Mỗi ngày, trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh có hàng ngàn người nhiễm bệnh được công bố, kéo theo hàng trăm điểm phong toả, hàng chục ngàn người lao động bị nghèo khó bao vây. Ngay lập tức, tinh thần tương thân tương ái, tinh thần sẻ chia, đùm bọc của người Việt được phát tâm nhằm hỗ trợ lẫn nhau vượt qua hoạn nạn.
Lan toả sẻ chia
Bữa cơm 0 đồng, siêu thị 0 đồng, bánh mì miễn phí, ATM gạo cho người nghèo, ATM oxy miễn phí cho bệnh viện… Cứ chỗ nào có dịch bệnh, có tiếng kêu cứu, hỗ trợ thì ngay lập tức các hoạt động thiện nguyện xuất hiện trên khắp các địa bàn TP. Hồ Chí Minh nhằm giúp đỡ người dân.
Trong cái nắng gay gắt, dòng người vẫn tuân thủ phòng chống dịch, xếp hàng ngay ngắn để nhận suất cơm trưa, tại nhà bà Dương Thị Tiên, khu dân cư Bình Hưng (xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh). Người đến nhận cơm đa phần là những lao động tự do. Họ là những người chạy xe ôm, những cụ già bán vé số, những người thất nghiệp, neo đơn, không nơi nương tựa.
Một người chạy xe ôm nhận cơm xong, bùi ngùi cho biết: “Đợt dịch này phong toả kéo dài, mọi người hạn chế di chuyển nên tôi không kiếm được đồng nào, khó khăn chồng chất. Bao nhiêu chi phí từ tiền nhà, tiền ăn không còn, cũng may những ngày qua, có những hộp cơm từ thiện gia đình bà Tiên hỗ trợ để sớm vượt qua cơn đại dịch, chứ thế này khổ quá.”
Hàng ngày, gia đình bà Tiên vẫn dậy rất sớm, chia nhau ra các công việc từ chuẩn bị đồ ăn, nấu nướng để nhanh chóng đến trưa phát cơm cho bà con. Trung bình mỗi ngày bà Tiên phát khoảng 350 hộp cơm trưa. Mỗi phần cơm đều có đủ rau xào, canh và các món mặn, kèm theo đó là hai cái khẩu trang. Bên cạnh các phần cơm được phát hàng ngày, thì gia đình bà Tiên còn trao tặng các phần quà, nhu yếu phẩm cho các khu cách ly trên địa bàn.
Do thời gian cách ly kéo dài, người nghèo tại TP. Hồ Chí Minh càng khó khăn hơn. Họ là dân nhập cư rất đông, nhiều người không gia đình, không hộ khẩu. Một số xóm trọ xập xệ, ẩm thấp toàn những người làm thời vụ, nơi ở không ổn định nay đây, mai đó, lúc bán vé số, khi thì làm thuê, nên khi bị khoanh vùng, phong toả thì chỉ nhờ vào những suất cơm từ thiện.
Anh Phạm Hữu Tình, người kinh doanh quán cơm chia sẻ, mỗi ngày anh và nhóm bạn nấu khoảng 3.600 suất cơm gửi tặng miễn phí cho các bác sĩ, chiến sĩ công an, dân quân đang làm nhiệm vụ ở chống dịch trong bệnh viên, khu vực phong toả, nơi cách ly. Chia sẻ về việc làm của mình, anh Tình cho biết, khi dịch ngày càng phức tạp, những lực lượng tuyến đầu căng mình chống dịch nên mình cùng với nhóm tổ chức nấu cơm thiện nguyện. Vào ban đêm, khi bớt việc, nhiều ca bệnh kêu gọi cấp cứu mình vẫn có thể chạy xe đến điểm phong tỏa đón bệnh nhân.
“Với sự chung tay, giúp sức của cả cộng đồng, với tinh thần tương than, tương ái, mọi người cùng nhau vượt qua khó khăn của đại dịch”, anh Tình tâm sự.
Với dân số đông nhất cả nước, khi chính quyền gồng mình chống dịch, thì vấn đề quan tâm, chăm lo đời sống, miếng cơm, manh áo của từng hộ gia đình, từng người dân sẽ vô cùng khó khăn. Chính những lúc này, các tổ chức xã hội khắp nơi đã tham gia từ thiện nhằm phủ kín các khu cách ly, vùng phong toả những bữa cơm miễn phí, những gian hàng 0 đồng, giúp cho người nghèo ấm lòng hơn.
Trên địa bàn quận Tân Bình, Tân Phú, Bình Chánh, những nơi bệnh dịch hoành hành nặng nề nhất, nhiều gian hàng 0 đồng dành tặng cho người dân khu cách ly được triển khai.
Ông Nguyễn Quốc Huy, Chủ tịch UBND phường Tân Quý (quận Tân Phú) bày tỏ, mô hình gian hàng 0 đồng giúp người dân trong khu vực cách ly cảm thấy ấm lòng hơn. Họ có thể tự chọn lựa những sản phẩm cần thiết theo nhu cầu của gia đình mình để thực hiện tốt chuỗi ngày giãn cách phòng dịch.
Nắm chặt tay nhau qua đại dịch
Những con phố nhộn nhịp, sầm uất giờ đây phải cửa đóng, then cài bởi những hàng rào chằng chịt dây trắng đỏ, khoanh vùng phong toả. Ở trong những con hẻm chật chội, đông đúc, dịch bệnh tấn công, thì cân gạo, bó rau, quả trứng… giúp cho những gia đình nghèo, lao động thời vụ, mất việc làm mới cảm thấy ấm lòng biết bao. Dịch bệnh càng kéo dài thì nhiều người rơi vào cảnh túng thiếu, kiệt quệ càng nhiều, tiền thuê phòng trọ trở thành gánh nặng.
Trước tình cảnh khó khăn, gia đình bà Bùi Thị Bên, ngụ tại phường Tăng Nhơn Phú A, TP. Thủ Đức đã quyết định miễn phí toàn bộ tiền phòng trọ cho 120 công nhân đang thuê ở. Gia đình bà Bên không chỉ giảm tiền nhà trọ mà còn hỗ trợ thêm các nhu yếu phẩm như: gạo, mỳ, trứng, rau, củ… đảm bảo bữa ăn cho công nhân, giúp họ hạn chế ra đường, tránh lây bệnh.
“Tôi xuất thân từ hoàn cảnh khó khăn, từng ở nhà thuê nên mình thấu hiểu những người cùng cảnh ngộ. Giờ tôi chỉ hỗ trợ trong khả năng của mình mong dịch bệnh giảm nhanh để mọi người ổn định cuộc sống”, bà Bùi Thị Bên chia sẻ.
Vẫn những tấm lòng thiện lương cao cả, luôn hướng đến sự sẻ chia với những người có hoàn cảnh khó khăn trong đại dịch. Một trường hợp đặc biệt nữa, là bà Võ Thị Trọng là thương binh, nhưng vẫn dang tay giúp đỡ những người thuê trọ giảm tiền nhà, mua gạo chia cho từng phòng. Cứ vài ngày, bà Trọng lại mua thức ăn, rau quả, tặng miễn phí cho người thuê.
Bà Trọng cho biết, những người thuê phòng trọ để buôn bán nhỏ lẻ. Nay các chợ bị phong toả, bà đã hỗ trợ những gia đình đặc biệt khó khăn nợ tiền phòng, tiền điện, nước nhưng không có khả năng trả nợ.
Trong những người thuê đặc biệt ấy, có gia đình chị Danh Thị Chiều, dân tộc Khmer, quê Bạc Liêu thuê trọ nhiều năm được bà Trọng xem như con, cháu trong nhà. Chị Chiều có cuộc sống rất khó khăn, làm nghề may gia công, nhưng lại không biết chữ nên khi dịch bệnh kéo dài, khiến cuộc sống của chị vất vả hơn.
Hàng ngày, bà Trọng vẫn qua lại hỏi thăm, hỗ trợ gạo, thịt, cá, rau quả cho gia đình chị Chiều. Sống thuê trọ lâu năm, lại không còn người thân, chị Chiều xem bà Trọng như là người mẹ của mình vậy.
“Con cái, học hành mọi thứ mẹ con tôi đều nhờ bà Trọng lo hết. Nếu không có bà ấy giúp, chẳng biết mẹ con tôi sẽ sống ra sao”, chị Chiều tâm sự.
Cuộc chiến chống dại dịch Covid có lẽ còn kéo dài với bao khó khăn, vất vả. Trong cơn hoạn nạn dường như tình người ngày càng gắn kết và không ngừng lan toả. TP. Hồ Chí Minh có rất nhiều những con người, những hành động thiết thực, nghĩa tình như bà Tiên, bà Trọng, cô Bên. Những nghĩa cử đùm bọc, sẻ chia vẫn ngày đêm lan tỏa nhắc nhớ chúng ta biết trân trọng những gì đang có và sống có trách nhiệm hơn với cộng đồng.
(Nội dung thông tin, tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)