Trong khuôn khổ chương trình, tối ngày 1/8/2021 đã diễn ra chương trình nghệ thuật online mở màn với tên gọi “Cháy lên” tại 05 điểm cầu: Nhà hát Kịch Việt Nam, Nhà hát Nghệ thuật đương đại Việt Nam, Nhà hát Chèo Việt Nam, Liên đoàn Xiếc Việt Nam, Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam với nhiều tiết mục nghệ thuật đặc sắc thuộc các thể loại như nhạc nhẹ, chèo, xiếc...
Ban Tổ chức dự kiến sẽ tổ chức 12 chương trình nghệ thuật trong chùm các chương trình nghệ thuật online trong thời gian tới. Đồng thời sẽ có 24 chương trình nghệ thuật hoặc vở diễn là những tác phẩm xuất sắc của các đơn vị nghệ thuật sẽ được liên tục phát sóng trên các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam, VOV và một số đài phát thanh - truyền hình địa phương.
Các bài hát biểu diễn trong chương trình là các tác phẩm nổi tiếng, thể hiện tình yêu quê hương, đất nước. Đặc biệt, chương trình cũng giới thiệu những tác phẩm mới về các “chiến binh nhỏ”, về những y, bác sĩ với ý nghĩa gửi những lời chia sẻ đến các “chiến sĩ tuyến đầu” cùng các lực lượng khác đang ngày đêm chạy đua với thời gian thực hiện phòng, chống dịch Covid-19 và chăm lo chữa trị cho người bệnh.
Trực tiếp chỉ đạo thực hiện chương trình, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông cho biết: Chuỗi chương trình giao lưu nghệ thuật online với chủ đề “San sẻ yêu thương, vượt qua đại dịch” mang một ý nghĩa lớn, góp phần động viên kịp thời tinh thần lực lượng đang làm nhiệm vụ chống dịch và Nhân dân cả nước để chúng ta cùng nhau quyết tâm chiến thắng đại dịch. Trong bối cảnh này, giới văn nghệ sĩ vẫn có những hoạt động nghề nghiệp để cổ vũ tinh thần đại đoàn kết, triệu người như một, thống nhất ý chí và hành động, siết chặt tay nhau, phát huy trí thông minh, tính sáng tạo, ý chí kiên cường của người Việt Nam, nhất định chúng ta sẽ chiến thắng dịch bệnh.
Chuỗi chương trình giao lưu nghệ thuật online được thực hiện theo nhiều format khác nhau để hướng tới nhiều đối tượng người xem. Các nghệ sĩ không chỉ hát, chỉ diễn mà còn chia sẻ trao đổi những tâm tư, những quan điểm về chung tay phòng chống dịch cũng như làm nghề. Họ có thể biểu diễn tại phòng thu, tại nhà và dẫu ở khung cảnh nào thì vẫn phải phù hợp với yêu cầu phòng chống dịch.
Trước tình hình phức tạp của đại dịch, để không làm gián đoạn dòng chảy nghệ thuật biểu diễn nước nhà, cần có những chính sách, giải pháp hỗ trợ kịp thời để những người làm nghề yên tâm cống hiến. Xây dựng nhà hát trực tuyến trên mạng xã hội và truyền hình cùng những chương trình livestream là một hướng đi hiệu quả giúp nghệ thuật biểu diễn phát triển.