Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Mang chiêng đi đánh xứ người

Ngọc Thu - 16:51, 21/09/2023

Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO ghi danh là Kiệt tác truyền khẩu và Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại năm 2005. Đến nay, cùng với các tỉnh Tây Nguyên, những Nghệ nhân Ưu tú dân gian trên khắp các buôn làng tỉnh Gia Lai không chỉ nỗ lực bảo tồn mà còn đưa cồng chiêng Tây Nguyên ra thế giới.

Đoàn nghệ nhân Gia Rai tỉnh Gia Lai hăng say luyện tập, sẵn sàng lên đường trình diễn
Đoàn nghệ nhân Gia Rai tỉnh Gia Lai hăng say luyện tập, sẵn sàng lên đường trình diễn


Tích cực tập luyện

Mới đây, nhận lời mời và được sự tài trợ kinh phí từ Trường Đại học Jeonju Kijeon (Hàn Quốc), tỉnh Gia Lai đã thành lập Đoàn Nghệ nhân tham dự lễ hội Âm thanh thế giới lần thứ 22 tại Hàn Quốc. 14 nam nghệ nhân Gia Rai từ nhiều làng khác nhau của huyện Ia Grai và TP. Pleiku tự hào mang theo thông điệp mới về văn hóa dân gian Gia Lai: Vùng đất giàu bản sắc và đặc biệt phong phú về âm nhạc.

Những ngày này, tạm gác lại việc nương rẫy, tại nhà Nghệ nhân Ưu tú Rơ Châm Tih (làng Jut 1, xã Ia Dêr, huyện Ia Grai), Đoàn Nghệ nhân tỉnh Gia Lai đang gấp rút luyện tập, sẵn sàng cho sự kiện lớn. Chàng trai Rcơm Bus (21 tuổi, làng Pleiku Roh, phường Yên Đổ, TP. Pleiku) là người trẻ nhất trong Đoàn Nghệ nhân tỉnh Gia Lai tham dự sự kiện lần này háo hức chia sẻ: Gần 1 tháng nay, vào các buổi tối, cả Đoàn thường xuyên tập trung về nhà Nghệ nhân Ưu tú Rơ Châm Tih để tập luyện. Như nhiều người, mình mong sớm đến ngày được nhìn thấy đất nước Hàn Quốc, vốn trước nay chỉ biết và yêu thích qua phim ảnh. Lần này đi, mình sẽ cố gắng thực hiện tốt nhất phần trình diễn của mình.

Nghệ nhân Gia Rai tự hào mang đến những bài nhạc, điệu xoang, tiếng chiêng... đặc sắc nhất của núi rừng Tây Nguyên đến bạn bè thế giới.
Nghệ nhân Gia Rai tự hào mang đến những bài nhạc, điệu xoang, tiếng chiêng... đặc sắc nhất của núi rừng Tây Nguyên đến bạn bè thế giới.

Theo kế hoạch, chương trình của Đoàn Nghệ nhân Gia Lai gồm 7 tiết mục: mở đầu là bài chiêng “Lời chào đoàn kết”, tiếp đến là các tiết mục hoà tấu ting ning và kơ ní “Chào buổi sáng” (chào bình minh); độc tấu sáo “Đêm trăng tròn”, dân ca Gia Rai “Chàng trai dũng cảm”, hát đồng dao “Rước nước về làng”, hoà tấu nhạc cụ tre nứa “Buôn làng ấm no”, và khép lại bằng hòa tấu cồng chiêng “Mừng chiến thắng”. Lần này, chuyến công tác của các nghệ nhân Gia Rai mang theo thông điệp mới về văn hóa dân gian Gia Lai: vùng đất giàu bản sắc và đặc biệt phong phú về âm nhạc. Đây cũng là lần đầu tiên, các nhạc cụ làm từ tre nứa, những làn điệu dân ca và nhất là âm thanh trầm hùng của cồng chiêng Gia Lai vang lên trên một sân khấu lớn của Hàn Quốc.

Bản thân Nghệ nhân Ưu tú Rơ Châm Tih đã tham gia nhiều sân khấu lớn trong và ngoài nước. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên ông cùng với Đoàn chính thức tham gia vào một lễ hội âm thanh lớn của thế giới. “Ngay sau khi có hướng dẫn của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, chúng tôi đã họp bàn và xây dựng một chương trình văn nghệ dân gian dài gần 1 giờ đồng hồ, bao gồm trình tấu cồng chiêng, hát dân ca và các loại nhạc cụ tre nứa. Anh em tập luyện rất tích cực, luôn động viên nhau vì ai cũng nghĩ đây là cơ hội tốt để giới thiệu văn hóa Gia Lai đến với bạn bè thế giới. Lần này, được chính tôi rất tự hào và quyết tâm phải cùng anh em trong Đoàn làm cho nhiều nước biết phần nào về cái hay của âm nhạc Tây Nguyên chúng ta”, Nghệ nhân Ưu tú Rơ Châm Tih phấn khởi nói.

Ngày 13/9, 14 nam nghệ nhân Gia Rai của tỉnh Gia Lai bay sang tỉnh Jeonbuk để tham gia lễ hội Âm thanh thế giới lần thứ 22. Lễ hội thường niên này bắt đầu được người Hàn Quốc tổ chức ở TP. Jeonju từ năm 2001. Hằng năm, cứ vào mùa Thu, Jeonju lại được nhiều người trên thế giới nhắc đến cùng với từ “Sori”. Sori trong tiếng Hàn có nghĩa là âm thanh và ngôn ngữ của âm nhạc. Đây chính là lý do khiến lễ hội Âm thanh thế giới còn được gọi là Festival Sori Quốc tế Jeonju (Jeonju International Sori Festival).”

Mang chiêng đi đánh xứ người

Theo Ban Tổ chức Lễ hội, ngoài lực lượng chính là các nghệ sĩ, nghệ nhân Hàn Quốc, còn có 14 đoàn/đội đến từ 11 quốc gia ở các khu vực khác nhau trên thế giới như Úc, Nhật Bản, Canada, Ba Lan, Trung Quốc… tham dự sự kiện năm nay. Bên cạnh âm nhạc hiện đại, các nghệ nhân đến từ Uzbekistan, Chile và Việt Nam sẽ trình bày dòng nhạc dân gian đặc trưng của mình. Với chủ đề “Cùng bảo tồn và phục hồi” (Co-existence and Resilience), cuộc gặp gỡ lớn năm nay diễn ra trong 10 ngày (từ ngày 15 - 24/9), với 89 chương trình nghệ thuật, 105 buổi biểu diễn và hội thảo.

Việc tổ chức các hoạt động giao lưu, tham gia hội thi, hội diễn, liên hoan văn hóa cồng chiêng ở tỉnh, khu vực và quốc tế nhằm góp phần tạo điều kiện để các nghệ nhân duy trì thường xuyên tập luyện, thực hành vốn di sản văn hóa quý báu của dân tộc mình và có cơ hội gặp gỡ, tiếp xúc, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về bảo tồn và phát huy di sản văn hóa cồng chiêng, nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc bảo tồn di sản văn hóa dân tộc Việt Nam.

Trước đó, đã có nhiều nghệ nhân đi theo hình thức cá nhân biểu diễn trên sân khấu quốc tế như Nghệ nhân Ưu tú Rơ Châm Tih. Ông thường xuyên góp mặt trong Đoàn Nghệ thuật dân tộc của Việt Nam đến nhiều nước biểu diễn như: Hà Lan, Australia, Đức, Anh… Ngoài ra, đầu năm 2023, từng có một nhóm nhỏ các nghệ sĩ của Nhà hát Ca múa nhạc tổng hợp Đam San sang biểu diễn phục vụ Hội Người Việt tại TP. Jeonju.

Đặc biệt, năm 2011, Đoàn Nghệ nhân Ba Na ở tỉnh Kon Tum đã có chuyến lưu diễn tại Trung Quốc. Đây là dịp hiếm có để bà con các dân tộc Tây nguyên có dịp học hỏi, giao lưu để thêm yêu văn hóa của dân tộc mình.

Nghệ nhân ưu tú Rơ Châm Tih biểu diễn đàn kơ ní trên sân khấu tại Sydney
Nghệ nhân ưu tú Rơ Châm Tih biểu diễn đàn kơ ní trên sân khấu tại Sydney (Úc)

Những đôi chân trần đem theo những bài chiêng, điệu múa đặc sắc nhất của núi rừng Tây Nguyên hy vọng bạn bè thế giới sẽ thêm một lần thán phục, yêu mến cồng chiêng Tây Nguyên, di sản phi vật thể đại diện của nhân loại.

Thế nhưng, đây là lần đầu tiên Đoàn cồng chiêng Gia Lai vinh dự được tham gia sự kiện lớn ở thế giới, có rất nhiều quốc gia tham dự với 14 đoàn/đội đến từ 11 quốc gia ở các khu vực khác nhau trên thế giới như Úc, Nhật Bản, Canada, Ba Lan, Trung Quốc…

Thạc sĩ Nguyễn Quang Tuệ, Trưởng Phòng Quản lý văn hóa (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết: Đây sẽ là cơ hội để các nghệ nhân tỉnh Gia Lai giới thiệu đến bạn bè thế giới văn hóa dân gian Tây Nguyên, chương trình văn nghệ dân gian như một lời chào từ Gia Lai đến bạn bè quốc tế. Đồng thời, sẽ mở ra cơ hội cho các đơn vị, đoàn khác được tham gia nếu có lời mời. Đặc biệt, đây cũng là chất xúc tác cho các đoàn cồng chiêng cơ sở buôn làng có thêm động lực luyện tập tốt để góp công sức đưa cồng chiêng ngân xa hơn. Vì đây là sự kiện lớn, chúng tôi tham gia đã in 2.000 tờ rơi rất đẹp, bắt mắt bằng 3 thứ tiếng Việt, Anh, Hàn để quảng bá cồng chiêng Tây Nguyên. Và hy vọng rằng, họ sẽ cảm nhận được cồng chiêng như một giá trị văn hóa để những sự kiện lớn tương tự họ sẽ mời đoàn cồng chiêng mình tham gia.

Tin cùng chuyên mục
Ghi ở Sủa Cán Tỷ

Ghi ở Sủa Cán Tỷ

Theo chân Phó Chủ tịch xã Cán Tỷ - Sùng Mí De (huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang) chúng tôi tới thôn Sủa Cán Tỷ làm công tác chuẩn bị cho Ngày Hội Đại đoàn kết toàn dân. Trong lúc chuyện trò cùng Trưởng thôn Vàng Chứ Lềnh về sự đổi thay của thôn bản, ông ngỏ lời mời tôi lên thăm nhà của Lù Mí Thánh – một trong 3 hộ dân của thôn được Nhà nước hỗ trợ xây dựng nhà ở kiên cố trong năm 2023.