Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Ia H’Drai (Kon Tum): Hỗ trợ sinh kế theo nhu cầu, phù hợp với điều kiện hộ nghèo

Ngọc Chí - 17:31, 28/10/2024

Với phương châm hỗ trợ sinh kế cho người dân theo nhu cầu, những năm qua, huyện Ia H’Drai (Kon Tum) đã triển khai hiệu quả nguồn vốn đầu tư từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: Từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719). Với cách làm thiết thực đã tạo được sự đồng thuận cao trong Nhân dân và các mô hình đang từng bước phát huy hiệu quả.

Người dân huyện Ia H’Drai phấn khởi khi nhận bò hỗ trợ từ Chương trình MTQG 1719
Từ phương châm hỗ trợ sinh kế theo nhu cầu, nhiều hộ dân huyện Ia H’Drai đã đăng ký nhận bò sinh sản hỗ trợ từ Chương trình MTQG 1719

Hỗ trợ theo nhu cầu

Giữa cái nắng nóng ở vùng biên biên giới Ia H’Drai trong những ngày đầu tháng 10/2024, 13 hộ đồng bào DTTS ở thôn 3, xã Ia Đal đã tập trung tại Hội trường thôn để nhận bò cái sinh sản được hỗ trợ từ nguồn vốn của Chương trình MTQG 1719. Ai nấy đều phấn khởi chờ đến lượt bốc thăm nhận bò.

Chị Nông Thị Hương (dân tộc Tày), thôn 3, xã Ia Đal, huyện Ia H’Drai chia sẻ: "Đầu năm 2024, UBND xã có xuống họp thôn và triển khai các mô hình hỗ trợ sinh kế, tôi lựa chọn hình thức được hỗ trợ bò cái sinh sản. Khi họp thì cán bộ xã thông báo rõ cho người dân về mức hỗ trợ, khoản hoàn trả, tôi cũng làm chuồng, trồng cỏ. Hôm nay nhận bò thì may mắn bốc thăm nhận được cả bò mẹ và bò con nên tôi rất vui. Tôi sẽ cố gắng chăm sóc để bò phát triển tốt, sau này mang lại nguồn thu nhập cho gia đình".

Ông Lê Văn Hào (bên trái) – Bí thư Chi bộ kiêm Thôn trưởng thôn 3, xã Ia Đal, huyện Ia H’Drai trao đổi với người dân trước khi nhận bò hỗ trợ
Ông Lê Văn Hào (bên trái) – Bí thư Chi bộ kiêm Thôn trưởng thôn 3, xã Ia Đal, huyện Ia H’Drai trao đổi, thống nhất cam kết với người dân trước khi nhận bò hỗ trợ

Vừa đảm nhiệm việc kiểm tra chất lượng đàn bò cấp cho các hộ dân; và tổ chức cho các hộ dân bốc thăm để nhận bò, ông Lê Văn Hào, Bí thư Chi bộ kiêm Thôn trưởng thôn 3, xã Ia Đal, huyện Ia H’Drai chia sẻ: Năm 2024 này, thôn có 13 hộ được hỗ trợ sinh kế theo Chương trình MTQG 1719, khi họp thôn chúng tôi cũng lấy ý kiến của người dân, họ muốn nhận hỗ trợ gì thì ghi nhận. 

Qua lấy ý kiến các hộ đều thống nhất, chọn hỗ trợ bò cái sinh sản, vì phù hợp với điều kiện chăn nuôi, công việc làm công nhân của họ. Trước khi cấp bò, xã phối hợp với thôn đi kiểm tra người dân làm chuồng trại chưa, trồng cỏ chưa, đảm bảo điều kiện mới cấp. Khi đơn vị cung ứng cấp bò thì người dân được kiểm tra bò đảm bảo các điều kiện mới nhận về chăn nuôi.

Triển khai thực hiện Tiểu dự án 2, Dự án 3, Chương trình MTQG 1719, trong những năm qua, UBND huyện Ia H’Drai đã chỉ đạo UBND các xã khi triển khai thực hiện hỗ trợ sinh kế, thì tuyên truyền, định hướng người dân lựa chọn hình thức hỗ trợ cây, con phù hợp với điều kiện thỗ nhưỡng, khí hậu của địa phương, với phương châm hỗ trợ theo nhu cầu của người dân. Qua đó, người dân cũng nhận thức được việc lựa chọn cây trồng, vật nuôi hỗ trợ sẽ quyết định sự thành công của gia đình sau này, phần lớn các hộ chọn nhận hỗ trợ bò, hươu và dê sinh sản.

Nhiều hộ nghèo trên địa bàn huyện Ia H’Drai đăng ký nhận hỗ trợ hươu, vì đây là mô hình đang mang lại hiệu quả kinh tế cao
Nhiều hộ nghèo trên địa bàn huyện Ia H’Drai đăng ký nhận hỗ trợ hươu, vì đây là mô hình đang mang lại hiệu quả kinh tế cao

Ông Nguyễn Xuân Lưu, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Minh Phúc, thôn 4, xã Ia Đal, huyện Ia H’Drai cho biết: Đầu năm 2024, 12 hộ trong thôn đã thống nhất lựa chọn nhận hỗ trợ hươu nuôi lấy nhung, mỗi hộ được hỗ trợ 1 cặp hươu giống. Chúng tôi đã thống nhất để các hộ tham gia vào Hợp tác xã nhằm chăn nuôi cho hiệu quả. Đến nay, đàn hươu đã sinh sản được 4 con và 7 con hươu mẹ đã cho thu hoạch nhung.

Ông Lê Văn Bình,  Chủ tịch UBND xã Ia Tơi, huyện Ia H’Drai chia sẻ: Việc tổ chức triển khai thực hiện hỗ trợ sinh kế cho hộ nghèo, cận nghèo và hộ mới thoát nghèo thuộc các Chương trình MTQG gia luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên của UBND huyện. 

Vì vậy, trong quá trình triển khai thực hiện, UBND xã luôn thực hiện đúng quy trình, quy định, cụ thể: Tổ chức họp lấy ý kiến Nhân dân công khai, dân chủ. Khi triển khai hỗ trợ thì phải đảm bảo số lượng, chất lượng đúng như dự án được phê duyệt. Sau khi hỗ trợ thì xã cũng thường xuyên cử cán bộ xuống phối hợp với thôn kiểm tra, hướng dẫn để các hộ khi được nhận hỗ trợ thì phải chăm sóc đúng kỹ thuật.

Từng bước phát huy hiệu quả

Huyện Ia H’Drai có hơn 61% dân số là đồng bào DTTS, với 30 thành phần dân tộc cùng sinh sống, đời sống của đồng bào DTTS còn nhiều khó khăn. Chính vì vậy, huyện xác định việc đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo, nâng cao đời sống Nhân dân là nhiệm vụ chính trị quan trọng của cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội.

Vợ chồng anh Hà Văn Mui, thôn Ia Đal, xã Ia Đal, huyện Ia H’Drai phấn khởi khi đàn bò sinh trưởng tốt
Vợ chồng anh Hà Văn Mui, thôn Ia Đal, xã Ia Đal, huyện Ia H’Drai phấn khởi khi đàn bò được hỗ trợ đang trên đà sinh trưởng tốt

Với việc triển khai các mô hình hỗ trợ sinh kế theo nhu cầu của Nhân dân và chính quyền địa phương kiểm tra, giám sát chặt chẽ quá trình tổ chức thực hiện nên đã tạo được sự đồng thuận cao trong Nhân dân. Các mô hình hỗ trợ đã và đang phát huy hiệu quả, bên cạnh nguồn hỗ trợ từ Chương trình MTQG 1719, một số hộ dân đã mạnh dạn vay thêm vốn để đầu tư mở rộng quy mô sản xuất.

Điển hình như, gia đình anh Hà Văn Mui (dân tộc Thái), thôn Ia Đal, xã Ia Đal, huyện Ia H’Drai sau khi được hỗ trợ 1 con bò cái sinh sản từ Chương trình MTQG 1719, thì gia đình anh đã vay Ngân hàng CSXH huyện 50 triệu đồng để mua thêm 2 con bò cái sinh sản về chăn nuôi.

Anh Hà Văn Mui chia sẻ: Năm 2023, nhận hỗ trợ bò về, gia đình chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật nên bò phát triển tốt đã sinh 1 bê con, hiện bò mẹ đang mang bầu. Thấy chăn nuôi thuận lợi, lượng cỏ trồng cũng nhiều nên vợ chồng bàn nhau vay vốn để mua thêm bò về chăn nuôi.

Triển khai thực hiện Chương trình MTQG 1719, từ năm 2022 đến nay, huyện Ia H’Drai đã triển khai 01 mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị và 12 mô hình phát triển cộng đồng. Từ việc hỗ trợ sinh kế, tư liệu sản xuất nên nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo có điều kiện phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập. Hiện tại, huyện Ia H’Drai giảm còn 300 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 7,93%; 285 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 7,53%.

Với điều kiện khí hậu phù hợp và người dân chăm sóc đúng kỹ thuật, mô hình hỗ trợ bò cái sinh sản đang phát huy hiệu quả
Với điều kiện khí hậu phù hợp và người dân chăm sóc đúng kỹ thuật, mô hình hỗ trợ bò cái sinh sản đang phát huy hiệu quả

Ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Ia H’Drai cho biết: Hỗ trợ sinh kế để phát triển kinh tế tăng thu nhập cho người dân là điều kiện cần và tiên quyết trong quá trình giảm nghèo bền vững. Mỗi hộ gia đình có điều kiện, hoàn cảnh cũng như năng lực khác nhau nên việc hỗ trợ cần có lộ trình, phải phù hợp. Quan trọng nhất là phải tìm hiểu kỹ người dân đang cần gì nhất và cần những điều kiện nào để thoát nghèo. Từ đó, có cách hỗ trợ phù hợp và hiệu quả, giúp hộ nghèo thoát nghèo bền vững.

Hỗ trợ theo nhu cầu và phù hợp với điều kiện của từng gia đình, việc làm này đã tạo được sự đồng thuận cao trong Nhân dân. Đây chính là yếu tố then chốt để việc hỗ trợ sinh kế phát huy hiệu quả lâu dài và thực sự trở thành cơ hội, động lực để các hộ đồng bào DTTS nghèo ở huyện biên giới Ia H’Drai vươn lên thoát nghèo bền vững. 

Tin cùng chuyên mục
Ban Dân tộc tỉnh Lào Cai làm việc với Ban Dân tộc tỉnh Bắc Giang

Ban Dân tộc tỉnh Lào Cai làm việc với Ban Dân tộc tỉnh Bắc Giang

Đoàn công tác tỉnh Lào Cai do ông Lý Seo Vảng - Phó Trưởng Ban cùng công chức Ban Dân tộc và đại biểu Người có uy tín trong đồng bào DTTS tỉnh Lào Cai vừa có chuyến công tác, học tập, trao đổi kinh nghiệm tại tỉnh Bắc Giang.