Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Làng văn hóa ở ngã ba biên giới

Tiêu Dao - 17:53, 12/12/2024

Cách trung tâm huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum chừng 15km về phía Bắc, làng Đăk Răng, xã Đăk Dục có gần 120 hộ với 348 nhân khẩu, trong đó 99% dân số là người Giẻ Triêng sinh sống. Vào những ngày cuối tuần, tiếng cồng chiêng, tiếng hát xoang rộn rã, cuốn hút các đoàn khách đến thăm.

Ngôi làng Đăk Răng của đồng bào Giẻ Triêng vẫn gìn giữ được nhiều nét văn hóa truyền thống độc đáo.
Ngôi làng Đăk Răng của đồng bào Giẻ Triêng vẫn gìn giữ được nhiều nét văn hóa truyền thống độc đáo.

Trong ngôi làng biên giới

Già làng A Brôl Vẻ vui mừng đón những người khách lạ về làng mình như đón những đứa con của buôn làng đi xa lâu ngày trở lại. Những tay bắt mặt mừng, những nụ cười nồng ấm, những ánh mắt ấm áp thương yêu và cả những lời chào chân thành, giản dị. Người ở cao nguyên bao đời vẫn thế, họ mến khách và chân chất như cây rừng, phóng khoáng như gió núi, thật thà như dòng suối chảy, mộc mạc như đất, như rừng...

Bao đời đã đi qua trên mảnh đất này, con người ở đó kiên trung như đại ngàn Trường Sơn, ấm áp như lửa hồng. Trai gái trong làng cần mẫn làm rượu cần, dệt thổ cẩm, chế tác các loại nhạc cụ độc đáo. Họ giữ cho làng mình các hoạt động văn hóa cồng chiêng, múa xoang và một số lễ hội truyền thống như Lễ hội Cha chah (Lễ ăn than), Lễ ăn trâu… Ở cái tuổi 77, già làng, Nghệ nhân ưu tú A Brôl Vẻ mái tóc đã bạc trắng theo thời gian nhưng đôi mắt vẫn tinh anh, đôi tay thoăn thoắt, giọng hát mượt mà. Già vẫn nhớ vanh vách những luật tục, những nét văn hóa ngàn đời của cha ông. Thời trai trẻ xông pha đánh giặc, đến tuổi xế chiều, già A Brôl Vẻ thích làm du lịch, thích dạy cho bọn trẻ biết nhiều bài hát, điệu khèn, tiếng sáo, cồng chiêng… để giữ gìn bản sắc văn hóa của người Giẻ Triêng.

Nhờ sự “truyền lửa” của các nghệ nhân, 2 đội nghệ nhân già và trẻ đều phát huy
Nhờ sự “truyền lửa” của các nghệ nhân, 2 đội nghệ nhân già và trẻ đều phát huy

Dẫu cơn lốc văn minh và sự đô thị hóa tràn ngập các ngõ ngách cuộc sống, nhưng đồng bào nơi đây vẫn giữ nếp cũ. Làng thành lập 2 đội nghệ nhân để giữ lại tiếng cồng, tiếng chiêng với những điệu múa xoang mềm mại, uyển chuyển. Ngày trước, già làng A Brol Vẻ và già Bloong Lê đã vận động bà con thành lập 2 đội nghệ nhân già và trẻ. Nhờ các nghệ nhân “truyền lửa”, đến nay, 2 đội nghệ nhân phát triển mạnh. Già trẻ, gái trai cùng hăng say tập luyện, giao lưu văn hóa với các dân tộc khác ở trong và ngoài tỉnh. Người làng Đăk Răng còn tham gia ngày hội văn hóa, thể thao các dân tộc, liên hoan văn hóa cồng chiêng, liên hoan dân ca dân vũ với quy mô khác nhau… Các hoạt động này đã góp phần quan trọng vào việc bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa dân tộc Giẻ Triêng.

Điệu múa chào mừng khách của thiếu nữ Giẻ Triêng.
Điệu múa chào mừng khách của thiếu nữ Giẻ Triêng.

Một điều đặc biệt là già A Brol Vẻ sử dụng và chế tác được 15 loại nhạc cụ khác nhau. Để giữ gìn bản sắc, già đã mở nhiều lớp dạy chế tác nhạc cụ, thổi sáo, đánh chiêng… cho thanh niên trong làng theo học. Già đã 3 lần ra Hà Nội và 1 lần vào TP. Hồ Chí Minh để biểu diễn trong các lễ hội lớn.

Trong ngôi làng Đăk Răng, cứ 1 tháng 2 lần, đội nghệ nhân nam, nữ với khoảng 50 người trong sắc phục truyền thống cùng ôn lại những bài múa xoang, cồng chiêng và sáng tác thêm những điệu múa mới, để thanh âm vang vọng núi rừng. Không có tiền, cả làng chắt chiu góp tiền, góp thóc mua bộ cồng chiêng để tiếng cồng chiêng vang xa. Hầu hết người trong làng hôm nay đều một lòng gìn giữ, nối truyền, đồng thời tiếp tục duy trì những lễ hội, phong tục, tập quán tốt đẹp.

Thổ cẩm đặc sắc của thiếu nữ Giẻ Triêng tại làng Đăk Răng.
Trang phục thổ cẩm đặc sắc của thiếu nữ Giẻ Triêng tại làng Đăk Răng.

Sức sống từ văn hóa

Đăk Răng thu hút du khách bởi nét tinh túy văn hóa truyền thống. Nhiều người đến đây tìm thấy sự yên bình từ những con người thật thà, chất phác, được đắm mình trong tiếng cồng, tiếng chiêng của các đội nghệ nhân, được chiêm ngưỡng những nhạc cụ, trang phục truyền thống dưới mái nhà Rông lợp tranh mát rượi, được thưởng thức những món ẩm thực truyền thống và được hòa mình trong tiếng dân ca Giẻ Triêng réo rắt. Trên đường làng, trong trang phục truyền thống, trai đánh cồng chiêng, gái múa xoang, cả làng như vào hội.

Già làng, Nghệ nhân Ưu tú A Brôl Vẻ tận tụy bảo tồn văn hóa dân tộc mình.
Già làng, Nghệ nhân Ưu tú A Brôl Vẻ tận tụy bảo tồn văn hóa dân tộc mình.

Có một điều đáng mừng là ở Đăk Răng, đi từ đầu đến cuối làng, hầu như nhà nào cũng có khung cửi, những tấm thổ cẩm nhiều màu sắc. Nhiều phụ nữ Giẻ Triêng như bà Y Ngói, Y Giỏ, Y Pleor, Y Ngân… dù lớn tuổi nhưng ngày ngày vẫn miệt mài bên khung cửi dệt từng tấm thổ cẩm. Đến ngày hội, từ già trẻ, gái trai đều “khoe sắc” trong những bộ thổ cẩm rực rỡ. Làng Đăk Răng hiện có khoảng 30 phụ nữ duy trì thường xuyên nghề dệt thổ cẩm. Hiện nay, trong tổ có 2 nghệ nhân chính truyền dạy dệt thổ cẩm cho thế hệ trẻ là nghệ nhân Y Ngân và Y Gió. Ngoài 2 nghệ nhân phụ trách chính, làng còn mời thêm một số nghệ nhân dệt thổ cẩm lớn tuổi, có tay nghề cùng đến để truyền dạy cho lớp thanh niên trong làng.

Làng du lịch cộng đồng Đăk Răng vẫn còn lưu giữ những nét văn hóa độc đáo của dân tộc Giẻ Triêng.
Làng du lịch cộng đồng Đăk Răng vẫn còn lưu giữ những nét văn hóa độc đáo của dân tộc Giẻ Triêng.

Ông Hiêng Lăng Thắng, Chủ tịch UBND xã Đăk Dục chia sẻ, để phát triển du lịch hiệu quả, một số hộ gia đình có điều kiện đã xây dựng mô hình homestay và hướng dẫn du khách tham quan các hoạt động văn hóa tại làng. Chính quyền xã Đăk Dục cũng hỗ trợ, khuyến khích người dân xây dựng mô hình du lịch cộng đồng, dịch vụ trải nghiệm hoạt động sản xuất nông nghiệp, nông thôn. Thời gian tới, sẽ tiếp tục tập trung khai thác các thế mạnh về sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống như đan lát, tạc tượng, dệt thổ cẩm. Đồng thời kiến nghị cấp trên hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ khai thác du lịch.

Để giữ gìn và bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống, làng Đăk Răng đã thành lập tổ nghệ nhân do già Brôl Vẻ làm Tổ trưởng, thu hút 30 thành viên tham gia, gồm nghệ nhân cồng chiêng, chế tác nhạc cụ truyền thống, tạc tượng, dệt thổ cẩm. Ngoài tham gia các sự kiện, lễ hội văn hóa, Tổ nghệ nhân làng Đăk Răng còn truyền dạy văn hóa dân gian của người Giẻ Triêng cho thế hệ trẻ trong làng.