Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Gác lại mùa hè chung tay chống dịch

Đình Tuân - 12:49, 11/08/2021

Dù đang trong thời gian nghỉ hè, nhưng ngay sau khi xuất hiện những ca dương tính với Covid-19 đầu tiên ở Chằm Puông, Lượng Minh nhiều cán bộ, giáo viên huyện vùng cao Tương Dương (Nghệ An) đã tự nguyện “gác” thời gian nghỉ hè để tham gia chống dịch.

Thầy Xây, thầy Thương cùng các cô chuẩn bị bữa ăn cho các lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch ở bản Chằm Puông
Thầy Xây, thầy Thương cùng các cô chuẩn bị bữa ăn cho các lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch ở bản Chằm Puông

Gác lại mùa hè

Theo Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện Tương Dương (Nghệ An), ngay khi xuất hiện những ca nhiễm Covid-19 đầu tiên ở bản Chằm Puông, xã Lượng Minh, nhận thấy dịch bệnh đã có nhiều diễn biến phức tạp, và có thể lây lan ra diện rộng nếu như không kịp thời dập dịch, huyện đã “thần tốc” huy động lực lực gồm công an, y tế, quân sự… vào tâm dịch để triển khai công tác lấy mẫu xét nghiệm, truy vết, trực các chốt kiểm soát…

Để cùng “chia lửa” với các lực lượng tuyến đầu chống dịch, Ngành Giáo dục địa phương đã kêu gọi cán bộ, giáo viên các trường học trêm địa bàn cùng chung tay tiếp sức trong công tác phòng, chống dịch. Qua đó, đã có trên 400 cán bộ, giáo viên tự nguyện đăng ký tham gia nấu ăn cho các lực lượng tại tâm dịch, ở các khu cách ly; vận chuyển gạo, nhu yếu phẩm vào tâm dịch.

Bản Chằm Puông xã Lượng Minh, huyện Tương Dương (Nghệ An) có 23 ca dương tính với Covid-19. Trong số này, hiện có 13 bệnh nhân đã được điều trị khỏi bệnh. Đây là bản đầu tiên của huyện rẻo cao Tương có bệnh nhân nhiễm Covid-19.

Trong hơn 400 cán, bộ giáo viên tự nguyện đang ký tham gia chống dịch, có nhiều giáo viên thường xuyên xa nhà, xa vợ con vì nhà cách xa trường học. Tuy về nghỉ hè chưa được tháng, nhưng khi dịch bệnh xảy ra, họ vẫn “gác” lại thời gian nghỉ hè để tham gia tuyến đầu phòng, chống dịch .

Gia đình hiện ở làng Mỏ Than, xã Tam Quang, để đến trường thầy Đào Như Kiều, giáo viên Trường Tiểu học Lượng Minh phải vượt qua quãng đường gần 100km. Do đường xa, nên cứ 2 - 3 tuần thầy Kiều mới về thăm nhà 1 lần. Những thời điểm mưa bão, hay công việc nhiều thì còn lâu hơn. Nhưng khi hay tin, bản Chằm Puông (nơi thầy Kiều đang giảng dạy) xảy ra dịch bệnh Covid-19. Không chút do dự, thầy Kiều đã tự nguyện viết đơn vào tâm dịch để “chia lửa” cùng các lực lượng.

Thầy Kiều chia sẻ: “Tôi công tác tại bản Chằm Puông cũng đã một thời gian dài. Người dân ở đây tuy khó khăn vất vả, nhưng rất tình cảm. Ở đây chúng tôi được bà con đùm bọc, che chở như con em của họ. Chính vì thế mà tôi xem đây là quê hương thứ 2 của mình. Khi nghe tin trong bản có trường hợp dương tính với Covid-19, tôi rất lo, không biết phụ huynh, học sinh mình sẽ xoay xở ra sao để vượt qua đại dịch. Phần vì muốn góp công để sớm đẩy lùi dịch bệnh, phần vì muốn được gần gũi cũng như nắm bắt thông tin của phụ huynh, học sinh và người dân nên dù rất muốn ở nhà chăm sóc vợ con, vì cả năm chủ yếu là ở trường, nhưng tôi vẫn tự nguyện viết đơn vào tâm dịch. Nhờ quen thuộc địa bàn và hiểu rõ phong tục tập quán nơi đây, tôi được giao nhiệm vụ nấu ăn cho các lực lượng tuyến đầu chống dịch. Công việc dù không nặng, nhưng suốt ngày tay chân không được ngơi nghỉ. Dịch bùng phát, mọi người đều vất vả nhất là các lực lượng y tế, bộ đội, công an. Chúng tôi cũng mong muốn, góp một phần công sức, trách nhiệm của mình để chung tay chống dịch. Những suất ăn được mọi người vui vẻ tiếp nhận, chúng tôi như được tiếp thêm động lực để làm tốt hơn phần việc của mình”.

Chung tay chống dịch

Gặp thầy Vang Văn Thương, giáo viên Trường Tiểu học Yên Thắng, trong lúc thầy đang chuẩn bị bữa ăn trưa cho các lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch. Do thời tiết nắng nóng, lại phải túc trực bên bếp lửa, nên mồ hôi đã làm chiếc áo của thầy ướt đấm. Thầy Thương cho biết: “Công việc của anh em chúng tôi bắt đầu từ lúc 4 giờ sáng và kết thúc vào khoảng 8 - 9 đêm. Gần 1 tháng nay, ngày nào anh em cũng miệt mài với công việc và luôn động viên nhau nỗi lực hoàn thành nhiệm vụ. Xa nhà cũng nhớ vợ con, nhưng tối đến khi hoàn thành nhiệm vụ mới gọi điện được cho vợ con. Biết được công việc của chồng, nên vợ cũng thường xuyên động viện để tôi hoàn thành nhiệm vụ”.

Qua tìm hiểu được biết, để tránh tình trạng thừa thiếu nhân lực, hơn nữa để bảo đảm cho một quá trình phục vụ dài ngày, Công đoàn ngành GD&ĐT Tương Dương đã lên lịch phân công mỗi trường đảm nhiệm nấu ăn 1 ngày. Tuy nhiên, có một số giáo viên ở địa bàn thị trấn, dù không phải đến phiên trường mình nấu ăn, nhưng ngày nào cũng đến bếp ăn để tham gia hỗ trợ cho các đồng nghiệp. Cô Lô Thị Duyệt, giáo viên trường Tiểu học Tam Thái là một trong nhiều trường hợp như vậy.

Những chuyến xe “0 đồng” của các thầy giáo đều sẵn sàng lăn bánh khi có nhu cầu. Các thầy vừa tài xế, vừa bốc xếp hàng hóa
Những chuyến xe “0 đồng” của các thầy giáo đều sẵn sàng lăn bánh khi có nhu cầu. Các thầy vừa làm tài xế vừa bốc xếp hàng hóa

“Bình quân mỗi buổi, cán bộ, giáo viên, phải nấu hàng trăm suất ăn. Trong khi, mọi công việc từ khâu tiếp nhận thực phẩm, sơ chế, chế biến, nấu nướng và chia suất ăn đều do 6 - 7 người làm. Tuy không quá nặng nhưng cũng liền tay. Do nhà ở gần địa điểm nấu ăn, lại đang nghỉ hè, nên gần như này nào tôi cũng lên phụ giúp cùng các thầy cô trường khác”, cô Lô Thị Duyệt chia sẻ.

Không tham gia nấu ăn như các thầy cô khác, thầy Tạ Kim Trọng, giáo viên Trường THCS thị trấn Thạch Giám và một số giáo viên nữa lại tình nguyện dùng xe nhà chở gạo và nhu yếu phẩm vào tâm dịch cho người dân. Gần 1 tháng qua không kể nắng hay mưa, những chuyến xe "0 đồng" của các thầy, cô vẫn đều đặn lăn bánh chuyển đồ ăn thức uống vào tâm dịch.

Thầy Trọng chia sẻ “Dịch bệnh xảy ra đúng thời điểm đang nghỉ hè, nên khi biết tin huyện cần phương tiện để vận chuyển hàng hóa vào tâm dịch tôi đăng ký tham gia, với mong muốn góp một phần công sức vào công tác phòng, chống dịch. Anh em chúng tôi một lúc đảm nhiệm 2 nhiệm vụ đó là vừa làm tài xế vừa kiếm luôn cả bốc xếp. Những ngày đầu, do số lượng gạo và nhu yếu phẩm cần vận chuyển vào tâm dịch nhiều để kịp thời cấp phát cho người dân, nên gần như cả ngày chúng tôi đều ngồi trên xe đến tối mịt mới về đến nhà”.

Cô Võ Thị Tuyết Chinh, Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tương Dương cho biết “Phòng, chống dịch là trách nhiệm không chỉ ngành nào mà cần phải có sự vào cuộc của cả cộng đồng. Xuất phát từ tinh thần trách nhiệm và theo lời kêu gọi của lãnh đạo phòng, nên trong thời gian qua lực lượng cán bộ giáo viên trong toàn ngành đã tự nguyện tham gia cùng với các lực lượng chống dịch. Ngoài tham gia chế biến thức ăn, vận chuyển nhu yếu phẩm, thì lực lượng giáo viên đã tổ chức kêu gọi các tổ chức, cá nhân ủng hộ cho công tác phòng chống dịch. ”.

( Nội dung thông tin, tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NĐ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ).

Tin cùng chuyên mục
Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Dù mới được thành lập nhưng các Câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đã góp phần trang bị cho học sinh nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích để các em nói lên tiếng nói của mình và thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ đồng bào DTTS ngay từ trên ghế nhà trường. Đặc biệt, các em còn là những hạt nhân tiên phong thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, từ đó dần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu ở thôn ấp, bản làng để cùng nhau vươn lên phát triển.