Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Trang địa phương

Người dân miền núi Quảng Ngãi ồ ạt bán keo non: Không nên "tham bát bỏ mâm"

Thành Nhân - 09:56, 03/08/2022

Những năm gần đây, phong trào trồng rừng ở các địa phương trong tỉnh Quảng Ngãi, đặc biệt là ở các huyện miền núi phát triển rất mạnh. Nhiều hộ gia đình ngoài việc mở rộng diện tích trồng, còn thuê đất và vay vốn ngân hàng để trồng rừng. Vì vậy, khi giá keo nguyên liệu tăng cao, người dân ồ ạt bán keo non để có tiền trang trải cuộc sống. Điều này đi ngược lại chủ trương trồng rừng gỗ lớn nhằm nâng cao hiệu quả cho người dân trồng rừng của địa phương.

Người dân miền núi Quảng Ngãi đang khai thác keo non để bán
Người dân miền núi Quảng Ngãi đang khai thác keo non để bán

Bán keo non vì được giá

Quảng Ngãi là một trong những địa phương có diện tích trồng keo lớn của miền Trung, với hơn 2.200 ha. Thời gian này, về các huyện miền núi của tỉnh Quảng Ngãi không khó nhận ra cảnh người dân khai thác keo khá nhộn nhịp. Những cánh rừng keo mới trồng được 2 - 3 năm, thân cây chỉ bằng cổ chân, nhưng người dân vẫn cắt để bán. Sở dĩ có chuyện như vậy là do từ tháng 5 đến nay, giá keo nguyên liệu được thu mua khá cao từ 1,6 triệu đồng đến 1,7 triệu đồng/tấn, tăng gần 50% so với đầu năm 2022.

Ông Đinh Ka Nha, xã Sơn Trung, huyện Sơn Hà đang cắt rừng keo khoảng 1ha, mới trồng được 3 năm chia sẻ: Cắt keo bây giờ là cắt non, đáng lý là 4 - 5 năm mới đạt yêu cầu, nhưng giờ kinh tế khó khăn, mấy năm rồi vì dịch Covid-19 nên không đi làm cái gì được, không có tiền. Nếu để keo già bán được nhiều tiền hơn, nhưng vì thiếu tiền nên phải bán thôi.

Theo ngành lâm nghiệp, keo từ 5 đến 7 năm tuổi gỗ mới đạt chất lượng và năng suất cao. Việc bán keo non là hành động "tham bát bỏ mâm" của người dân, về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến chất lượng gỗ rừng trồng. Thời gian qua, Tỉnh ủy và HĐND tỉnh Quảng Ngãi đã ban hành các nghị quyết về việc tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội, giảm nghèo bền vững ở các huyện núi. Trong đó, có nhiệm vụ tập trung phát triển lâm nghiệp bền vững gắn với công nghiệp chế biến gỗ theo hướng xuất khẩu; cơ cấu lại ngành lâm nghiệp, nâng cao giá trị kinh tế rừng trồng, phát triển rừng trồng cây gỗ lớn có giá trị kinh tế cao.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Quảng Ngãi cũng xây dựng Đề án Liên kết phát triển trồng rừng sản xuất. Trong đó, người trồng rừng và DN là chủ thể thực hiện, còn ngành nông nghiệp là cầu nối, hỗ trợ về mặt pháp lý, tránh trường hợp các bên tự phá vỡ liên kết. Việc liên kết phải đảm bảo hài hòa lợi ích của cả người trồng rừng và doanh nghiệp...

Tuy nhiên, có một thực tế là vì giá tăng cao, nhiều người dân ở tỉnh Quảng Ngãi ồ ạt thu hoạch keo non chưa tới kỳ khai thác, cho dù ngành lâm nghiệp có đưa ra khuyến cáo, chính quyền địa phương có tuyên truyền bao nhiêu đi nữa, thì vẫn không hạn chế được. Dẫn đến tình trạng, nông dân thu hoạch sớm sẽ không có năng suất cao, lợi nhuận thấp; Các doanh nghiệp chế biến gỗ sẽ đứng trước nguy cơ thiếu nguyên liệu sản xuất.

Trồng rừng gỗ lớn mang lại nhiều lợi ích nhưng người dân vẫn chưa mặn mà (trong ảnh các chuyên gia hướng dẫn người dân chăm sóc keo để trở thành rừng gỗ lớn)
Trồng rừng gỗ lớn mang lại nhiều lợi ích nhưng người dân vẫn chưa mặn mà (trong ảnh các chuyên gia hướng dẫn người dân chăm sóc keo để trở thành rừng gỗ lớn)

Người dân vẫn chưa mặn mà với trồng rừng gỗ lớn

Chủ trương trồng rừng gỗ lớn không chỉ mang lại giá trị kinh tế cao, mà còn góp phần rất lớn trong công tác bảo vệ môi trường. Theo đánh giá của ngành nông nghiệp, trên cùng một diện tích thì giá trị rừng gỗ lớn, cao hơn nhiều lần so với rừng gỗ nhỏ, tùy theo tuổi khai thác và đường kính cây. Loại cây trồng phổ biến, phát triển nhanh như keo lai, bạch đàn lai đến năm thứ 5, vẫn còn là rừng gỗ nhỏ, nên chỉ có thể bán làm dăm gỗ, giá trị đạt trung bình khoảng từ 40 - 50 triệu đồng/ha.

Thế nhưng, khi trở thành rừng trồng gỗ lớn (gỗ lớn của rừng trồng chiếm 70%) mới khai thác, thì hầu hết các cây đã đạt đường kính trên 20cm trở lên. Lúc đó, rừng sẽ được bán theo giá gỗ chế biến (gỗ xẻ), với giá trị 1,8 - 2 triệu đồng/m3 (đường kính trên 30cm khoảng 3 triệu đồng/m3), tức là khoảng 120 - 160 triệu đồng/ha.

Bên cạnh đó, lợi ích của trồng rừng gỗ lớn không chỉ là giá trị kinh tế cao, mà còn góp phần quan trọng để tăng khả năng giữ nước, giảm xói mòn, rửa trôi đất và góp phần bảo vệ môi trường... Thời gian qua, Nhà nước đã có chủ trương khuyến khích phát triển trồng rừng gỗ lớn, nhưng đến nay nhiều người dân vẫn chưa mặn mà tham gia.

Ông Phạm Trung Trường, người sở hữu hàng trăm héc ta rừng ở xã Bình An, huyện Bình Sơn chia sẻ: Tôi cũng muốn tham gia dự án chuyển đổi trồng rừng gỗ nhỏ sang trồng rừng gỗ lớn. Nhưng thời tiết ngày càng cực đoan, rừng trồng thường xuyên bị ngã đổ, mà doanh nghiệp lại không thu mua, nên tôi không dám mạo hiểm.

Nguyên nhân hạn chế phát triển rừng gỗ lớn, là rừng có chu kỳ kinh doanh dài nên dễ gặp rủi ro như cháy rừng, thiên tai. Ngoài ra, đa số chủ rừng là hộ cá nhân sở hữu diện tích rừng nhỏ lẻ; người dân miền núi còn nhiều khó khăn, thu nhập thấp, không đủ nguồn tài chính để thực hiện theo chu kỳ kinh doanh gỗ lớn. Bà Đinh Thị Méo, xã Sơn Thượng, huyện Sơn Hà chia sẻ: Người dân chúng tôi không có thu nhập ổn định, nếu như trồng rừng gỗ lớn phải đợi thời gian dài, mà mức hỗ trợ chỉ 5 triệu đồng/ha thì lấy gì mà sống, nên được giá là bán thôi.

Về vấn đề này, ông Phạm Duy Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Quảng ngãi cho biết: Nút thắt hiện nay là, người dân sợ doanh nghiệp không thực hiện đúng cam kết, không chia sẻ rủi ro, còn doanh nghiệp thì lo người dân không tuân thủ hợp đồng. Do đó, để triển khai thực hiện được dự án trồng gỗ lớn mang tính bền vững, cần phải có sự liên kết, tạo niềm tin giữa người trồng rừng và doanh nghiệp.

Tin cùng chuyên mục
Cà Mau: Chú trọng thực hiện hiệu quả Chương trình MTQG 1719

Cà Mau: Chú trọng thực hiện hiệu quả Chương trình MTQG 1719

Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; giai đoạn I: Từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) đã và đang phát huy hiệu quả trên nhiều lĩnh vực về đời sống kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS tỉnh Cà Mau. Minh chứng như việc triển khai hiệu quả Dự án 1 của Chương trình, đã góp phần giải quyết cơ bản việc thiếu đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt trong vùng đồng bào DTTS ở địa bàn khó khăn.