Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Đồng Nai: Quan tâm bảo tồn phát huy giá trị văn hóa truyền thống đồng bào các DTTS

Khánh Thi - 13:47, 29/10/2024

Với sự quan tâm sát sao của Đảng bộ, chính quyền tỉnh Đồng Nai và ngành công tác dân tộc, trong nhiều năm qua công tác bảo tồn, phát triển văn hóa truyền thống đồng bào các DTTS trên địa bàn toàn tỉnh luôn được giữ gìn, phát huy trong đời sống cộng đồng, qua đó đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.

Lễ hội Sayangva (mừng lúa mới) của đồng bào dân tộc Chơ Ro được tỉnh Đồng Nai lập hồ sơ đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Lễ hội Sayangva (mừng lúa mới) của đồng bào dân tộc Chơ Ro được tỉnh Đồng Nai lập hồ sơ đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Lưu giữ văn hóa truyền thống

Đồng Nai là một trong những địa phương có đông thành phần dân tộc anh em (trên 50 dân tộc) cùng sinh sống; trong đó, đồng bào DTTS có khoảng 200 nghìn người, chiếm khoảng 6,42% dân số của tỉnh. Mỗi DTTS đều có những lễ hội, phong tục, tập quán riêng, tạo nên bức tranh đa dạng về văn hóa.

Trên địa bàn tỉnh có nhiều lễ hội rất độc đáo của đồng bào các DTTS. Có thể kể đến như: Lễ hội Sayangva (mừng lúa mới) và Sayangbri (cúng Thần rừng) của đồng bào Chơ Ro; Lễ cúng Yang - Bơnơm (cúng Thần núi) của đồng bào Mạ; tháng Ramadan của đồng bào Chăm; Tết Chôl Chnăm Thmây của đồng bào Khmer; lễ hội Lồng Tồng của đồng bào Tày; lễ vía Quan Thánh Đế Quân của đồng bào Hoa...

Theo ông Nguyễn Văn Khang, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Đồng Nai, những năm qua, tỉnh đã quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện để đồng bào các dân tộc tổ chức lễ hội truyền thống, từ đó tạo không khí tươi vui, đoàn kết tại các địa phương. Đồng thời, từ các chương trình, chính sách dân tộc, tỉnh đã chú trọng hỗ trợ bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các DTTS.

Theo đó, tỉnh đã đầu tư, đưa vào sử dụng 15 nhà văn hóa dân tộc Xtiêng, Chơ Ro, Mạ, Chăm, Mường... thuộc 6 huyện nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cộng đồng, duy trì và bảo lưu các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc. Tại các Nhà văn hóa dân tộc và những nơi có đông đồng bào DTTS sinh sống, tỉnh đã bố trí kinh phí trang bị 16 bộ cồng, 15 bộ chiêng, 8 bộ trống, 3 bộ chập chạ, 2 bộ ngũ âm... Đây là những điều kiện quan trọng để tổ chức trình diễn các lễ hội văn hóa, tín ngưỡng dân gian của đồng bào DTTS.

Báo cáo của Ban Dân tộc tỉnh Đồng Nai cho thấy, hiện 170/170 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã có trung tâm học tập cộng đồng. Phong trào xây dựng gia đình văn hóa vùng đồng bào DTTS của tỉnh cũng được đẩy mạnh. Đến nay, 98% các gia đình đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh đạt chuẩn gia đình văn hóa.

Nhà Văn hóa các dân tộc có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc xây dựng đời sống tinh thần của đồng bào các DTTS tỉnh Đồng Nai. (Trong ảnh: Nhà Văn hóa các dân tộc xã Tà Lài, huyện Tân Phú được đầu tư xây dựng khang trang).
Nhà Văn hóa các dân tộc có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc xây dựng đời sống tinh thần của đồng bào các DTTS tỉnh Đồng Nai. (Trong ảnh: Nhà Văn hóa các dân tộc xã Tà Lài, huyện Tân Phú được đầu tư xây dựng khang trang)

Phát huy giá trị trong đời sống đương đại

Theo Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Đồng Nai Nguyễn Văn Khang, bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào các DTTS chỉ thực sự được gìn giữ và trao truyền khi nó được phát huy giá trị trong đời sống đương đại; nhất là khi các bản sắc văn hóa đó được hòa vào dòng chảy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Giai đoạn 2019 - 2024, tỉnh Đồng Nai đã sưu tầm và lưu giữ hơn 384 hiện vật văn hóa vật thể của các DTTS trên địa bàn tỉnh. Tỉnh cũng đã hoàn thành công tác kiểm kê lễ hội truyền thống các dân tộc trên địa bàn các huyện: Xuân Lộc, Định Quán, Tân Phú, Thống Nhất, Cẩm Mỹ; lập hồ sơ khoa học Lễ hội Chùa Ông (dân tộc Hoa) và Lễ hội Sayangva (dân tộc Chơ Ro) đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Triển khai Dự án 6 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, các hoạt động văn hóa, thể thao trong các lễ hội truyền thống được các địa phương tổ chức gắn với quảng bá du lịch, giới thiệu hình ảnh quê hương, con người Đồng Nai. Một số địa phương đã thực hiện có hiệu quả mô hình phát triển du lịch thông qua các giá trị văn hóa của đồng bào DTTS.

Một trong những hoạt động vừa nhằm bảo tồn văn hóa truyền thống của đồng bào các DTTS, vừa phát huy, quảng bá vùng đất và con người Đồng Nai được tỉnh tổ chức thường niên là Ngày hội Văn hóa - Thể thao các DTTS cả ở cấp huyện và cấp tỉnh. Nhưng từ năm 2019, do một số nguyên nhân và ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, hoạt động này đã bị gián đoạn cho đến nay.

Do vậy, đồng bào các dân tộc tỉnh Đồng Nai rất phấn khởi khi cuối tháng 10 vừa qua, Đồng Nai tiếp tục tổ chức Ngày hội Văn hóa - Thể thao các DTTS tỉnh lần thứ V năm 2024. Đây cũng là sự kiện trong chuỗi các hoạt động được ngành công tác dân tộc tỉnh tổ chức để chào mừng Đại hội đại biểu các DTTS tỉnh Đồng Nai lần thứ IV - năm 2024.

Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Đồng Nai, ông Nguyễn Văn Khang cho biết, sự kiện là dịp để giao lưu, trao đổi, giới thiệu những đặc trưng văn hóa độc đáo, giàu bản sắc giữa các DTTS trên địa bàn tỉnh; đồng thời tạo điều kiện để đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh tham gia giao lưu hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, góp phần nâng cao sức khỏe, tăng cường thể lực, đáp ứng tinh thần vui chơi giải trí, khơi dậy phong trào văn nghệ, thể thao của tỉnh.

Tin cùng chuyên mục
Nghệ An: Nỗ lực cho công tác xóa mù chữ để đồng bào thay đổi nếp nghĩ, cách làm

Nghệ An: Nỗ lực cho công tác xóa mù chữ để đồng bào thay đổi nếp nghĩ, cách làm

Năm 2022, Nghệ An được công nhận đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2, đây là tiền đề quan trọng để địa phương tiếp tục có những bước đi vững chắc trong công tác xóa mù chữ. Tuy nhiên, với điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn, nhận thức của một bộ phận người dân còn hạn chế, địa bàn cách trở… đang là những trở ngại đối với công tác xóa mù chữ, đòi hỏi tỉnh Nghệ An có những giải pháp phù hợp.