Dây là dịp huyện giới thiệu thương hiệu mắc ca Krông Năng, quảng bá tiềm năng, thế mạnh sản phẩm mắc ca của huyện. Đồng thời, giúp các nhà đầu tư, doanh nghiệp trên địa bàn huyện kết nối, hợp tác đầu tư với các doanh nghiệp lớn trong nước và trên thị trường thế giới. Từ đó, góp phần thực hiện thành công, hiệu quả phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, sạch, bền vững.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Vũ Văn Mỹ - Chủ tịch UBND huyện Krông Năng cho biết, Đắk Lắk nói chung, huyện Krông Năng nói riêng là một trong địa phương đủ điều kiện sinh thái, thổ nhưỡng và khí hậu phát triển trồng cây mắc ca. Mắc ca Krông Năng đã được Tổng cục Lâm nghiệp đầu tư trồng theo mô hình khảo nghiệm tại 2 xã Phú Lộc và Đliê Ya từ năm 2003 với hình thức xen canh trong vườn cà phê, diện tích khoảng 4ha.
“Sự kiện xuất khẩu chính ngạch mắc ca Krông Năng đầu tiên sang Nhật Bản ghi dấu đặc biệt, bắt đầu hành trình tự tin chinh phục người tiêu dùng tại thị trường quốc tế. Đây là kết quả của sự nỗ lực suốt thời gian dài của chính quyền và nông dân huyện Krông Năng”, Chủ tịch UBND huyện Krông Năng khẳng định.
Theo báo cáo, hiện nay toàn huyện Krông Năng có 2.363 ha diện tích cây mắc ca. Trong đó, diện tích cho sản phẩm khoảng hơn 1.000 ha, năng suất ước đạt 17,9 tạ/ha, sản lượng ước đạt hơn 1.700 tấn. Toàn huyện Krông Năng có trên 22 cơ sở sơ chế, chế biến đơn giản mắc ca. Các cơ sở này chủ yếu thực hiện tách hạt, sấy khô, đóng gói, hút ẩm và 1 cơ sở chế biến sâu hạt mắc ca, có sản phẩm Socola mắc ca; góp phần đẩy nhanh, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội của huyện.
Hơn nữa, sản phẩm mắc ca huyện Krông Năng đã được Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ cấp chứng nhận nhãn hiệu “Mắc ca Krông Năng”. Chất lượng hạt mắc ca của huyện được phân tích và đánh giá rất tốt. Trong đó, sản phẩm mắc ca của Công ty Cổ phần Damaca Nguyên Phương đã được Chi cục quản lý chất lượng nông, lâm và thủy sản Đắk Lắk cấp chứng nhận đủ vệ sinh an toàn thực phẩm, chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao và chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh năm 2021 và cấp khu vực năm 2022.
Ông Lưu Văn Khôi - Giám đốc Sở Công thương tỉnh Đắk Lắk cho biết: Mắc ca là sản phẩm không mới nhưng là một mặt hàng xuất khẩu mới của tỉnh Đắk Lắk trong những năm gần đây và được dự báo sẽ đóng góp một phần không nhỏ cho kim ngạch của tỉnh trong thời gian tới. Sự kiện xuất khẩu mắc ca chính ngạch đầu tiên tại huyện Krông Năng là niềm tự hào không chỉ của người trồng mắc ca huyện Krông Năng mà còn là niềm vui chung của tỉnh Đắk Lắk. Sự kiện có ý nghĩa rất quan trọng bởi Nhật Bản là một đối tác lớn trong các hiệp định thương mại tự do của Việt Nam.
Nhật Bản cũng là một trong những thị trường tiêu thụ mắc ca lớn trên thế giới hiện nay. Việc xuất khẩu chính ngạch thành công sản phẩm mắc ca sang thị trường Nhật Bản sẽ mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp của tỉnh Đắk Lắk nói chung và các doanh nghiệp huyện Krông Năng nói riêng tiếp cận các thị trường lớn trên thế giới. Đồng thời, giúp người nông dân thu được lợi nhuận cao hơn từ loại quả đặc sản được mệnh danh là “Nữ hoàng quả khô”.