Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Hỗ trợ sinh kế - Trao "cần câu" cho đồng bào DTTS

Lê Hường - 10:43, 26/08/2024

Từ nguồn vốn Chương trình MTQG 1719, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông đã trao hàng trăm con bò sinh sản cho đồng bào DTTS. Được trao bò sinh sản và được hướng dẫn cách làm chuồng, kỹ thuật chăm sóc, phòng bệnh để bò phát triển đã góp phần tạo sinh kế cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo.

 Ngoài đưa bò ra đồng chăn thả, gia đình chị Lý Thị Kém, thôn Phú Thịnh thường xuyên cắt cỏ để bổ sung nguồn thức ăn cho bò
Ngoài đưa bò ra đồng chăn thả, gia đình chị Lý Thị Kém, thôn Phú Thịnh thường xuyên cắt cỏ để bổ sung nguồn thức ăn cho bò

Trao “cần câu”

Đến vùng đất mới sinh cơ, lập nghiệp vợ chồng anh Trang Văn Lẻ (SN 1977) và chị Lý Thị Kém (SN 1979), Cụm dân cư Sán Chỉ, thôn Phú Thịnh, xã Đắk Nang, huyện Krông Nô chỉ mua được mảnh đất nhỏ dựng căn nhà ở. Không có đất canh tác, vợ chồng anh thuê đất của người dân quanh vùng để trồng mỳ và đi làm thuê để trang trải cuộc sống. Nguồn thu nhập không ổn định, cuộc sống gia đình anh gặp muôn vàn khó khăn, cái nghèo đeo bám. Cuối năm 2023, gia đình anh được hỗ trợ một con bò sinh sản theo nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719), đến nay bò đã sinh sản.

Anh Lẻ cho biết: Khi nhận bò, cán bộ thú y đã tổ chức tiêm phòng, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc và phòng bệnh cho bò. Chưa được 1 năm bò đã sinh bê, gia đình tôi vui lắm. Ở đây nguồn thức ăn dồi dào, rất thuận lợi cho việc chăn nuôi trâu, bò. Cứ chăm sóc tốt, bò khỏe mạnh, sinh sản đều, gia đình tôi có động lực vươn lên thoát nghèo.

Cũng thuộc diện hộ nghèo nhiều năm, cuối năm 2023 gia đình ông Lý Văn Bồng dân tộc Sán Chỉ, thôn Phú Thịnh cũng được hỗ trợ 1 con bò sinh sản để phát triển kinh tế. Ông Bồng chia sẻ: Cả gia đình 6 người nguồn thu nhập chính là 1 sào đất lúa. Để có tiền nuôi con ăn học, vợ chồng tôi thuê 2ha đất trồng mỳ cách nhà 5km. Với giá thuê 10 triệu đồng/ha, cuối năm thu hoạch lời lãi cũng không được bao nhiêu. Được hỗ trợ bò, gia đình tôi rất mừng, đến giờ bò sinh sản được 1 con bê con, nếu chăm sóc tốt bò phát triển thành đàn sẽ tạo cho gia đình nguồn thu nhập ổn định.

Thôn Phú Thịnh là một trong hai thôn đặc biệt khó khăn của xã Đắk Nang. Cả thôn có hơn 345 hộ dân, trong đó gần 275 hộ đồng bào DTTS gồm dân tộc Sán Chỉ, Dao, Mông. Toàn thôn hiện còn 40 hộ nghèo, 122 hộ cận nghèo, chủ yếu đồng bào dân tộc Sán Chỉ và Mông.

Ông Đặng Văn Nguyên, Trưởng thôn Phú Thịnh cho biết: Đời sống của đồng bào DTTS ở thôn còn rất khó khăn, mỗi hộ có một vài sào đất lúa canh tác, ngoài ra cũng không có thêm nghề gì. Năm 2023, thôn được hỗ trợ 14 con bò sinh sản theo Chương MTQG 1719, đến nay đã có 6 con sinh sản, còn lại đều đang có chửa. Đàn bò phát triển tốt, chỉ sau 1 năm các hộ nghèo đã có số vốn nhất định, tạo sinh kế để người dân từng bước vươn lên thoát nghèo.

Anh Nguyễn Văn Đức, cán bộ phụ trách dự án thường xuyên thăm các hộ nuôi bò, bám sát quy trình chăm sóc, phòng dịch bệnh
Anh Nguyễn Văn Đức, cán bộ phụ trách dự án thường xuyên thăm các hộ nuôi bò, bám sát quy trình chăm sóc, phòng dịch bệnh

Không chỉ thôn Phú Thịnh, xã Đắk Nang, năm 2023 bà con buôn 9, xã Đắk Drô cũng được được hỗ trợ 15 con bò tạo sinh kế cho hộ nghèo phát triển kinh tế, từ nguồn của Chương trình MTQG 1719. 

Giúp đồng bào DTTS "đuổi nghèo"

Triển khai các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng và phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị theo Chương trình MTQG 1719, huyện Krông Nô đã hỗ trợ 14 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất. Trong đó, có 1 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị và 13 dự án hỗ trợ sản xuất cộng đồng. 

Tính đến tháng 4/2024, các đơn vị, địa phương đã hỗ trợ bò sinh sản cho 157 hộ. Việc hỗ trợ bò sinh sản được xem là hướng đi hiệu quả, giúp đồng bào DTTS ở các buôn đặc biệt khó khăn trên địa bàn huyện Krông Nô từng bước "đuổi nghèo".

Thôn Phú Thịnh là một trong hai thôn đặc biệt khó khăn của xã Đắk Nang, huyện Krông Nô
Thôn Phú Thịnh là một trong hai thôn đặc biệt khó khăn của xã Đắk Nang, huyện Krông Nô

Ông Nguyễn Văn Đức, chuyên viên phụ trách dự án hỗ trợ bò xã Đắk Nang cho biết: Khi thực hiện dự án chúng tôi đưa ra họp thôn, thống nhất lựa chọn giống bò lai Sind, hỗ trợ bò đi đôi với hướng dẫn bà con thực hiện công tác phòng sịch bệnh cho đàn bò…

Dự án nuôi bò sinh sản rất hợp với điều kiện ở địa phương bởi nguồn thức ăn dồi dào, người dân tận dụng đất không sản xuất nông nghiệp để trồng cỏ. Bò được chăn thả ban ngày và buổi tối bà con cho ăn thêm cỏ. “Ngày nào đi làm tôi cũng ghé thăm các hộ nuôi bò, bám sát quy trình chăm sóc, phòng dịch bệnh. Rất mừng vì các hộ chăm sóc bò rất tốt”, ông Đức cho biết thêm.

Triển khai, thực hiện dự án hỗ trợ phát triển sản xuất đang từng bước thay đổi tập quán, tư duy trong sản xuất nông nghiệp của người dân. Đặc biệt, hỗ trợ giống vật nuôi, góp phần nâng cao đời sống cho hộ nghèo, cận nghèo, từng bước giảm nghèo nhanh và bền vững.

Trưởng Phòng Dân tộc huyện Krông Nô - Ngân Thanh Hải chia sẻ: Việc triển khai thực hiện các chương trình MTQG, đặc biệt là Chương trình MTQG 1719 đã làm chuyển biến nhận thức trong sản xuất, chăn nuôi của bà con. Riêng đối với các dự án hỗ trợ bò sinh sản đang cho hiệu quả tốt. 

Trong thời gian tới, huyện tiếp tục thực triển khai các dự án hỗ trợ, bảo đảm đúng mục tiêu, đúng đối tượng, công khai, dân chủ. Đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá hiệu quả được hỗ trợ. Cùng với đó, huyện cũng chú trọng tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trong việc tham gia thực hiện các dự án nhằm phát huy tinh thần tự  lực, tự cường vươn lên của người dân.

Tin cùng chuyên mục
Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Nhằm thúc đẩy đồng bào các DTTS phát triển toàn diện trên các lĩnh vực đời sống, kinh tế, xã hội, trong nhiều năm qua, việc nâng cao kiến thức, trình độ, năng lực… cho người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi Nghệ An được các cấp, các ngành trong tỉnh rất quan tâm. Đặc biệt, từ khi triển khai Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn I: từ năm 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719) nội dung này càng được thực hiện bài bản, quyết liệt hơn nhờ nguồn lực đầu tư, hỗ trợ của Chương trình.