Ấp ủ
Với tiềm năng mặt nước rất lớn, việc nuôi cá lồng trên sông, trên biển đang ngày càng phát triển, nhất là các khu vực có lòng hồ thuỷ điện. Bà con ta, từ xưa đã tận dụng tre, gỗ để kết lồng nuôi cá. Tuy nhiên, tuổi thọ của loại lồng này rất ngắn, chỉ vài năm là hỏng, vả lại tính cơ động không cao, khả năng chịu đựng sóng to, gió lớn thấp.
Đã có một vài doanh nghiệp nhập lồng cá từ Na Uy, nhưng giá thành quá cao, những hơn 1 tỷ đồng, mặt khác nó không phù hợp với địa hình và cách thức sản xuất của người Việt. Các hộ gia đình chủ yếu là nuôi nhỏ lẻ, điều kiện kinh tế còn khó khăn, hiếm người có đủ 1 tỷ đồng để mua lồng cá nhập ngoại…
Khi còn là sinh viên Khoa Nông – Lâm - Ngư của Đại học Vinh, sinh viên Hoàng Văn Hợi đã rất trăn trở về chi phí nuôi cá lồng của bà con ta. Khi thuỷ điện Bản Vẽ ở huyện Tương Dương (Nghệ An) đi vào hoạt động, một số bà con đã nhanh chóng chuyển hướng nuôi cá lồng trên lòng hồ thuỷ điện. Trong những chuyến đi thực địa, Hợi đã nghĩ rất nhiều về một loại lồng cá bền vững, giá thành phù hợp để phát triền phong trào nuôi cá lồng.
Ra trường, được về công tác tại Viện Nghiên cứu nuôi trồng thuỷ sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Hợi có thêm điều kiện để tìm hiểu về các loại lồng cá. Những chuyến công tác nước ngoài, Hợi luôn tranh thủ tìm hiểu về các loại lồng cá của nước bạn. Khi đã hiểu về nguyên lí, kỹ thuật thì ngặt nỗi, nguyên liệu, máy móc trong nước chưa đủ để có thể sản xuất một lồng cá bằng nhựa HDPE hoàn chỉnh. Vả lại kinh phí cũng là trở ngại lớn để Hợi hoàn thành ước nguyện.
Năm 2012, Hoàng Văn Hợi xin chuyển công tác về Trường Đại học Vinh, Khoa Nông – Lâm – Ngư, và được giao phụ trách Trung tâm nghiên cứu và thực hành Nông – Lâm. Tại đây, Hợi bắt tay vào nghiên cứu chuyên sâu và mày mò sản xuất lồng cá bằng nhựa HDPE. “Mỗi ngày làm một ít, mỗi tháng xong một công đoạn, vì nhiều chi tiết phải đặt hàng từ nước ngoài. Mà sản xuất ít, nhỏ lẻ thì giá thành lại rất cao”, Hợi cho biết.
- Tiền đâu ra để Hợi tự sản xuất lồng cá?
- Bao nhiêu lương thưởng, và cả hỗ trợ từ gia đình, bạn bè, em dồn hết cho công việc này. Tính ra, để hoàn chỉnh lồng cá đầu tiên, phải tốn đến 600 triệu đồng.
Và, sản phẩm đầu tay ấy, Hợi đã dành cho bà con nuôi cá lồng trên lòng hồ thuỷ điện Bản Vẽ. Với tính ứng dụng cao, hiệu quả, sản phẩm của Hợi đã giành được giải nhì của Giải thưởng Sáng tạo khoa học công nghệ tỉnh Nghệ An – 2013.
Bứt phá
“Tại sao lại chọn ống nhựa HDPE để làm lồng cá. Vì loại nhựa này không bị nước biển ăn mòn, nó có độ đàn hồi nên thích nghi với với mọi tác động, kể cả sóng to, gió lớn…Nếu làm lồng nuôi cá trên biển, phải thiết kế lồng hình tròn để tránh va đập mạnh của sóng, còn nuôi trên sông, hồ thì thiết kể hình vuông”, Hợi chia sẻ.
Và, một cái khó nữa - huy động vốn, đã buộc Hợi phải lựa chọn: viên chức hay thôi việc? Cuối cùng, Hợi đã chọn cách xin thôi việc để thành lập Công ty TNHH một thành viên Dịch vụ và công nghệ nuôi trồng thuỷ sản. Nay công ty đã được công nhận là Doanh nghiệp khoa học và công nghệ. Hợi nói, không ra ngoài, không thành lập công ty thì em không thể huy động được vốn để sản xuất, nhất là muốn làm ăn lớn, giảm giá thành.
Từ thành công đầu tiên, tin về lồng cá của Hợi đã nhanh chóng đến với bà con trong vùng, và dần dần lãnh đạo ngành thuỷ sản các tỉnh, một số tập đoàn… đổ về Nghệ An tham quan. Các đơn hàng ngày một nhiều, càng thôi thúc Hợi tiếp tục nghiên cứu để giảm giá thành. Muốn thế thì phải sản xuất đại trà, thậm chí phải tự sản xuất một số phụ kiện trong khả năng có thể. Công ty nhựa Tiền Phong là đơn vị mà Hợi lựa chọn để hợp tác. “Em tự tin người Việt mình sẽ có cách làm sáng tạo, trong cái khó ắt sẽ ló cái khôn, vì vậy không việc gì phải tốn tiền đặt hàng từ nước ngoài” , Hợi tâm sự.
Và, Hợi đã thành công, khi lồng cá tiếp theo chi phí chỉ còn 20 triệu đồng. Hợi nói, như thế vẫn còn cao, em quyết tâm đưa giá thành ngang bằng với lồng cá bằng tre, gỗ. Muốn thế thì phải tuyển dụng, đào tạo công nhân có tay nghề cao để mình tự làm chủ một số công đoạn trong sản xuất. Và hiện nay, mỗi lồng cá mà công ty của Hợi xuất xưởng chỉ còn giá 17,5 triệu đồng.
Nhận định về nghề nuôi cá lồng, Hợi cho biết: Nghề nuôi cá lồng sẽ còn phát triển, vì yêu cầu ngày càng cao về sản phẩm sạch của người tiêu dùng, mà cá lồng đáp ứng được các tiêu chí đó. Vả lại, diện tích mặt nước gần bờ sẽ ít dần vì các hoạt động khác, nên lựa chọn nuôi cá lồng ngoài biển sẽ nhiều hơn.
Đặc biệt, thời gian qua, đồng bào các DTTS ở nhiều địa phương đang chuyển hướng lựa chọn các lòng hồ thuỷ điện để nuôi cá lồng… “Do vậy, mà thời gian này, công ty đang tập trung sẽ lắp đặt dây chuyền sản xuất phụ kiện, vừa để chủ động trong sản xuất, vừa tiếp tục giảm giá thành. Em tin, không chỉ cung cấp cho thị trường trong nước, mà lồng cá HDPE của công ty em sẽ có mặt các nước trong khu vực”, Hợi rất tự tin!