Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Đưa mắc ca thành cây chủ lực trong xóa đói giảm nghèo

Minh Thu - 08:08, 11/06/2024

Xác định mắc ca là cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo cho người dân, thời gian qua, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên đã đẩy mạnh tuyên truyền về chủ trương phát triển cây mắc ca. Đồng thời, vận động và hỗ trợ Nhân dân chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng mắc ca để phát triển kinh tế.

Cán bộ Phòng Dân tộc huyện Tuần Giáo hướng dẫn người dân kỹ thuật trồng, chăm sóc cây mắc ca
Cán bộ Phòng Dân tộc huyện Tuần Giáo hướng dẫn người dân kỹ thuật trồng, chăm sóc cây mắc ca

Mắc ca là cây trồng được đánh giá phù hợp với địa bàn của huyện, có thể giúp người dân xóa đói giảm nghèo và tiến tới làm giàu. Vì vậy, huyện xác định phát triển diện tích cây mắc ca trên địa bàn là chủ trương lớn, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của cả hệ thống chính trị.

Ông Lò Văn Cương Bí thư Huyện ủy Tuần Giáo

Bám sát chủ trương của Huyện ủy, chính quyền huyện Tuần Giáo đã tích cực tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây mắc ca. Huyện chú trọng mở các lớp tập huấn, hướng dẫn bà con kỹ thuật đào hố, trồng và chăm sóc cây mắc ca. Cùng với đó, thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, chương trình giảm nghèo bền vững, huyện đã triển khai hỗ trợ cây giống, phân bón để người dân mở rộng diện tích trồng mắc ca.

Như ở bản Pú Xi 1, xã Quài Tở, được cán bộ xã, huyện tận tình hướng dẫn, cuối năm 2023, gia đình ông Hờ A Lử, một trong 172 hộ gia đình đã hoàn thành trồng mới cây mắc ca; 100% cây mắc ca của gia đình với tỷ lệ cây sống hơn 90%. Theo chia sẻ của ông Hờ A Lử: Khi được cán bộ về tuyên truyền, hướng dẫn tận tình, ông và nhiều gia đình đã đăng ký, nhận cây mắc ca giống về trồng. Năm nay, gia đình ông Lử đăng ký trồng thêm khoảng 1,5ha cây mắc ca để phát triển kinh tế.

Người dân bản Xá Tự, xã Pú Nhung nhận phân bón hỗ trợ trồng mắc ca
Người dân bản Xá Tự, xã Pú Nhung nhận phân bón hỗ trợ trồng mắc ca

Với sự vào cuộc của các cấp chính quyền và sự đồng thuận của người dân, những năm gần đây, diện tích trồng mắc ca trên địa bàn huyện Tuần Giáo đã được mở rộng đáng kể. Năm 2022 huyện trồng mới được 150ha mắc ca; đến năm 2023 huyện trồng mới gần 1.700ha mắc ca với 2.800 hộ dân tham gia. Hiện nay, diện tích mắc ca trên toàn huyện đang sinh trưởng và phát triển tốt, tỷ lệ cây sống đạt trên 90%.

Huyện Tuần Giáo đặt mục tiêu đến hết năm 2025 sẽ có trên 8.000ha mắc ca, bình quân mỗi hộ dân sở hữu 100 cây mắc ca, tạo việc làm cho hàng chục nghìn lao động và đem lại thu nhập ổn định cho người dân. Năm 2024, huyện Tuần Giáo đã tuyên truyền, vận động được 5.500 hộ gia đình đăng ký trồng mắc ca, nâng tổng số hộ tham gia trồng mắc ca toàn huyện lên gần 8.000 hộ, chiếm gần 50% dân số làm nông nghiệp trên địa bàn.

Huyện phấn đấu đến hết tháng 6/2024 sẽ hoàn thành trồng mới 3.300ha mắc ca đảm bảo đúng kỹ thuật, thời vụ. Sau vụ trồng mới năm 2024, diện tích mắc ca trên địa bàn huyện sẽ nâng lên hơn 6.000ha, đưa Tuần Giáo thành địa phương có diện tích mắc ca lớn trong cả nước. Qua đó, tạo chuyển biến rõ rệt trong thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, tạo hướng xóa đói giảm nghèo, làm giàu bền vững cho người dân trên địa bàn huyện.

Các lực lượng huyện Tuần Giáo trong ngày hội ra quân trồng cây mắc ca hồi tháng 5/2024
Các lực lượng huyện Tuần Giáo trong ngày hội ra quân trồng cây mắc ca hồi tháng 5/2024

Theo ông Lò Văn Cương, Bí thư Huyện ủy Tuần Giáo: Cây mắc ca có tuổi đời hàng trăm năm, vừa có tác dụng phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, vừa mang lại giá trị kinh tế cao cho người trồng bởi nhu cầu thị trường lớn. Thu nhập từ cây mắc ca có thể đạt từ 120 - 130 triệu đồng/ha/năm, cao gấp nhiều lần so với trồng ngô, sắn. Mắc ca là cây trồng được đánh giá phù hợp với địa bàn của huyện, có thể giúp người dân xóa đói giảm nghèo và tiến tới làm giàu. Vì vậy, huyện xác định phát triển diện tích cây mắc ca trên địa bàn là chủ trương lớn, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở.

Với diện tích mắc ca đã trồng và sự đồng lòng, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, huyện Tuần Giáo sẽ thực hiện hiệu quả việc phát triển và mở rộng diện tích mắc ca, đưa mắc ca thành cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo cho người dân.

Để đảm bảo thị trường tiêu thụ, huyện Tuần Giáo đã ký biên bản ghi nhớ với Tập đoàn TH. Theo đó, huyện cam kết tạo mọi điều kiện theo quy định để Tập đoàn TH và các đơn vị thành viên triển khai thực hiện dự án trồng mắc ca trên địa bàn. Đổi lại, Tập đoàn TH cam kết bao tiêu toàn bộ sản phẩm quả mắc ca của huyện Tuần Giáo trong thời gian 50 năm. Cùng với đó, huyện Tuần Giáo mời các chuyên gia hướng dẫn xây dựng dữ liệu vùng trồng để khi cây mắc ca vào giai đoạn khép tán, phủ xanh đất trồng đồi núi trọc sẽ đồng thời đủ điều kiện hưởng dịch vụ môi trường rừng và đủ điều kiện tham gia thị trường tín chỉ carbon.






Tin cùng chuyên mục
Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ngày 22/11, tại TP. Phan Rang-Tháp Chàm, UBND tỉnh Ninh Thuận long trọng tổ chức Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024 với chủ đề: “Các dân tộc tỉnh Ninh Thuận đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững”. Đến dự có Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (UBDT) Nông Thị Hà; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Văn Hậu; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Minh Hoàng, lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố cùng 250 đại biểu đại diện cho gần 170.000 đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.