Thúc đẩy phổ cập giáo dục
Phổ cập giáo dục (PCGD) là nhiệm vụ trọng tâm để thực hiện công bằng xã hội trong giáo dục. Với nguồn lực đầu tư hệ thống trường lớp và thực hiện các chính sách hỗ trợ học tập của Nhà nước, vùng đồng bào DTS và miền núi đã đạt được những kết quả bước đầu trong PCGD, nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với mặt bằng chung cả nước ở tất cả các bậc học.
Theo đánh giá của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), giai đoạn 2011-2020, việc huy động trẻ 3-5 tuổi đến lớp, là nhiệm vụ quan trọng nhất trong công tác PCGD ở vùng đồng bào DTTS ở miền núi. Nhưng tính đến năm 2019, tỷ lệ huy động trẻ chỉ đạt 56,2% (cả nước đạt 88,5%); tỷ lệ huy động trẻ nhà trẻ chỉ đạt 11,8% (cả nước đạt 25,8%).
Ở bậc tiểu học, trong giai đoạn 2011-2020, ngành Giáo dục cả nước tiếp tục củng cố, duy trì vững chắc, nâng cao chất lượng các tiêu chuẩn phổ cập (mức độ 2, mức độ 3), còn ở vùng đồng bào DTTS và miền núi, thì tập trung duy trì kết quả mức độ 1, tức là huy động học sinh (HS) trong độ tuổi đi học tiểu học và HS hoàn thành chương trình.
Tương tự, ở bậc THCS, vùng đồng bào DTTS và miền núi tập trung củng cố vững chắc và phát triển kết quả PCGD đã đạt được; đẩy nhanh nâng lên mức độ 2, mức độ 3. Trong khi, nhiệm vụ chung của ngành Giáo dục cả nước là tiếp tục củng cố, duy trì vững chắc, nâng cao chuẩn phổ cập (mức độ 2, mức độ 3). Bộ GD&ĐT đánh giá, ở vùng đồng bào DTTS và miền núi, việc huy động HS rất khó khăn, kết quả huy động HS chưa vững chắc; việc nâng chuẩn lên mức độ 2, mức độ 3 rất chậm.
Ngày 30/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1373/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021 - 2030”. Mục tiêu của Đề án là đến năm 2030, 90% các tỉnh đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2; phấn đấu 100% các tỉnh hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo; 70% các tỉnh đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3; 40% các tỉnh đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 3.
Để đạt mục tiêu ở vùng đồng bào DTTS và miền núi, Thủ tướng Chính phủ giao Ủy ban Dân tộc (UBDT) tham mưu, đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các chương trình, dự án hỗ trợ giáo dục, đào tạo cho người DTTS và miền núi; tạo cơ hội và điều kiện thuận lợi cho trẻ em, người học vùng đồng bào DTTS và miền núi học tập.
Trên cơ sở nghiên cứu tác động của chính sách hỗ trợ người học, UBDT đã đề xuất chính sách hỗ trợ giáo dục tổng thể trong Dự thảo Đề án “Hỗ trợ giáo dục học tập theo vòng đời cho trẻ em, học sinh, sinh viên người DTTS tại vùng DTTS và miền núi” (gọi tắt là Dự thảo Đề án). Chính sách tổng thể với cách tiếp cận hỗ trợ theo vòng đời học tập của trẻ em, HS, sinh viên người DTTS khi được thông qua sẽ góp phần quan trọng để duy trì kết quả huy động HS, từng bước nâng chuẩn PCGD ở vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Bảo đảm hiệu lực, hiệu quả
Trong Dự thảo Đề án, để tổ chức thực hiện chính sách hỗ trợ giáo dục theo vòng đời, UBDT đề xuất sự tham gia của các Bộ, ngành: UBDT, GD&ĐT, Kế hoạch và Đầu tư, Lao động, Thương binh và Xã hội, MTTQ Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội và các địa phương vùng đồng bào DTTS và miền núi. Trong đó, Bộ GD&ĐT nghiên cứu, đề xuất chính sách đặc thù hỗ trợ trẻ em, HS, sinh viên học tập theo vòng đời trên cơ sở tích hợp các chính sách hỗ trợ giáo dục hiện hành; UBDT chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan kiểm tra, đánh giá, tổng hợp tình hình thực hiện.
Việc huy động sự vào cuộc của các Bộ, ngành liên quan cùng với các địa phương vùng đồng bào DTTS và miền núi nhằm bảo đảm chính sách được thực thi hiệu lực, hiệu quả. Công tác thanh tra, kiểm tra, đánh giá sẽ được tăng cường trong quá trình triển khai nhằm bảo đảm quyền lơi của trẻ em, HS, sinh viên; đồng thời kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh.
Về kinh phí thực hiện, UBDT cho biết, đây là Đề án tích hợp chính sách hiện hành, chỉ thay đổi cách tiếp cận thực thi chính sách nên kinh phí tăng không đáng kể. Theo đó, dự kiện kinh phí để thực hiện Đề án là 18.283.992 tỷ đồng để thực hiện các chính sách hỗ trợ học tập theo vòng đời tại Dự thảo Đề án.
Nguồn kinh phí dự kiến triển khai Đề án hiện cơ bản đã được bố trí. Theo đó, để thực hiện các chính sách hỗ trợ giáo dục vùng đồng bào DTTS và miền núi, kinh phí đã cấp trong năm 2021 là 17.117 tỷ đồng; thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2025 theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg, kinh phí triển khai các nội dung GD&ĐT đã được cấp hơn 1.974 tỷ đồng (494 tỷ đồng/năm); tổng nguồn kinh phí đã được cấp là 17.611/18.284 tỷ đồng. Số kinh phí tăng thêm (khoảng 672 tỷ đồng) do dự kiến hỗ trợ kinh phí cho HS phổ thông chuyển sang học nghề.
Theo đánh giá của UBDT, việc xây dựng, ban hành một chính sách hỗ trợ giáo dục toàn diện cho trẻ em, HS, sinh viên người DTTS là cần thiết để sửa đổi những bất cập của chính sách hiện hành. Chính sách tổng thể hỗ trợ học tập theo vòng đời sẽ tạo cơ hội học tập theo từng giai đoạn cho trẻ em, HS, sinh viên người DTTS, để các em có cơ hội tiếp cận với giáo dục từ mầm non lên đến đại học, tránh tình trạng bỏ học giữa chừng khi không còn được hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước; qua đó đảm bảo chính sách hỗ trợ giáo dục không chỉ là động lực phát triển giáo dục mà còn đảm bảo tính công bằng giữa các dân tộc ở các vùng khác nhau và không bị “ngắt quãng” trong quá trình tiếp cận giáo dục của trẻ em, HS, sinh viên DTTS.