Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Phú Thọ chăm lo đời sống đồng bào dân tộc thiểu số

PV - 11:02, 09/09/2021

Những năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh Phú Thọ luôn quan tâm, triển khai thực hiện hiệu quả nhiều chương trình, dự án, các cơ chế, chính sách nhằm xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Ông Đinh Ngọc Tin, dân tộc Mường, khu Tân Trào, xã Minh Đài, huyện Tân Sơn chăm sóc rừng kèo của gia đình
Ông Đinh Ngọc Tin, dân tộc Mường, khu Tân Trào, xã Minh Đài, huyện Tân Sơn chăm sóc rừng kèo của gia đình

Là tỉnh trung du miền núi phía Bắc, với 50 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó, người dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh chiếm 17,15%. Để chăm lo, ổn định đời sống đồng bào DTTS, Phú Thọ đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đồng bộ, lồng ghép các nguồn lực để thực hiện hiệu quả các chương trình, chính sách, đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đối với vùng DTTS và miền núi, trọng tâm là các chương trình: Giảm nghèo bền vững, 135, xây dựng Nông thôn mới và các chương trình, dự án, chính sách khác. Đồng thời, ban hành các chính sách, biện pháp cụ thể để động viên, khuyến khích đồng bào các dân tộc phát huy nội lực, phát triển kinh tế - xã hội , xóa đói giảm nghèo.

Từng là hộ nghèo nhưng nhờ sự giúp đỡ, hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể và bản thân nỗ lực vươn lên nên gia đình ông Đinh Ngọc Tin, dân tộc Mường, khu Tân Trào, xã Minh Đài, huyện Tân Sơn đã thoát nghèo. Ông Tin cho biết: "Gia đình tôi được vay 15 triệu đồng từ nguồn vốn giảm nghèo để mua cây keo về trồng. Thời gian đầu gặp nhiều khó khăn, nhưng được sự giúp đỡ, động viên từ chính quyền địa phương, từ 3,3ha rừng ban đầu, đến nay, gia đình đã có gần 40ha rừng trồng các loại cây keo, bồ đề, mỡ... Mỗi năm, gia đình thu nhập khoảng 400 triệu đồng sau khi trừ các chi phí".

Thoát được nghèo nhờ các chính sách của Nhà nước, nên khi địa phương bước vào triển khai xây dựng nông thôn mới cần sự chung tay góp sức của người dân, ông Tin đã đi đầu, tự nguyện hiến gần 1ha đất để làm đường giao thông nông thôn; đồng thời trực tiếp dành thời gian và công sức để đứng ra làm nhiều công trình giao thông nội đồng trên địa bàn với tổng kinh phí hàng trăm triệu đồng.

Người dân khám chữa bệnh tại Trạm Y tế xã Tân Lập, huyện Thanh Sơn
Người dân khám chữa bệnh tại Trạm Y tế xã Tân Lập, huyện Thanh Sơn

Bên cạnh những chính sách về phát triển sản xuất, xây dựng cơ sở hạ tầng, tỉnh cũng ưu tiên trong việc tổ chức dạy nghề, đào tạo nguồn nhân lực cho các xã miền núi và các thôn, bản đặc biệt khó khăn; quan tâm giải quyết vấn đề an sinh của bà con vùng đồng bào DTTS như: Giao đất, giao rừng, giải quyết vấn đề thiếu nước sinh hoạt, thiếu đất sản xuất…; tăng cường đầu tư phát triển y tế - giáo dục cho các xã miền núi và đồng bào DTTS.

Chị Triệu Phương Dung, dân tộc Dao, khu Sơn Nga, xã Nga Hoàng, huyện Yên Lập cho biết: "Những năm trước đây, mỗi khi ốm đau, đồng bào dân tộc Dao ở trong khu chỉ biết cậy nhờ thầy mo, hay dùng lá rừng để chữa trị. Tuy nhiên, nhờ được cán bộ xã, khu tuyên truyền, nhận thức của bà con đã được nâng lên. Nhất là được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, bà con được cấp thẻ bảo hiểm y tế, được tiếp cận các dịch vụ y tế hiện đại nên có điều kiện chăm sóc sức khỏe tốt hơn".


Giai đoạn 2015 - 2020, trên địa bàn tỉnh đã triển khai thực hiện hiệu quả một số chương trình, dự án, như: Chương trình 135, Chương trình 30a - thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững; Chính sách hỗ trợ di dân thực hiện định canh, định cư cho đồng bào DTTS; chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho đồng bào DTTS; chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo vùng khó khăn theo Quyết định 102/QĐ-TTg...

Trong 5 năm qua, tỉnh đã huy động hơn 681 tỷ đồng đầu tư cho Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững, đầu tư xây dựng mới 611 công trình đường giao thông, thủy lợi, nhà văn hóa, trường học, trạm y tế; huy động hơn 149 tỷ đồng thực hiện nhiều dự án nông, lâm nghiệp, khuyến nông, khuyến lâm; hỗ trợ máy móc, thiết bị, nhân rộng mô hình giảm nghèo. Từ nguồn vốn huy động, tỉnh đầu tư xây mới năm công trình cấp nước sinh hoạt tập trung, hỗ trợ các công trình cấp nước cho 11.448 hộ; hỗ trợ đất sản xuất cho 333 hộ đồng bào DTTS…

Công tác cán bộ là người DTTS được quan tâm, đảm bảo tỷ lệ và cơ cấu hợp lý, 100% cán bộ công chức cấp xã được đào tạo, 80% đạt trình độ cao đẳng trở lên. Việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc được duy trì; hệ thống chính trị được tăng cường, quốc phòng - an ninh được giữ vững; đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào DTTS từng bước được cải thiện và nâng cao.

Những kết quả đạt được trong công tác dân tộc thời gian qua đã góp phần không nhỏ làm thay đổi diện mạo vùng đồng bào DTTS, là tiền đề quan trọng để tỉnh hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ trong giai đoạn tiếp theo.

Người dân chơi bóng chuyền hơi tại Nhà văn hóa xã Văn Luông, huyện Tân Sơn. (Ảnh tư liệu, chụp trước ngày 27/4/2021)
Người dân chơi bóng chuyền hơi tại Nhà văn hóa xã Văn Luông, huyện Tân Sơn. (Ảnh tư liệu, chụp trước ngày 27/4/2021)

Ông Đinh Ngọc Thanh - Trưởng ban Dân tộc tỉnh, cho biết: "Thời gian tới, Ban Dân tộc tiếp tục tham mưu với Tỉnh ủy, UBND tỉnh tập trung vào việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025; Chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 tại Nghị quyết 120/2020/QH14. Đồng thời, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan, UBND các huyện, tập trung mọi nguồn lực, ưu tiên đầu tư cho vùng DTTS và miền núi, với mục tiêu thoát nghèo bền vững, tuyên truyền vận động người dân vươn lên làm giàu chính đáng.

Để thực hiện tốt hơn nữa công tác chăm lo cho đồng bào DTTS giai đoạn tới, giải pháp trọng tâm là ưu tiên phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, tăng cường sản xuất, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, ổn định dân cư và đảm bảo môi trường sống vùng DTTS. Trong đó, phát triển kinh tế đi đôi với việc phát triển toàn diện về giáo dục - đào tạo, y tế, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa vùng DTTS và miền núi.

Tiếp tục tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS trong chấp hành các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước; củng cố quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội vùng DTTS, phát huy khối Đại đoàn kết các dân tộc. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương và người dân trong thực hiện quản lý Nhà nước về công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh./.

Tin cùng chuyên mục
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Sáng 9/11, tại Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai, Ủy ban Dân tộc phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) khu vực miền Trung - Tây Nguyên và đề xuất nội dung Chương trình MTQG 1719 giai đoạn II từ năm 2026 - 2030.