"Linh hồn" của đội du kích A Lưới.
Theo chân ông Hồ Viết Ái, Trưởng phòng Dân tộc huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế, chúng tôi tìm về nhà Anh hùng lực lượng vũ trang người Pa Cô - Hồ Vai. Căn nhà nhỏ nằm nép mình sau dãy phố ở thị trấn A Lưới, tựa lưng vào núi.
Từ trong nhà bước ra một người đàn ông có nước da ngăm đen, dáng người quắc thước, mái tóc bạc như cước, với nụ cười hiền: “Mời các anh vào chơi, các anh ngồi uống nước”. Đi qua quãng sân nhỏ, bộ bàn đá đơn sơ đặt ngay trong mái hiên, nhấm nháp ly trà... những ngày đánh địch của Anh hùng Hồ Vai lần lượt tái hiện qua lời ông kể.
Hồ Vai sinh năm 1940, trong một gia đình có ba anh chị em, bố mất từ khi Hồ Vai còn ở trong bụng mẹ. Lên 6 tuổi, ông tiếp tục gánh chịu thêm nỗi đau mất mẹ.
Lớn lên nhờ sự đùm bọc của bà con dân bản, trong bối cảnh đất nước còn chiến tranh, giặc ngoại xâm còn dày xéo, người dân trong bản luôn phải “đói cơm, nhạt muối”, nhưng Hồ Vai lại lớn nhanh, khỏe mạnh. Mười chín, đôi mươi đã săn chắc như cây lim, cấy táu trong rừng già Trường Sơn.
Không chịu khuất phục và căm phẫn khi thấy giặc dồn dân lập ấp, đàn áp đồng bào mình, Hồ Vai viết đơn tình nguyện tham gia dân quân du kích địa phương để đánh địch. Một năm sau đó, Hồ Vai chính thức được giao nhiệm vụ làm Tiểu đội trưởng, trở thành người “thuyền trưởng” của Tiểu đội du kích.
Sở hữu sức khỏe, nhanh nhẹn, sự mưu trí và táo bạo trong suy nghĩ, không những đánh địch giỏi, ông còn hướng dẫn cho bà con trên đỉnh Trường Sơn cách đánh, lối đánh du kích. Ông vận động bà vót chông, cài bẫy bảo vệ bản làng, phối hợp với bộ đội đánh chặn các cuộc hành quân, càn quét của địch. Có lần Hồ Vai còn thọc sâu vào tận đồn bốt, đánh sập đồn đè chết địch...; cái tên Hồ Vai đã làm cho địch bao phen phải kiếp đảm.
Vuốt vầng trán cao, mái tóc đã bạc trắng như cước, ông tiếp tục: Chỉ tính riêng năm 1961, ông cùng đồng đội đánh 20 trận lớn nhỏ, tiêu diệt và làm bị thương hơn 50 tên địch. Liên tiếp những lần xuyên thẳng và làm sập đồn bốt địch. Có lần ông cùng đồng đội phối hợp với bà con các dân tộc bao vây đồn A Xo, bắt sống 23 tên định bao gồm cả chỉ huy. Đội du kích do Hồ Vai làm “thuyền trưởng” luôn chặn tập kích, đặt bẫy, cài chông… buộc dịch phải thưa dần những lần đi càn, dồn dân.
Dù rất nhiều chiến công trong cuộc đời binh nghiệp, nhưng theo Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân Hồ Vai, thì trận đánh năm 1963, khi một mình ông đẩy lùi cả trăm tên địch đi càn là trận đánh ông không thể nào quên. Với chúng tôi, chỉ nghe thôi đã biết Hồ Vai dũng cảm đến chừng nào.
Đôi mắt nghiêm nghị, giọng ông vang vang: “Trong lúc đang ở nhà vì sốt rét, anh em đi trinh sát hết, tôi nhận được tin bà con báo về, địch đang hành quân về bản để càn, không thể báo cho anh em kịp. Tôi dậy cầm súng và chạy ra chặn địch, sau một hồi nắm tình hình, tôi đã nắm được hướng hành quân, số lượng địch khoảng 100 tên. Do thông thạo địa hình nên tôi lẻn lên núi, núp ở u đá. Khi địch tới cách tôi chừng 15m, tôi nổ súng, chết ba tên đi đầu. Có lẽ do quá gần và quá bất ngờ nên địch mất đội hình, đội ngũ. Tôi lại lách ra chạy sang bên hông địch, nổ súng, địch nghĩ đã trúng mai phục nên chạy toán loạn về tận đồn”.
Cây đại thụ trên dãy Trường Sơn.
Năm 25 tuổi, trong Đại hội chiến sỹ thi đua toàn Miền Nam lần 1 năm 1965, tổ chức ở Tây Ninh, Hồ Vai vinh dự được nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân. Ông là người đầu tiên của dân tộc Pa Cô, cũng là người đầu tiên ở huyện A Lưới vinh dự nhận được danh hiệu cao quý này.
Với thành tích này mà cũng là lần đầu tiên, ông đã được vinh dự gặp Bác Hồ, được Bác động viên, dặn dò chu đáo, để sau đó khi về lại A Lưới với sự chèo lái của Hồ Vai, đội du kích A Lưới đã họat động, đánh địch chuyên nghiệp, cùng với bà con đồng bào DTTS dành nhiều chiến thắng vẻ vang.
Ba năm sau đó, năm 1968, Hồ Vai lập gia đình với Căn Ngần - một người con gái Pa Cô, ở xã bên. Bà Căn Ngần cũng hăng hái tham gia hoạt động cách mạng, được Đảng, nhà nước và quân đội tặng Huân, Huy chương kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Chỉ tay về phía trong nhà, ông cười nói, “bà nhà tôi đang ở trong nhà, các con chúng tôi đã trưởng thành, đó (ngôi nhà kế bên) là con trai đầu. Tất cả đã có công ăn việc làm, có anh làm trong lực lượng quân đội”
Kết thúc chiến tranh, ông Hồ Vai có hai nhiệm kỳ là đại biểu Quốc hội, ông lại đem tâm huyết, sự hiểu biết của mình để đóng góp nhiều ý kiến để xây dựng chính sách, đặc biệt là chính sách dành cho đồng bào DTTS; đưa tiếng nói, tâm tư nguyện vọng người đồng bào đến với Đảng, với nhà nước, với Quốc hội.
Ông Hồ Vai còn là Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam, tiếp tục xây dựng và phát triển tinh thần đoàn kết dân tộc ngày một vững chắc. Sau khi về hưu, ông lấy công tác từ thiện làm lẽ sống. Đặc biệt, ông luôn lặn lộn tìm đến với từng số phận, những nạn nhân chất độc da cam, những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn để có cách động viên giúp đỡ. “Các cháu không có tội tình gì cả nhưng phải hứng chịu nỗi đau, di chứng chiến tranh để lại… Chúng ta phải chia sẻ, phải đồng lòng, giúp các cháu hoà nhập với cộng đồng là trách nhiệm của toàn xã hội…”, giọng như trầm xuống, đôi khóe mắt của Anh hùng Hồ Vai rơm rớm
Giờ đây, khi đôi chân không còn được nhanh nhẹn, ông Hồ Vai vẫn giữ lối sống rất đỗi bình dị, chan hòa cùng hàng xóm, vui vầy bên con cháu. Anh hùng Hồ Vai là một cây đại thụ ở trên đỉnh Trường Sơn để bà con người Pa Cô nói riêng và các đồng bào DTTS noi theo về lòng dũng cảm, một lòng theo Đảng, Bác Hồ kính yêu.
Trong căn nhà của ông, Ban thờ Bác Hồ được bài trí ở một gian trang trọng; Bằng khen, giấy khen, bảng Danh hiệu Anh hùng lực lượng Vũ trang nhân dân, cả những bức ảnh chụp chung với Bác trong những lần ông vinh dự được gặp, treo rất cẩn thận. Anh hùng Hồ Vai trong tôi, đẹp hơn những gì mà ông kể...