Trong đó, mô hình chăn nuôi gà của gia đình ông Trần Xuân Chiến, ở xóm 11, là một trong những mô hình kinh tế tiêu biểu của xã cần được nhân rộng.
Năm 2005, ông Trần Xuân Chiến bắt đầu thử nghiệm mô hình nuôi gà nhốt chuồng. Khi đó, vốn ít nên ông chỉ thả 100 con. Do thiếu kinh nghiệm, kỹ thuật chăm sóc, gà bị bệnh cứ lăn ra chết hàng loạt khiến gia đình ông bị thiệt hại cả vốn lẫn lãi.
Đứng lên từ thất bại, ông Chiến không ngừng học hỏi kiến thức chăn nuôi. Ông cho hay, để đàn gà không bị nhiễm bệnh, ông thường xuyên tiêu độc, khử trùng vệ sinh chuồng chăn nuôi; tiêm thuốc phòng dịch bệnh đúng định kỳ. Nguồn thức ăn luôn đảm bảo dinh dưỡng để gà sinh trưởng phát triển tốt.
Ngoài cám công nghiệp, ông Chiến cho gà ăn thêm một số loại rau xanh và tinh bột. Hằng ngày ông kiểm tra, vệ sinh chuồng nuôi; xới đảo lộn lót chuồng từ 7 đến 10 ngày/lần, bổ sung chất độn chuồng để đảm bảo độ dày cần thiết và làm cho độn chuồng khô, tơi xốp.
Hiện nay, với hơn 4.000 con gà đẻ trứng và gà thương phẩm, trung bình mỗi ngày, gia đình ông Chiến bán ra thị trường từ 2.500 đến 3.000 quả trứng. Bình quân mỗi năm gia đình ông thu lãi 350 triệu đồng.
Mô hình nuôi gà nhốt chuồng của ông Trần Xuân Chiến là mô hình rất cần được nhân rộng bởi theo tập quán, bà con ở miền núi thường chăn nuôi thả rông, không chỉ trâu bò, lợn,… mà các loại gia cầm đều thế. Nuôi thả rông, với số lượng lớn không chỉ kém hiệu quả về kinh tế mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ dịch bệnh do chất thải của gia cầm khiến đất bị ô nhiễm, lưu mầm mống dịch bệnh từ năm này qua năm khác.
TÙNG NGUYÊN