Bỏ phí những tiềm năng
Là địa phương có nhiều di tích văn hóa lịch sử, nhưng việc khai thác các giá trị di sản để phát triển du lịch tại Hà Nội chưa đạt được hiệu quả như mong muốn, vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế.
Đơn cử Hoàng thành Thăng Long, mặc dù đã được UNESCO công nhận di sản văn hóa thế giới, nhưng lượng khách đến đây còn khiêm tốn, chưa xứng với tiềm năng của một khu di sản. Nguyên nhân trước hết là Hoàng thành Thăng Long không còn những di tích, cung điện nguy nga, kỳ vĩ. Các giá trị khảo cổ học, bề dày lịch sử trải qua hàng nghìn năm lịch sử không dễ nhận biết nếu không có sự giới thiệu, tìm hiểu thật thấu đáo.
Hay như Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Gò Đống Đa, mặc dù đã được tu bổ, chỉnh trang lại, nhưng vẫn không thu hút được sự quan tâm của du khách. Ngoài tấm bia ghi lời hịch của Hoàng đế Quang Trung và một vài phiến đá chỏng chơ, Gò Đống Đa hầu như không có thông tin gì khác. Bên cạnh đó, nhà trưng bày trong quần thể Công viên Văn hóa Đống Đa lại quá nhỏ, khuất nẻo, giải pháp trưng bày cũ kỹ… Điều đó đã ảnh hưởng không nhỏ tới hiệu quả phát huy giá trị di tích.
Theo PGs.Ts. Trương Quốc Bình, Hà Nội có hàng trăm kiến trúc nghệ thuật, di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, là nơi đặt bảo tàng tiêu biểu nhất của quốc gia. Đặc biệt, Hà Nội còn có không ít các di sản phi vật thể đặc sắc, như: Hội Gióng, hội Chèm, hội làng Yên Sở, hội Hai Bà Trưng… Thế nhưng, khi nói đến những hoạt động giải trí tại Hà Nội, những người làm du lịch hay nói một cách đầy hình ảnh rằng “ăn tối, rối nước” rồi về ngủ, hôm sau di chuyển tới điểm du lịch khác.
Việc gắn kết di sản, lễ hội với du lịch cũng đang là xu thế của nhiều quốc gia. Mới đây nhất, Hà Nội đã gia nhập mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO. Đây chính là lợi thế để Hà Nội đầu tư có trọng tâm, trọng điểm cho việc khai thác những giá trị từ hệ thống di tích và danh thắng, thông qua các hoạt động kinh doanh lữ hành.
Theo Ths. Ma Thị Quỳnh Hương, Khoa Du lịch (Trường Đại học Văn hóa), để biến lễ hội truyền thống tại các di sản tại Thủ đô trở thành lễ hội du lịch có quy mô lớn, trước hết phải tôn trọng giá trị văn hóa thực chất, tính nguyên gốc của lễ hội. Các cơ quan chức năng cần ủy nhiệm, điều phối và phân công các nhà nghiên cứu có tri thức về văn hóa lễ hội, những nhà chuyên môn làm việc với ban tổ chức, giúp khẳng định đâu là giá trị cốt lõi của lễ hội, ai sẽ là người thực hành các giá trị đó và thực hành như thế nào để lễ hội gìn giữ, phát huy được nét đẹp văn hóa vốn có.
Có thể thấy, việc gắn kết du lịch với di sản Hà Nội phải cần sự đột phá, từ đó có chính sách thu hút phát triển, nguồn nhân lực... Các sản phẩm du lịch Hà Nội gắn với các di sản phải mang đặc trưng riêng, để biến nó thành sản phẩm du lịch thu hút du khách.