Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Những hiền nhân sống giữa rừng già

Uông Thái Biểu - 14:24, 18/06/2021

Họ là những già làng, những nghệ nhân, những “đại thụ” thông thái, hay là những bạn trẻ tôi quen trong những lần điền dã. Họ đã dành cho tôi những câu chuyện thú vị, những ý niệm về rừng già, về văn hóa tộc người và hơn hết là dòng xúc cảm trong lành của sơn nguyên bao la. Và, đã từ lâu rồi, tôi coi họ như những người thân đang sống cuộc sống hồn nhiên giữa đại ngàn…

Tác giả giữa rẫy lúa của đồng bào dân tộc Mạ ở Bảo Lâm (Lâm Đồng)
Tác giả giữa rẫy lúa của đồng bào dân tộc Mạ ở Bảo Lâm (Lâm Đồng)

Hồi xa rừng về biển, mỗi chiều từ dưới đồng bằng ngước mắt về miền cao, tâm hồn tôi lại đong đầy hình ảnh về những dãy núi, những cánh rừng, những buôn làng, những thác nước ầm ào, những dòng sông hùng vĩ. Đại ngàn Tây Nguyên trong tít tắp mờ xa vừa như hiện hữu, vừa như ảo ảnh, nhiều khi tiếp xúc bằng trực giác và đôi lúc chạm vào tâm tưởng. Nhớ rừng nhớ núi, nỗi nhớ âm ỉ gieo vào hồn người bởi những ký vãng, những xúc cảm từng sâu lắng khắc ghi.

Có một điều cụ thể, là nơi đó có những người bạn các dân tộc Cơ Ho, Xtiêng, Châu Mạ, Chu Ru, Raglay, Ê Đê, Mnông… thân thương mà tôi luôn trân trọng. Những câu chuyện họ kể, những việc họ làm, những hành vi ứng xử tuyệt vời của họ với văn hóa tộc người, với trầm tích rừng già đã bồi đắp cho tôi thêm phần tình yêu với xứ sở này.

Trở về với cao nguyên, tôi lại được thả hồn thung thăng giữa mênh mang rực rỡ dã quỳ vàng, ngực căng với gió, đầu phơi cùng nắng và lắng nghe hơi thở gấp gáp của núi đồi trong những trận mưa núi, lũ rừng sập trời lở đất. Nơi ấy buôn làng nào, buổi nào, giờ nào thì những người bạn núi cũng sẵn lòng đón khách như đang đợi sẵn. Cánh cửa nhà bạn không khép, cầu thang mời gọi bước chân, ngọn lửa ấm trong mỗi ngôi nhà sàn tôi đến cũng ấm áp như lửa bếp của chính nhà mình.

* * *

Tôi không bao giờ quên đêm ngủ lại rừng sâu Lộc Bắc giữa sàn nứa ngôi nhà khét mùi mồ hôi, bồ hóng và đậm mùi thú nuôi của đôi vợ chồng già người Mạ. Bà tên là Ka Lý còn ông là K’Noi. Đêm thanh vắng rừng sâu hôm ấy, giữa khuya tôi trở mình tỉnh giấc, vẫn thấy dáng bà Ka Lý ngồi lặng lẽ, trầm ngâm bên bếp lửa. Ông K’Noi thì tựa lưng vào vách nứa thưng, hai bàn tay mân mê từng gân đồng lên bóng của chiếc chiêng Me và gõ nhè nhẹ những giai điệu trầm buồn.

Mới đây về lại Lộc Bắc, tôi ghé lại nếp nhà sàn cũ. Bà Ka Lý và ông K’Noi đều đã theo nhau về với rừng Yàng, để lại bếp lửa giữa sàn lạnh lẽo và dàn chiêng lặng im phủ bụi bên vách. Tôi nghĩ về hồn lửa, hồn chiêng và bùi ngùi nhớ về hình ảnh đôi vợ chồng già người Mạ trong đêm rừng Lộc Bắc…

Mỗi lần tự ngân nga giai điệu “Giấc mơ Chapi” của nhạc sĩ Trần Tiến, tôi lại nhớ về người nghệ nhân làm đàn và chơi đàn Chapi cuối cùng, Chamalé Âu ở Plây Hà Dài của người Raglay vùng Ma Nới (Ninh Thuận). Biết tôi vượt hàng trăm cây số từ phố về rừng để tìm gặp ông, Chamalé Âu đã gác lại mọi việc cần làm để cùng tôi đắm chìm trong âm thanh Chapi, trong dòng chảy văn hóa tộc người.

Cùng với Nghệ sĩ Nhân dân Y Moan, biết bao người đã hát ca khúc viết về cây đàn Chapi của người nhạc sĩ du ca. Chamalé Âu trìu mến nói với tôi: “Để ama đàn và hát điệu Con trai bắp cho con nghe nhé”. Và ông hát, giai điệu hồn nhiên: “Hỡi bắp trắng con trai của mẹ/Hãy để cho mẹ được bình an, no đủ/Hỡi bắp trắng con trai của mẹ/Đừng để nước muốn đổ, nồi muốn nghiêng…”. Lời hát cất lên, chỉ đơn giản là những tâm sự tự đáy lòng của người ở núi yêu quý hạt bắp, hạt lúa như chính con trai, con gái của mình. Vậy mà tiếng đàn ấy, giai điệu ấy như ngân nga mãi trong hồn người đi tìm giấc mơ Chapi…

Trèo lên núi Bờxa Luxiêng ở thượng nguồn Đồng Nai, tôi đã gặp tổng già làng Điểu Đoi có tuổi 112 mùa rẫy. Cụ đã quên nhiều chuyện, mà chỉ nhớ mình là người Xtiêng và đã từng chỉ huy đội du kích bền bỉ hàng chục năm ròng đánh thực dân Pháp, đuổi đế quốc Mỹ. Dưới chân đỉnh Lang Bian huyền thoại, tôi đã gặp lão bà Cil Ca, rồi về bờ sông Đạ Nhim gặp nghệ nhân Ma Bio, nghệ nhân Ma Tham - những người phụ nữ quên ăn, quên ngủ với một niềm đau đáu với việc giữ những điệu múa, lời ca tổ tiên truyền lại.

Về cao nguyên cổ Djirinh, dưới chân núi Brayàng huyền thoại, tôi gặp già làng K’Điệp, già làng K’Tiếu - những người già Cơ Ho đã dành tất cả sinh lực còn lại của mình để trao truyền những giá trị tốt đẹp của tộc người cho lớp trẻ buôn làng.

Tác giả đến thăm nhà cố Nghệ sĩ Nhân dân Y Moan
Tác giả đến thăm nhà cố Nghệ sĩ Nhân dân Y Moan

Giữa buôn Sa Lúk của người Mnông bên dòng K’rông Nô, tôi cũng được sống cùng hoài tưởng của già làng Y wăn R’tung, khi già nhớ về người bạn lớn G. Condominas, tác giả của bộ khảo cứu “Chúng tôi ăn rừng” và người phát hiện ra bộ đàn đá tiền sử đầu tiên trên thế giới ở làng Ndut Liêng Krak. Tôi cũng về Plei Hơma Glây để được ngồi dưới tán lá xum xuê của cây xoài rừng cổ thụ trong sân nhà ông Ya Loan, rồi mê mẩn nghe người đàn ông Chu Ru hào hoa và thông thái ấy say sưa kể chuyện lịch sử xa xưa của tộc người mình…

Những người trẻ hơn như như Y Phôn K’So, anh bạn viết nhạc người Ê Đê với ca khúc “Đi tìm lời ru Mặt trời” nổi tiếng, người đã thốt lên lời hát bằng chính gan ruột, bằng chính sự tự tin mãnh liệt và cả sự mặc cảm tê tái. Nhà nghiên cứu Krazan Plin thì tỉ mẩn nhặt nhạnh từng lời dân ca, từng câu luật tục. Nhạc sĩ Krazan Dick dù làm gì, ở đâu cũng miệt mài với câu chuyện văn hóa tộc người, âm nhạc của anh là thông điệp chuyển đến cộng đồng hãy trở về với không gian văn hóa núi rừng, như tâm hồn anh đã ngân lên da diết trong ca khúc “Giữ ấm bếp hồng”.

Tôi cũng gặp Tiến sĩ trẻ Cil Duin, chàng thanh niên Cơ Ho đã vượt qua những ngày đói cơm, lạt muối lo học thành tài để làm gương cho học trò, con cháu của mình. Một buổi trưa Di Linh, anh bạn K’Lào đã say sưa kể với tôi về câu chuyện “trốn đàn trâu đang chăn để đi thi đại học” và nhờ thế mà bây giờ được làm cán bộ làm công tác dân tộc và để lo việc lớn, việc nhỏ cho buôn làng…

* * *

Họ là nhân vật trong những bài viết của tôi. Nhưng từ đáy lòng, tôi luôn coi họ là ân nhân của mình. Nhân vật của tôi hầu hết sống đạm bạc về vật chất, ít tiện nghi hiện đại nhưng giàu có thiên nhiên, giàu có sự trong lành. Trí tuệ của họ được đắp bồi những hệ minh triết rừng và tâm hồn luôn theo chiều hướng thượng. Rừng với những bí ẩn của đại ngàn đã chi phối suy nghĩ, tâm tính và cảm xúc của người sống giữa thăm thẳm hoang dã. Núi vời vợi, phong nhiêu tạo nên sự trầm mặc trong cốt cách của con dân xứ núi.

Quen với những người bạn sống trên miền cao nguyên, tôi luôn coi họ, nhất là những người già, là những bậc hiền minh. Trò chuyện, gặp gỡ và giao cảm với những người trên núi, tôi mới hiểu và cảm nhận về một Tây Nguyên thăm thẳm trầm tích, một Tây Nguyên đang biến đổi từng ngày…

Tin cùng chuyên mục
Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Hàng loạt tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra, trong đó nổi cộm là địa bàn sinh sống của đồng bào DTTS chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế khó khăn; trình độ dân trí, hiểu biết pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế..., đã tạo "đất sống" cho những hủ tục, tập quán lạc hậu tồn tại. Đây chính là những thách thức lớn làm ảnh hưởng đến quá trình nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây xứ Nghệ. Thực tế, đã có nhiều giải pháp khắc phục hạn chế được đưa ra, trong đó là việc tổ chức các hoạt động truyền thông nhằm thay đổi tư duy; đồng thời lồng ghép cung cấp các dịch vụ khám sức khỏe, sàng lọc một số bệnh trong Nhân dân.