đáo của dân tộc mình, mà còn học hỏi được các nghệ nhân ở tỉnh khác. Không gian của Lễ hội có sự tương đồng, phong phú, thân thiện như chính buôn làng của chúng tôi”.

Là đoàn chủ nhà, Gia Lai cũng đã tạo ấn tượng tốt với bạn bè các tỉnh, bởi những nghi lễ độc đáo. Trong đó, có phục dựng lễ “Mừng chiến thắng” của đồng bào Gia Rai ở huyện Chư Pưh. Cùng với đó, còn tái hiện lại không gian sinh hoạt của đồng bào Gia Rai như tạc tượng, đan lát, đánh chiêng, múa xoang, hát dân ca…

Nữ nghệ nhân Gia Rai Nay H’Chuyên hướng dẫn khách du lịch tham quan, trải nghiệm lễ hội tại Gia Lai
Nghệ nhân Gia Rai Nay H’Chuyên hướng dẫn khách du lịch tham quan, trải nghiệm lễ hội tại Gia Lai

Nữ nghệ nhân Nay H’Chuyên (dân tộc Gia Rai, đoàn huyện Chư Pưh, Gia Lai) chia sẻ: “Mình rất vui khi được giao lưu văn hóa với cộng đồng các DTTS sinh sống tại Tây Nguyên. Đến với ngày hội với tư cách là đoàn chủ nhà, không chỉ thể hiện hết mình mà  các thành viên trong đoàn thân thiện, nhiệt tình, chia sẻ, hướng dẫn du khách tham quan, tìm hiểu, trải nghiệm về đất và người Gia Lai”.

Điểm nhấn của Festival cồng chiêng tỉnh Gia Lai năm 2023, là Chương trình lễ hội đường phố. Đây là điểm gặp gỡ và thăng hoa của cả nghệ nhân, du khách. Khắp các tuyến phố Pleiku rộn rã tiếng cồng chiêng hòa cùng điệu xoang uyển chuyển, đã mang đến cho Nhân dân, du khách những trải nghiệm mới lạ, hấp dẫn.

Nghệ nhân K’Bràn (dân tộc Cơ Ho, đoàn tỉnh Lâm Đồng) hào hứng nói: "Đây là lần đầu tiên tôi chứng kiến màn trình diễn có đông nghệ nhân Tây Nguyên như vậy, thực sự rất hoành tráng, mỗi dân tộc mang màu sắc văn hóa riêng, rất đặc biệt. Khi trình diễn qua các tuyến phố, các đoàn nghệ nhân được người dân TP. Pleiku chào đón, cổ vũ nhiệt tình khiến tôi rất vui và xúc động."

Các nghệ nhân đoàn Lâm Đông say mê trình diễn cồng chiêng tại lễ hội
Một màn biểu diễn cồng chiêng của các nghệ nhân đoàn Lâm Đông tại lễ hội

Tôn vinh giá trị di sản văn hoá

 Festival cồng chiêng tỉnh Gia Lai năm 2023 đã khép lại, nhưng Không gian Văn hóa cồng chiêng tiếp tục phát huy, chảy mãi như mạch nước ngầm trong các buôn làng Tây Nguyên. Thông qua sự kiện, không chỉ tôn vinh giá trị văn hóa đặc sắc của mỗi dân tộc, mà còn kết nối, xích lại gần nhau của các cộng đồng cư dân, cùng phát huy bản sắc các vùng miền, các dân tộc tạo nên sức sống mãnh liệt, bền chặt nơi đại ngàn. 

Bởi, qua mỗi kỳ lễ hội, bà con lại thêm một lần được nhắc nhở, để nhớ về nét văn hóa đặc sắc mà cha ông truyền lại từ ngàn đời, được khích lệ để khôi phục và bảo tồn, học hỏi và phát huy hơn nữa.

UBND tỉnh Gia Lai trao Bằng khen cho các tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp và tham gia tích cực các hoạt động của Tuần Văn hóa - Du lịch Gia Lai năm 2023, trong đó có Festival cồng chiêng
UBND tỉnh Gia Lai trao Bằng khen cho các tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp và tham gia tích cực các hoạt động của Tuần Văn hóa - Du lịch Gia Lai năm 2023, trong đó có Festival cồng chiêng

Bà Nguyễn Thị Thanh Lịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai cho biết: Đây là lần thứ 3 tỉnh Gia Lai tổ chức Festival Văn hóa cồng chiêng. Thông qua sự kiện này, đã góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp chính quyền và đồng bào các dân tộc tỉnh Gia Lai nói riêng, các tỉnh Tây Nguyên nói chung, trong việc bảo tồn, giữ gìn, phát huy, tôn vinh giá trị Không gian Văn hoá Cồng chiêng Tây Nguyên, đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; tạo sự giao lưu văn hóa, đoàn kết, hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc trong khu vực.

Festival cồng chiêng góp phần giữ gìn, phát huy, tôn vinh giá trị Không gian Văn hoá Cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại
Festival cồng chiêng góp phần giữ gìn, phát huy, tôn vinh giá trị Không gian Văn hoá Cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại

Trong những nỗ lực bảo tồn di sản, thì việc tổ chức Festival Văn hóa cồng chiêng, thu hút hằng trăm nghệ nhân. Những chủ nhân của loại hình di sản văn hóa phi vật thể Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên này muốn nhắn nhủ với bạn bè trong nước và quốc tế rằng: Chúng tôi đã, đang và sẽ thực hiện tốt những cam kết đã ký với UNESCO.

Tin cùng chuyên mục
Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Nhằm thúc đẩy đồng bào các DTTS phát triển toàn diện trên các lĩnh vực đời sống, kinh tế, xã hội, trong nhiều năm qua, việc nâng cao kiến thức, trình độ, năng lực… cho người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi Nghệ An được các cấp, các ngành trong tỉnh rất quan tâm. Đặc biệt, từ khi triển khai Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn I: từ năm 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719) nội dung này càng được thực hiện bài bản, quyết liệt hơn nhờ nguồn lực đầu tư, hỗ trợ của Chương trình.