Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Trứng “vàng” từ nuôi gà công nghệ cao

Phạm Việt Thắng - 07:48, 04/11/2020

Trong lúc bà con tập trung trồng mía, cung cấp nguyên liệu cho nhà máy đường thì anh Trần Xuân Sơn ở thôn Nghĩa Nhân, xã Nghĩa Hưng, huyện Nghĩa Đàn (Nghệ An) lại rẽ theo hướng khác: Nuôi gà. Và, anh đã mạnh dạn đầu tư, ứng dụng khoa học - kỹ thuật để đàn gà đẻ… trứng “vàng”.

Anh Trần Xuân Sơn giới thiệu về phương pháp nuôi gà đẻ trứng công nghệ cao
Anh Trần Xuân Sơn giới thiệu về phương pháp nuôi gà đẻ trứng công nghệ cao

Tên của nông dân Trần Xuân Sơn được xướng lên tại Hội nghị biểu dương điển hình nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi tỉnh Nghệ An, vì anh “dám” nuôi những 11 nghìn con gà đẻ trứng, thu về hơn 1 tỷ đồng mỗi năm. Chưa dừng lại ở đó, kế hoạch của anh trong năm tới là phát triển thêm khoảng 5 nghìn con gà nữa.

Lối rẽ trái

Xã Nghĩa Hưng từ hàng chục năm nay chuyên về cây mía. Cả xã trồng mía cung cấp nguyên liệu cho Nhà máy Đường Nghệ An. Kể ra thì nghề trồng mía cũng đã bảo đảm cho bà con đủ ăn, đủ mặc. Nhà anh Sơn đất ít, diện tích mía không đáng kể, mua đất để sản xuất thì không đủ tiền, mà nếu có tiền mua đất thì thời gian hoàn vốn cũng khá lâu. Vợ chồng anh Sơn quyết định chuyển hướng sang nuôi gà thịt. Đầu ra là bếp ăn của Nhà máy Đường. “Thời gian đó, chúng tôi cung cấp hàng yến gà thịt cho Nhà máy mỗi ngày. Tính ra cũng được lắm”, anh Sơn cho biết. Thế rồi, dịch H5N1 tràn về, số gà thì chết, số phải tiêu hủy, nhà anh Sơn rơi vào kiệt quệ. Anh kể: Chúng tôi đã phải di chuyển đàn gà hàng nghìn con đi xa làng hơn 3km để cách ly, nhưng cũng không cứu vãn nổi. Trắng tay.

Không nản chí, anh bỏ công đi học 6 tháng về kỹ thuật chăn nuôi gà đẻ trứng; đi hết Hải Dương, Hà Tây (cũ)… để học hỏi kinh nghiệm, học hỏi cái mới. Anh nhớ lại: Thấy mình lặn lội từ Nghệ An ra, ai cũng nhiệt tình, hết lòng chia sẻ. Cũng vì thế mà tôi càng quyết tâm đầu tư nuôi gà đẻ trứng. Lúc đầu tôi nuôi 2.000 con trong vườn nhà, vừa nuôi vừa học. “Đúng là có học có khác, khi nắm vững kiến thức, kỹ thuật mình rất tự tin. Từ việc nhỏ thuốc cho gà ít ngày tuổi đến việc tiêm Vacxin phòng các loại bệnh, tôi thành thục không kém cán bộ thú y”, anh Sơn khẳng định. Cũng theo anh Sơn, người chăn nuôi gà sợ nhất là dịch bệnh, nếu không cẩn thận là mất trắng cả sản nghiệp. Vì thế mà người chăn nuôi phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình phòng, chống dịch bệnh. Gà 1 ngày tuổi, 5 ngày tuổi và 7 ngày tuổi thì phải nhỏ những thuốc gì, đến 15 ngày tuổi lại phải quay lại quy trình cũ; 21 ngày tuổi thì liều lượng cao hơn, nhưng đến 45 ngày tuổi thì phải tiêm vào cánh… Tóm lại là nghiêm ngặt lắm.

Làm ăn lớn, phải tính “thoáng”

Toàn bộ các công đoạn từ thức ăn, nước uống… của 11 nghìn con gà gần như tự động hoàn toàn. Anh Sơn kể: Nan giải nhất là đất đai. Muốn chăn nuôi lớn thì phải có đất để làm trang trại, mà đất ở đây thì anh biết rồi đó, đắt đỏ lắm. Tôi nảy ra sáng kiến, tự dồn điền đổi thửa. Mấy thửa ruộng nằm rải rác ở các cánh đồng khác nhau, tôi thương lượng với bà con để đổi cho họ, nhằm tập trung về một chỗ. “Mình phải thoáng, đừng căn ke thì mới đổi được. Ví dụ, ruộng nhà mình có diện tích 1,5 sào thì chỉ cần đổi lấy 1 sào thôi, đừng nghĩ thiệt hơn”, anh Sơn cười vui vẻ. Và cuối cùng thì anh đã có được 0,6ha đất để xây dựng trang trại tập trung.

Với đặc điểm khí hậu khắc nghiệt như Nghĩa Đàn, rất không thuận lợi cho việc chăn nuôi gà, nhất là gà đẻ trứng. Anh Sơn đã quyết định đầu tư hệ thống điều hòa, hệ thống lọc gió để nhiệt độ luôn ổn định cũng như bảo đảm vệ sinh chuồng trại. Anh nói: Riêng hệ thống điều hòa, lọc gió, hệ thống cung cấp nước uống cho gà… đã tốn hơn 1 tỷ đồng. Nhưng nếu không đầu tư thì không những không hiệu quả mà có khi còn thiệt hại lớn. Đó là chưa kể phải liên kết chặt chẽ với nhà cung cấp con giống, thức ăn, thú y và cả các cơ sở bao tiêu sản phẩm. Với anh Sơn, Công ty CP là đơn vị mà anh tin tưởng chọn mua con giống và thức ăn; còn chăm sóc thú y thì anh lựa chọn Công ty Thú y xanh. Về tiêu thụ sản phẩm, theo anh Sơn là “gà đẻ chừng nào bán hết chừng đó”, nhất là dịp này, vừa qua tết Trung thu, các cơ sở lại chuẩn bị nguyên liệu bánh cho tết Nguyên đán.

Anh Sơn không trả lời trực tiếp câu hỏi của tôi về doanh thu mỗi ngày, mà chỉ nói: Với giá trứng hiện nay là 2.100 đồng/quả, mỗi ngày tôi bán ra 9.000 quả…

Tôi tính ra, mỗi ngày doanh thu từ bán trứng gà của anh Sơn gần 20 triệu đồng. Một con số không nhỏ chút nào!

Tin cùng chuyên mục
Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Xác định tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nâng cao giáo dục pháp luật cho người dân, nhất là vùng đồng bào DTTS và miền núi có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, Quảng Nam đã tích cực triển khai và bước đầu đạt được những kết quả đáng khích lệ.