Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

“Gia đình trẻ tiêu biểu”

Hồng Minh - 15:02, 10/11/2020

“Thuận vợ, thuận chồng tát Biển Đông cũng cạn”, câu nói này thật đúng khi dành tặng cho gia đình anh Triệu Văn Hiệp (dân tộc Dao) và chị Đỗ Thị Liễu ở thị trấn Vị Xuyên, huyện Vị Xuyên (Hà Giang). Mạnh dạn đầu tư, xây dựng mô hình phát triển kinh tế phù hợp, sau nhiều năm vất vả, vợ chồng anh chị đang từng ngày thu về “trái ngọt”…

Gia đình nhỏ hạnh phúc của anh Triệu Văn Hiệp và chị Đỗ Thị Liễu. (Ảnh nhân vật cung cấp)
Gia đình nhỏ hạnh phúc của anh Triệu Văn Hiệp và chị Đỗ Thị Liễu. (Ảnh nhân vật cung cấp)

Từng là nhân viên ngân hàng, công việc bận rộn, anh Triệu Văn Hiệp không có nhiều thời gian dành cho gia đình nên quyết tâm nghỉ việc cùng vợ lên kế hoạch phát triển kinh tế gia đình. Nhận thấy, nhu cầu chơi hoa của người dân ngày càng nhiều, cũng như tiềm năng trồng các loại hoa hồng ở Hà Giang, anh Hiệp, chị Liễu đã hình thành mô hình phát triển kinh tế “Trồng hoa hồng và các sản phẩm từ hoa hồng; trồng dâu tây và nho sạch ứng dụng công nghệ cao kết hợp du lịch sinh thái”.

Năm 2015, vợ chồng anh đã tận dụng bãi đất trống của gia đình, khởi nghiệp trồng các loại hoa, cây cảnh phục vụ người tiêu dùng. Sau một thời gian chăm sóc, loại cây trồng này phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng tại địa phương và cho năng suất, hiệu quả kinh tế cao. Năm 2018, anh chị mở rộng thêm 5.000m2 đất để trồng hoa hồng, dâu tây và nho đen.

Trên diện tích đó, anh Hiệp dành 3.000m2 để trồng 100 cây hồng cổ và hồng ngoại từ các cơ sở, nhà vườn có uy tín; sau đó tự nhân giống trên diện tích sẵn có. “Hiện nay, vườn hồng của gia đình tôi có khoảng 2.500 gốc. Nhờ được chăm sóc bằng các biện pháp sinh học hữu cơ, với hệ thống tưới nước phun sương tự động, nên các loại hoa hồng phát triển rất tốt. Mặt khác, do chủ động được nguồn giống nên nguy cơ rủi ro thấp” anh Hiệp cho biết.

Theo anh Hiệp, bình quân mỗi năm, gia đình anh xuất bán khoảng 4.000 cây hoa hồng các loại. Bên cạnh đó, anh chị còn tận dụng các sản phẩm từ hoa hồng để chiết xuất, tạo ra các sản phẩm sạch như: Trà hoa hồng, nước hoa hồng, bột đắp mặt hoa hồng nguyên chất giúp cải thiện sức khỏe cũng như làm đẹp cho người tiêu dùng.

Vợ chồng anh Hiệp cũng đã đầu tư 500m2 đất để trồng dâu tây trong nhà lưới, với hệ thống tưới tự động, hoàn toàn sử dụng các loại thuốc sinh học và phân bón hữu cơ, tạo ra sản phẩm sạch phục vụ người tiêu dùng. Nhờ áp dụng đúng kỹ thuật trồng và chăm sóc, vườn dâu tây phát triển tốt, sau 3 tháng đã cho thu những trái ngọt; vườn dâu thu đến đâu bán hết đến đó. Với 4.000 cây dâu tây, mỗi năm thu khoảng 5 tạ quả, giá bán trung bình 250.000 đồng/kg, trừ chi phí cho doanh thu trên 100 triệu đồng/năm.

Bên cạnh đó, anh chị còn trồng thử nghiệm 120 gốc nho đen không hạt, hiện đang sinh trưởng, phát triển tốt và bắt đầu sai quả. Ngoài ra, với ý tưởng kết hợp nông nghiệp với phát triển du lịch sinh thái, anh chị đã xây dựng khuôn viên riêng để phục vụ khách thăm quan, trải nghiệm vườn hồng và hái dâu tây. Mô hình đã thu hút đông đảo khách và mang lại doanh thu cao.

Với mô hình “Trồng hoa hồng và dâu tây sạch”, anh Hiệp đã xuất sắc vượt qua 225 bài dự thi để giành giải cao nhất, tại vòng Chung kết Cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp cùng sở thích” năm 2020, do Tỉnh đoàn Hà Giang phối hợp với Ban Điều phối Chương trình giảm nghèo dựa trên phát triển hàng hóa tỉnh Hà Giang tổ chức, được Ban Tổ chức lựa chọn để ký hợp đồng tài trợ, với số tiền 100 triệu đồng.

Không chỉ có điều kiện kinh tế ổn định, vợ chồng anh Triệu Văn Hiệp còn có cuộc sống gia đình hạnh phúc. Tháng 6 vừa qua, nhân Ngày Gia đình Việt Nam, gia đình anh Hiệp vinh dự được Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam chọn tuyên dương “Gia đình trẻ tiêu biểu” năm 2020.

Với mô hình “Trồng hoa hồng và dâu tây sạch”, anh Hiệp đã xuất sắc vượt qua 225 bài dự thi để giành giải cao nhất, tại vòng Chung kết Cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp cùng sở thích” năm 2020, do Tỉnh đoàn Hà Giang phối hợp với Ban Điều phối Chương trình giảm nghèo dựa trên phát triển hàng hóa tỉnh Hà Giang tổ chức.

(Bài viết thuộc chuyên đề Khuyến nông với đồng bào DTTS)

Tin cùng chuyên mục
Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Dù mới được thành lập nhưng các Câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đã góp phần trang bị cho học sinh nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích để các em nói lên tiếng nói của mình và thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ đồng bào DTTS ngay từ trên ghế nhà trường. Đặc biệt, các em còn là những hạt nhân tiên phong thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, từ đó dần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu ở thôn ấp, bản làng để cùng nhau vươn lên phát triển.