Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Đòn bẩy để vùng đồng bào dân tộc thiểu số giảm nghèo bền vững

PV - 12:37, 12/09/2021

Xác định phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) vùng DTTS và miền núi là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, vì vậy tỉnh Hòa Bình tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện đồng bộ các chính sách dân tộc, đặc biệt là các chính sách đặc thù của tỉnh... Phấn đấu đến năm 2025, tỉnh giảm 50% xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn (ĐBKK); đến năm 2030, cơ bản không còn xã, thôn, bản ĐBKK.

Nhiều tuyến đường giao thông xã ĐBKK Nánh Nghê (Đà Bắc) được cứng hóa, giúp người dân giao thương thuận lợi, từng bước giảm nghèo
Nhiều tuyến đường giao thông xã ĐBKK Nánh Nghê (Đà Bắc) được cứng hóa, giúp người dân giao thương thuận lợi, từng bước giảm nghèo

Theo Quyết định số 861/QĐ-TTg, ngày 4/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Hòa Bình có 145/151 xã, phường, thị trấn thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi, trong đó có 59 xã khu vực III. Quyết định số 433/QĐ-UBDT, ngày 18/6/2021 của Ủy ban Dân tộc phê duyệt trên địa bàn tỉnh có 86 thôn, xóm diện ĐBKK thuộc các xã khu vực II và khu vực I, trong đó, 35 thôn, bản ĐBKK thuộc các xã đã hoàn thành Chương trình xây dựng Nông thôn mới (NTM).

Giai đoạn 2016 - 2020, trên địa bàn tỉnh thực hiện đồng thời 2 chương trình mục tiêu quốc gia, là giảm nghèo bền vững và xây dựng NTM. Chương trình mujcn tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững được triển khai với 5 dự án thành phần. Kết quả thực hiện đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về công tác giảm nghèo ở các địa bàn khó khăn. Minh chứng bằng các con số: Tỷ lệ hộ nghèo từ 24,38% năm 2016 giảm còn 9,97% năm 2020, bình quân giảm 3,16%/năm; xã thuộc diện đầu tư Chương trình 135 giảm trung bình 3%/năm. Đến hết năm 2020 có 6 xã, 73 thôn thoát khỏi tình trạng ĐBKK. Huyện Kim Bôi thoát khỏi diện được áp dụng cơ chế hỗ trợ huyện nghèo theo Nghị quyết số 30a của Chính phủ.

Đối với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, đến hết năm 2020, toàn tỉnh có 58/131 xã về đích NTM; 2 huyện Lương Sơn, Lạc Thủy hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Bình quân đạt 15,31 tiêu chí/xã, không có xã dưới 10 tiêu chí.

Thực tế cho thấy, các chương trình mục tiêu quốc gia được thực hiện đã góp phần đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, dân sinh ở các xã ĐBKK, xã vùng đặc thù và các thôn, bản ĐBKK. Đồng thời, các chính sách an sinh xã hội, giảm nghèo, đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người dân đã mang lại hiệu quả thiết thực, đúng đối tượng thụ hưởng, góp phần quan trọng phát triển sản xuất, ổn định, nâng cao đời sống Nhân dân. Mức sống và thu nhập của hộ nghèo, hộ đồng bào DTTS được cải thiện rõ rệt.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Ban Dân tộc tỉnh, kết quả giảm nghèo ở nhiều địa phương còn thiếu bền vững; nguy cơ tái nghèo cao, tình trạng hộ nghèo và cận nghèo là người DTTS vẫn là một trong những thách thức lớn nhất hiện nay. Tính đến năm 2020, hộ nghèo người DTTS chiếm tới 92,42% trong tổng số hộ nghèo cả tỉnh (tỷ lệ người DTTS chiếm 74,31% dân số của cả tỉnh). Những xã ĐBKK tỷ lệ hộ nghèo còn 20,27%.

Ngoài ra, tốc độ giảm nghèo nhanh, bất thường ở một số xã thuộc diện ĐBKK trong những năm qua (có xã tỷ lệ giảm nghèo lên đến 19,87%/năm) gây những hoài nghi, băn khoăn trong Nhân dân. Trong khi đời sống của người dân chưa có đột phá, thu nhập bình quân đầu người của đồng bào DTTS ở các xã ĐBKK hiện mới đạt khoảng 25,2 triệu đồng/năm, chưa bằng 1/2 so với mức bình quân chung của tỉnh.

Tình trạng thiếu nhà ở, đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, xâm canh xâm cư... chưa được giải quyết triệt để. Cơ sở hạ tầng KT-XH vùng ĐBKK còn thấp kém... Do vậy, để giải quyết vấn đề này, đòi hỏi phải có những giải pháp đột phá, nguồn lực đầu tư đủ mạnh cho chính sách giảm nghèo gắn liền với phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi thì mới thực hiện được mục tiêu thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa miền núi và đồng bằng, giữa người DTTS và người Kinh.

Với quan điểm: Phát triển KT-XH vùng DTTS và miền núi là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, vì vậy cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện đồng bộ các chính sách dân tộc, đặc biệt là các chính sách đặc thù của tỉnh... Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 03-NQ/TU, ngày 30/7/2021 về lãnh đạo phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 trên địa bàn tỉnh Hòa Bình.

Qua đó, nhằm đạt được mục tiêu: Khai thác tiềm năng, lợi thế của các địa phương trong tỉnh, chủ động đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững; thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập của vùng đồng bào DTTS và miền núi so với bình quân chung của cả nước. Phấn đấu đến năm 2025, giảm 50% xã, thôn, bản ĐBKK; đến năm 2030, cơ bản không còn xã, thôn, bản ĐBKK.

Đặc biệt, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đang rốt ráo chỉ đạo chuẩn bị các phần việc để triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 trên địa bàn tỉnh. Chương trình sẽ được thực hiện ở các xã, thôn vùng đồng bào DTTS và miền núi; ưu tiên nguồn lực đầu tư cho địa bàn ĐBKK, xã đặc thù. Đối tượng thụ hưởng là hộ gia đình, cá nhân người DTTS; hộ gia đình, cá nhân người dân tộc Kinh thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo sinh sống ở xã, thôn ĐBKK; doanh nghiệp, HTX, các tổ chức KT-XH hoạt động ở địa bàn vùng ĐBKK.

Việc triển khai thực hiện nghị quyết của Tỉnh ủy và Chương trình mục tiêu quốc gia nói trên được kỳ vọng sẽ là đòn bẩy để vùng đồng bào DTTS và miền núi trong tỉnh giảm nghèo bền vững, thu hẹp nhanh khoảng cách giữa các vùng, miền trong những năm tới./.

Tin cùng chuyên mục
Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Nhằm thúc đẩy đồng bào các DTTS phát triển toàn diện trên các lĩnh vực đời sống, kinh tế, xã hội, trong nhiều năm qua, việc nâng cao kiến thức, trình độ, năng lực… cho người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi Nghệ An được các cấp, các ngành trong tỉnh rất quan tâm. Đặc biệt, từ khi triển khai Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn I: từ năm 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719) nội dung này càng được thực hiện bài bản, quyết liệt hơn nhờ nguồn lực đầu tư, hỗ trợ của Chương trình.