Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Hòa Bình: Đánh thức tiềm năng lòng hồ để phát triển du lịch

Lê Anh - 23:08, 09/12/2024

Lòng hồ Hòa Bình, món quà kỳ diệu của thiên nhiên, đang mở ra cơ hội để huyện Đà Bắc – một địa phương từng được xem là "đi sau" trên bản đồ du lịch – có hướng phát triển mới. Bằng cách giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống và bảo tồn cảnh quan thiên nhiên, nơi đây ngày càng thu hút đông đảo du khách đến tham quan và trải nghiệm.

Khu nghỉ dưỡng cao cấp bên hồ Hòa Bình
Khu nghỉ dưỡng cao cấp bên hồ Hòa Bình

Đà Bắc - Điểm đến mới đầy hấp dẫn

Dù chưa thực sự nổi danh, những cái tên, như: Bản Sưng, Đá Bia, đền Chúa Thác Bờ cùng các khu nghỉ dưỡng cao cấp như Mơ Village, Vayang Retreat, Maida Lodge hay Xoan Retreat đang trở thành điểm sáng trên bản đồ du lịch. Các địa danh này không chỉ thu hút du khách bởi vẻ đẹp nguyên sơ mà còn nhờ sự hòa quyện giữa văn hóa truyền thống và các dịch vụ hiện đại.

Bà Bàn Kim Quy, Phó Chủ tịch UBND huyện Đà Bắc, cho biết, địa phương không chạy theo phát triển ồ ạt mà ưu tiên phát huy tiềm năng văn hóa, nông nghiệp và môi trường sinh thái. Đà Bắc chuyển từ sản xuất nông nghiệp thuần túy sang phát triển kinh tế nông nghiệp tích hợp với du lịch, nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân.

Hiện nay, huyện Đà Bắc tập trung xây dựng các mô hình du lịch cộng đồng tại những bản làng theo quy hoạch, hỗ trợ kỹ năng làm du lịch cho người dân, đồng thời khôi phục và bảo tồn văn hóa truyền thống để phát triển du lịch bền vững.

Theo bà Quy, huyện Đà Bắc hiện có 30 cơ sở lưu trú, bao gồm 18 homestay và một khách sạn đạt tiêu chuẩn 2 sao. Năm 2023, Đà Bắc đón khoảng 170.100 lượt khách, mang lại doanh thu hơn 80 tỷ đồng. Địa phương đặt mục tiêu đến năm 2025 đón trên 550.000 lượt khách với doanh thu 165 tỷ đồng, và đến năm 2030 đạt trên 660.000 lượt khách, doanh thu kỳ vọng đạt 198 tỷ đồng.

Những con số ấn tượng này thể hiện tiềm năng lớn của Đà Bắc trong việc khai thác vẻ đẹp lòng hồ Hòa Bình, để phát triển kinh tế. Huyện cũng đang xây dựng hàng loạt khu nghỉ dưỡng đẳng cấp tại các xã ven hồ và trên các đảo nhỏ, hứa hẹn tạo ra sức hút lớn đối với du khách.

Định hướng phát triển du lịch hồ Hòa Bình

Lòng hồ Hòa Bình bắt đầu từ TP. Hòa Bình kéo dài lên phía Tây qua các huyện Đà Bắc, Cao Phong, Tân Lạc và Mai Châu. Đây là điều kiện lý tưởng, để Nhân dân và các doanh nghiệp xây dựng các khu nghỉ dưỡng dọc lòng hồ. Xóm Đá Bia (xã Tiền Phong, huyện Đà Bắc) đã hình thành cả một làng làm du lịch. Nhân dân người Mường đã khéo léo dựng lên xóm du lịch hấp dẫn. Mỗi năm, nơi này thu hút hàng nghìn lượt du khách đến trải nghiệm. Hiện nay, huyện Đà Bắc có cả trăm homestay được tạo lập. Dọc bờ tả hồ thủy điện Hòa Bình, tại các xã Đoàn Kết, Vầy Nưa (huyện Đà Bắc) hay ở các đảo nhỏ, nhiều doanh nghiệp và người dân đã, đang xây dựng những khu nghỉ dưỡng đẳng cấp.

Vẻ đẹp của Hồ Hòa Bình
Vẻ đẹp của Hồ Hòa Bình

Theo ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hòa Bình, hồ Hòa Bình đang được phát triển để trở thành khu du lịch quốc gia vào năm 2030. Hiện tại, tỉnh đã cấp phép hoặc chứng nhận đầu tư cho 16 dự án liên quan đến dịch vụ, văn hóa và du lịch, với tổng nguồn vốn trên 3.300 tỷ đồng.

Các dự án này không chỉ đáp ứng nhu cầu nghỉ dưỡng, giải trí mà còn tập trung bảo tồn văn hóa bản địa, phát triển du lịch tâm linh, ẩm thực và các dịch vụ du lịch gắn liền với bảo vệ môi trường. Tỉnh cũng chú trọng cải thiện hạ tầng giao thông, cảng du lịch, bến thuyền và hệ thống thông tin liên lạc để tạo điều kiện cho du lịch phát triển mạnh mẽ hơn.

Với mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế trọng điểm, Hòa Bình tập trung phát triển các sản phẩm du lịch chất lượng cao gắn với đặc trưng văn hóa, thiên nhiên vùng hồ. Những homestay đậm chất bản địa, các khu nghỉ dưỡng cao cấp và những trải nghiệm văn hóa độc đáo đang dần khẳng định lòng hồ Hòa Bình là điểm đến không thể bỏ qua của du lịch Việt Nam.

Hồ Hòa Bình không chỉ là biểu tượng của sự kết hợp hài hòa giữa thiên nhiên và văn hóa mà còn là điểm tựa để các cộng đồng địa phương vươn lên mạnh mẽ, xây dựng một mô hình phát triển bền vững, giàu bản sắc và tràn đầy tiềm năng.

Theo Sở Văn hóa Thể Thao và Du lịch tỉnh Hòa Bình, trong 6 tháng đầu năm nay, tỉnh đón khoảng 2,6 triệu lượt khách, tăng 9,9% so với cùng kỳ năm trước, đạt 61,9% kế hoạch. Tổng thu từ khách du lịch đạt 2.689 tỷ đồng, tăng 29,8% so với cùng kỳ năm trước, đạt 58,5% kế hoạch năm.

Ông Lưu Huy Linh - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể Thao và Du lịch tỉnh Hòa Bình - cho biết, hiện nay, tỉnh đang tập trung phát triển khu du lịch hồ Hòa Bình thành khu du lịch quốc gia. Theo đó, tỉnh tập trung lãnh đạo các sở, ngành, cơ quan chức năng tiếp tục đầu tư về hạ tầng nhất là đường giao thông, điện nước, vệ sinh… Đối với các nhà đầu tư, tỉnh cũng đang tiếp tục xây dựng cơ chế chính sách để khuyến khích, thu hút đầu tư đối với khu vực hồ Hòa Bình, đặc biệt là phát triển các sản phẩm du lịch có chất lượng cao, gắn với du lịch sinh thái vùng hồ như homestay, khu nghỉ dưỡng, các món ăn bản địa…