Tham dự Hội nghị còn có đại diện lãnh đạo các Bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương, cộng đồng các doanh nghiệp, hộ gia đình tiêu biểu về trồng, chế bên, tiêu thụ sản phẩm mắc ca. Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT Hoàng Thị Hạnh cùng tham gia Hội nghị.
Theo báo cáo, sau 5 năm triển khai quy hoạch mắc ca, đến nay toàn quốc có 23 tỉnh trồng cây mắc ca, với diện tích hơn 16,5 nghìn ha. Trong đó, 9 tỉnh nằm trong quy hoạch ở 2 vùng Tây Bắc và Tây Nguyên có 15,4 nghìn ha. Về sản lượng, năm 2020 các tỉnh dự kiến thu hoạch gần 6,6 nghìn tấn hạt tươi, tăng gần 24,5 lần so với năm 2015. Ước tính hơn 4.000 tấn hạt sấy, trong đó 60% xuất khẩu, còn lại tiêu thụ trong nước. Hiện sản phẩm mắc ca đã xuất khẩu 2,4 nghìn tấn sản phẩm sấy/năm tới thị trường các nước Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ, Pháp…
Đánh giá về việc phát triển mắc ca, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, cây mắc ca đã có những tác động tích cực như: tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho khoảng 10 nghìn hộ gia đình nông thôn, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn, đưa mắc ca trở thành cây trồng có giá trị cao của ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, phát triển mắc ca cũng gặp nhiều khó khăn như: còn hiện tượng kinh doanh giống không nguồn gốc, chất lượng kém; việc tiếp cận, nắm bắt thị trường tiêu thụ sản phẩm còn hạn chế.
Trong thời gian tới, Bộ NN&PTNT, Hiệp hội Mắc ca Việt Nam cùng các địa phương tiếp tục phối hợp để thúc đẩy phát triển mắc ca bền vững. Đưa mắc ca trở thành một trong 20 cây trồng rừng chính, tăng diện tích vùng trồng tập trung, xây dựng thành một ngành hàng mới của nông nghiệp Việt Nam, phấn đấu đến 2030 đạt doanh thu 1 tỷ USD, trong đó xuất khẩu 600 triệu USD.
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao các nhà khoa học mang cây mắc ca về Việt Nam. Hơn 20 năm từ khi du nhập vào Việt Nam, Chính phủ và các Bộ ngành, địa phương đã quan tâm, có nhiều chính sách thúc đẩy hỗ trợ phát triển việc trồng, chế biến, thương mại và xuất khẩu; góp phần tạo công ăn việc làm và sinh kế cho người dân, nhất là đồng bào dân tộc vùng sâu, vùng xa.
Thủ tướng nhấn mạnh, phát triển mắc ca quan trọng nhất là giống cây phải đảm bảo. Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã công nhận được 13 giống mắc ca đưa vào sản xuất. Trên thực tế, vẫn còn tình trạng giống cây kém chất lượng, nhiều nông dân gặp phải giống cây không ra được trái. Do vậy, thời gian tới, có thể phát triển tập trung, nhưng cần sự phối hợp đồng bộ của các nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp và nông dân, làm sao để vừa phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường và an sinh xã hội.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhiệt liệt hoan nghênh Bộ NN&PTNT đã phối hợp với UBND tỉnh Đăk Lăk, Hiệp hội Mắc ca Việt Nam và các Bộ, ngành, địa phương đã tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả 5 năm phát triển cây mắc ca tại Việt Nam. Đồng thời yêu cầu, Bộ NN&PTNT, các nhà Khoa học, Hiệp hội mắc ca phải phối hợp nghiên cứu làm sao để mắc ca phát triển xứng tầm tiềm năng của Việt Nam.
“Cây mắc ca không chỉ là cây phát triển kinh tế mà còn vô cùng có ý nghĩa đặc biệt vì có thể phát triển ở vùng sâu, vùng xa, vùng DTTS. Vì vậy, các bộ ngành cần quy hoạch tiểu vùng trồng mắc ca, cùng với thúc đẩy chế biến sâu, đầu tư khoa học công nghệ”, Thủ tướng nói.
Thủ tướng đánh giá, 2 vùng có thể phát triển ổn định mắc ca đó là Tây Nguyên và Tây Bắc, còn những vùng khác cần xem xét, thí điểm; Yêu cầu Bộ NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các Bộ ngành liên quan tập trung rà soát, hoàn thiện cơ chế chính sách cho phát triển mắc ca.