Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Đồng Nai: Tìm giải pháp nâng cao hoạt động văn hóa phi vật thể của đồng bào DTTS

Tùng Nguyên - 10:51, 09/12/2024

Đổi mới cơ chế, chính sách, đầu tư, khuyến khích cộng đồng tham gia gìn giữ, bảo vệ, phục hồi và phát huy di sản văn hóa phi vật thể của các DTTS là những việc làm cần thiết. Đây là góp ý của các chuyên gia tại Hội thảo khoa học “Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể các DTTS ở Đồng Nai trong bối cảnh hiện nay” được tổ chức đầu tháng 12 vừa qua.

Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử tỉnh Đồng Nai Trần Quang Toại phát biểu tại Hội thảo khoa học “Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể các DTTS ở Đồng Nai trong bối cảnh hiện nay” do Bảo tàng tỉnh Đồng Nai tổ chức ngày 06/12/2024.
Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử tỉnh Đồng Nai Trần Quang Toại phát biểu tại Hội thảo khoa học “Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể các DTTS ở Đồng Nai trong bối cảnh hiện nay” do Bảo tàng tỉnh Đồng Nai tổ chức ngày 06/12/2024.

Hội thảo khoa học “Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể các DTTS ở Đồng Nai trong bối cảnh hiện nay” do Bảo tàng tỉnh Đồng Nai tổ chức ngày 06/12/2024. Hội thảo là hoạt động quan trọng nhằm góp phần gìn giữ, bảo tồn, hạn chế sự mai một và nâng cao hoạt động văn hóa phi vật thể của đồng bào DTTS trong xu thế phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, kết hợp khai thác và phát triển du lịch di sản, đem lại lợi ích cho cộng đồng.

Tại hội thảo, theo Giám đốc Bảo tàng Đồng Nai Nguyễn Việt Sơn, ở Đồng Nai có đa thành phần, đa hệ, đa nguồn và đa dạng di sản văn hóa phi vật thể. Có đờn ca tài tử vốn là bộ phận cấu thành di sản đờn ca tài tử Nam Bộ đã được UNESCO vinh danh di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại năm 2013; đồng thời có nhiều loại hình di sản văn hóa phi vật thể đồng dạng với các di sản đã được đưa vào danh sách văn hóa phi vật thể quốc gia như ở nhiều nơi khác.

Đối với di sản văn hóa phi vật thể của đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh, có thể kể đến như: Lễ hội Lồng Tồng (người Tày ở Lý Lịch, huyện Tân Phú); nghề dệt thổ cẩm người Mạ (Tà Lài, huyện Tân Phú); nghề đúc gang (Thạnh Phú, huyện Tân Phú); nghề làm rượu cần người Mường (ở Tân Lập, Phú Túc, huyện Định Quán); nghề làm bánh tráng Thạnh Phú (ở Vĩnh Cửu); các món ẩm thực như: Canh bồi người Chơro, canh thụt người S’tiêng, cháo môn lươn Bà Đốc (ở Hiệp Hòa, Biên Hòa),…

Tại hội thảo, Ban tổ chức đã nhận được 16 bài tham luận với nội dung phong phú và đa dạng. Các tham luận được chia làm 2 nhóm nội dung: Nhóm nghiên cứu khái quát về hệ thống di sản văn hóa phi vật thể các DTTS và nhóm nghiên cứu về loại hình di sản văn hóa phi vật thể các DTTS ở Đồng Nai.

Giám đốc Bảo tàng Đồng Nai phát biểu tại Hội thảo khoa học “Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể các DTTS ở Đồng Nai trong bối cảnh hiện nay”.
Giám đốc Bảo tàng Đồng Nai phát biểu tại Hội thảo khoa học “Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể các DTTS ở Đồng Nai trong bối cảnh hiện nay”.

Nhiều ý kiến các chuyên gia tại hội thảo đã khẳng định, di sản văn hóa phi vật thể không thể tách rời môi trường vật thể; việc tái hiện các hoạt động vật chất để tạo điều kiện cho di sản văn hóa phi vật thể có môi trường sống là nội dung quan trọng.

Như trường hợp nghề dệt thổ cẩm của người Mạ ở Tà Lài (huyện Tân Phú). Hiện nay, nghề dệt còn, nghệ nhân còn, nhưng sản phẩm dệt khó bán, cần đến sự phát triển về mẫu mã hàng tiêu dùng và các chính sách khuyến nghệ, bảo hộ sản phẩm, như nhiều nơi khác đã làm được.

Các chuyên gia cũng lưu ý, hiện chủ trương và giải pháp tôn vinh, phát huy nghệ nhân và công tác truyền nghề là việc còn thiếu và yếu ở Đồng Nai. Đối với di sản văn hóa phi vật thể, nghệ nhân là hồn cốt của di sản, việc thực hành nghề và truyền nghề thường bằng thực hành, kinh nghiệm, truyền khẩu, không bằng giáo trình giáo án và bằng cấp chuyên môn như thông thường, cho nên công tác khuyến nghệ, tôn vinh nghệ nhân, chú trọng việc truyền nghề là rất quan trọng, cần thiết và đặc thù…

Ghi nhận những ý kiến đóng góp của các đại biểu tại hội thảo, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử tỉnh Đồng Nai Trần Quang Toại cho biết, Ban tổ chức sẽ tổng hợp các ý kiến để tham mưu cho lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tham mưu UBND tỉnh về định hướng gìn giữ, khôi phục và phát huy các giá trị của di sản một cách hiệu quả. Qua đó, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội và văn hóa của Đồng Nai ngày một phát triển theo tinh thần Nghị quyết số 12-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XI) về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, con người Đồng Nai trở thành nguồn lực, động lực quan trọng cho phát triển toàn diện và bền vững.