Nguy cơ đất ruộng thành ao
Theo lời kể của người dân tại xã Ia Yeng, trước đó, ông Nguyễn Văn Tiến đem máy móc tới cánh đồng Ia Vinh, thôn Plei Kte Nhỏ, xã Ia Yeng để san lấp, cải tạo làm bằng phẳng đất canh tác của bà con. Ông Tiến đã nói với bà con có đất canh tác tại đó rằng, việc san lấp ruộng để tạo mặt bằng, đường đi thuận lợi, giúp bà con trồng lúa 2 vụ, nâng cao năng suất, thu nhập.
Sau khi thuê được hơn 33 ha đất nông nghiệp của các hộ đồng bào DTTS Gia Rai, tháng 8/2020, ông Tiến đã cho bà Hoàng Thị Sáu, trú Tp. Pleiku thuê lại để khai thác đất, cát chở đi nơi khác với số tiền 3 tỷ đồng.
Nhận được thông tin trên, chính quyền huyện Phú Thiện đã chỉ đạo UBND xã Ia Yeng kịp thời ngăn chặn, bảo vệ diện tích trồng lúa, hoa màu của người dân trên địa bàn.
Về phía người dân, họ đã làm đơn kêu cứu khẩn cấp lên cơ quan chức năng về việc ông Tiến cho thuê đất múc cát trái pháp luật và lừa dối người dân là san lấp. Việc làm này sẽ khiến cho ruộng bị thấp sâu, ngập nước sâu và làm mất đất màu sau này người dân không thể canh tác.
Ông Rơ Mah Thu, làng Plei Ktel Nhỏ, kể: Ông Tiến bảo san đất bằng cho mình để không phải trồng mì (sắn), bắp mà trồng lúa 2 vụ có tiền hơn. Giờ không có tiền trả tiền san đất, thì làm hợp đồng cho thuê 4 sào trong 5 năm để trừ vào số tiền san gạt đất. Mình không đồng ý, không cho nó ủi, nhưng bị ông Tiến nói sẽ không cho đi vào đường đã làm.
"Bản thân mình không muốn cho thuê, giờ không có đất thì mình lại phải đi làm thuê. Biết tin ông Tiến cho người khác vào múc đất, cát trong ruộng mình đi chỗ khác, mình bức xúc lắm và không được múc đất đi chỗ khác, để đất cát lại sau này còn canh tác nữa.".
Chị Siu H’Phương, người cùng làng Plei Ktel Nhỏ cũng lo lắng: Nếu cho người múc đất, cát đi ruộng sẽ biến thành ao, nước ngập hết ruộng, chúng tôi không thể canh tác trên đất được. Giờ chúng tôi còn đang khó khăn, thiếu đất sản xuất thì không thể cho múc đất, cát đi được.
Tương tự, ông Nay Vinh, làng Plei Gok, xã Ia Piar, cho hay: Đất của mình cho ông Tiến thuê tới 8 sào. Ông Tiến nói làm xong kênh mương và quản lý hết. Trong 5 năm ông Tiến làm trên đất ruộng của tôi sẽ lấy đủ tiền đã đầu tư. Ban đầu dân làng không cho, nhưng ông Tiến đến thuyết phục, chúng tôi đồng ý cho ông Tiến thuê đất làm lúa chứ không phải để khai thác, múc đất, cát đi chỗ khác. Giờ mình chỉ mong lấy lại đất của cha ông đã để lại cho con cháu làm ăn.
Cho thuê đất để khai thác cát trái phép?
Liên quan đến sự việc trên, bà Hoàng Thị Sáu, người thuê đất của ông Tiến cho biết: Tháng 8/2020, qua lời giới thiệu tại xã Ia Yeng có vị trí được khai thác cát thuận lợi, trữ lượng cát lớn nên bà đã tìm đến ông Nguyễn Văn Tiến, bà Lê Thị Lanh để thuê đất, khai thác cát đưa đi nơi khác.
Nghĩ rằng, mọi việc đều đúng với lời nói của Tiến, ngày 27/8/2020, chúng tôi gồm: Hoàng Thị Sáu, Trần Hoài Nam, Trần Ngọc Lam (là bên B) có ký hợp đồng thuê quyền sử dụng đất với bên A là: ông Nguyễn Văn Tiến và bà Lê Thị Lanh, với diện tích 33,2ha, thời hạn 40 tháng (từ 9/2020 đến 12/2023) để khai thác đất, cát tại cánh đồng Ia Vinh do ông Tiến và bà Lanh làm chủ sở hữu. Số tiền hợp đồng được bên B giao cho bên A là 3 tỷ đồng.
Trong bản hợp đồng cũng nêu rõ, đất bên B thuê sử dụng không phải đất rừng, đất nhà nước, quốc phòng, đất dự án quy hoạch… Nếu trong quá trình cho thuê, có phát sinh tranh chấp dẫn đến buộc bên B phải dừng sử dụng hợp pháp, thì bên A phải trả lại toàn bộ số tiền cho bên B và chịu mọi tổn thất mà bên B bị thiệt hại.
Hợp đồng được xác lập giữa 2 bên, tuy nhiên khi bà Sáu dự kiến đưa thiết bị máy móc đến địa bàn để thực hiện việc đào đất, khai thác cát, thì được chính quyền thông báo nghiêm cấm mọi hành vi san ủi, khai thác khoáng sản tại cánh đồng Ia Vinh.
“Khi hiểu rõ sự việc và biết mình bị lừa để chiếm đoạt tài sản. Tôi đã đề nghị ông Tiến, bà Lanh trả lại số tiền đã nhận, nhưng họ không đồng ý mà khẳng định rằng vẫn khai thác cát được. Trong suốt thời gian qua tôi làm đơn khắp nơi để bảo vệ quyền lợi của mình, nhưng đến nay sự việc vẫn chưa giải quyết dứt điểm”, bà Sáu phản hồi.
Nhận thấy tiền mất mà không được khai thác, bà Hoàng Thị Sáu đã làm đơn tố cáo ông Nguyễn Văn Tiến và bà Lê Thị Lanh, về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của bản thân là 3 tỷ đồng. Kết quả điều tra bước đầu, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Gia Lai đã thông báo Quyết định khởi tố vụ án. Tuy nhiên, theo bà Sáu, đến nay đã gần 10 tháng nhưng không hiểu vì lý do nào đối tượng lừa đảo vẫn nhởn nhơ, không khắc phục hậu quả và chưa bị pháp luật xử lý.
Mới đây, ngày 17/7, UBND xã Ia Yeng đã mời các bên làm việc liên quan trong đơn kiến nghị của bà Hoàng Thị Sáu. Mặc dù, lãnh đạo UBND xã đã nhiều lần liên hệ nhưng ông Nguyễn Văn Tiến không có mặt. Trong biên bản làm việc có ghi rõ, bản chất hợp đồng cho thuê đất là khai thác cát trái phép. Vì vậy, UBND xã không đồng ý bàn giao đất để bà Sáu được phép đào múc đất, cát và san lấp, vận chuyện đi nơi khác cũng như cải tạo đất và mở đường theo hợp đồng đã thoả thuận với ông Tiến.
Trao đổi với phóng viên, ông Dương Văn Tuấn, Chủ tịch UBND xã Ia Yeng, cho biết: “Khi xảy ra tranh chấp giữa bà Sáu và ông Tiến, UBND xã đã xác minh nguồn gốc, mời các hộ lên giải quyết. Trong thời gian ông Tiến thuê đất, không được khai thác, sử dụng vào mục đích khác mà chỉ được trồng lúa, bắp, mì. UBND xã luôn khuyến cáo người dân không nên bán đất, cho thuê đất nông nghiệp. Vì có đất nông nghiệp mới có đất để sản xuất”.
Việc đi thuê đất ruộng của người dân, rồi tự ý cho người khác thuê để khai thác đất cát trên địa bàn xã Ia Yeng phần nào được sáng tỏ, người mất tiền cũng đã nhận ra sự thiếu hiểu biết. Nhưng người cho thuê đất trái quy định, lấy đi số tiền lớn của người khác cần sớm được Cơ quan chức năng của tỉnh Gia Lai điều tra, có biện pháp xử lý để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật và cảnh báo người dân đề phòng, tránh xảy ra trường hợp tương tự.