Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Đổi mới tiếp cận hỗ trợ giáo dục cho học sinh DTTS: Tháo gỡ vướng mắc do điều chỉnh địa bàn (Bài 2)

Khánh Thi - 16:06, 11/12/2023

Từ kết quả phân định trình độ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi theo từng giai đoạn, chính sách hỗ trợ giáo dục sẽ được thực thi tại những địa bàn đặc biệt khó khăn. Điều này dẫn tới tình trạng chính sách bị “ngắt quãng” do địa bàn thực hiện chính sách thường xuyên được điều chỉnh.

Giai đoạn 2021 – 2025, nhiều địa bàn đã ra khỏi danh sách xã khu vực III nhưng vẫn còn nhiều khó khăn. (Trong ảnh: Nậm Tăm là xã khu vực I của huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu do đã đạt chuẩn nông thôn mới, nhưng đời sống kinh tế của đại đa số đồng bào DTTS trên địa bàn xã vẫn khó khăn)
Giai đoạn 2021 – 2025, nhiều địa bàn đã ra khỏi danh sách xã khu vực III nhưng vẫn còn nhiều khó khăn. (Trong ảnh: Nậm Tăm là xã khu vực I của huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu do đã đạt chuẩn nông thôn mới, nhưng đời sống kinh tế của đại đa số đồng bào DTTS trên địa bàn xã vẫn khó khăn)

Thường xuyên điều chỉnh địa bàn

Trong nhiều chính sách hỗ trợ học sinh (HS), sinh viên người DTTS hiện hành, để được thụ hưởng chính sách thì một trong những điều kiện là bố, mẹ hoặc người giám hộ có hộ khẩu thường trú ở các xã, thôn bản đặc biệt khó khăn (ĐBKK). Tuy nhiên, địa bàn ĐBKK vùng đồng bào DTTS và miền núi thường xuyên thay đổi theo hướng giảm, theo trình độ phát triển kinh tế - xã hội (KT – XH) trong từng giai đoạn.

Theo Dự thảo Đề án “Hỗ trợ giáo dục học tập theo vòng đời cho trẻ em, học sinh, sinh viên người DTTS tại vùng DTTS và miền núi” (gọi tắt là Dự thảo Đề án) của Ủy ban Dân tộc (UBDT), từ năm 2012 đến nay, vùng đồng bào DTTS và miền núi đã 3 lần điều chỉnh địa bàn theo trình độ phát triển. Trong đó, giai đoạn 2012 – 2015, theo Quyết định số 447/QĐ-UBDT ngày 19/9/2013, vùng đồng bào DTTS và miền núi có 2.068 xã khu vực III và 18.280 thôn ĐBKK.

Sang giai đoạn 2016 – 2020, địa bàn ĐBKK vùng đồng bào DTTS và miền núi thay đổi theo chiều hướng giảm xã khu vực III, nhưng tăng số thôn ĐBKK so với giai đoạn 2012 - 2015. Cụ thể, theo Quyết định số 582/QĐ-TTg ngày 28/7/2017, toàn vùng có 1.935 xã khu vực III (giảm 133 xã); có 20.176 thôn ĐBKK (tăng 1.896 thôn).

Với nguồn lực đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước, giai đoạn 2021 – 2025, số xã khu vực III vùng đồng bào DTTS và miền núi giảm sâu theo Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 4/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, toàn vùng chỉ còn 1.551 xã khu vực III, giảm 384 xã so với giai đoạn 2016 - 2020. Đồng thời, theo Quyết định số 612/QĐ-UBDT ngày 16/9/2021 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT, toàn vùng có 13.222 thôn ĐBKK, giảm 6.954 thôn so với giai đoạn trước.

Giai đoạn 2021 - 2025, toàn vùng đồng bào DTTS và miền núi sẽ có trên 700.000 nghìn HS thôi hụ hưởng các chính sách hỗ trợ đối với địa bàn ĐBKK. (Trong ảnh: HS tỉnh Điện Biên nhân gạo hỗ trợ theo Nghị định số 116/2016/NĐ-CP )
Giai đoạn 2021 - 2025, toàn vùng đồng bào DTTS và miền núi sẽ có trên 700.000 nghìn HS thôi hụ hưởng các chính sách hỗ trợ đối với địa bàn ĐBKK. (Trong ảnh: HS tỉnh Điện Biên nhân gạo hỗ trợ theo Nghị định số 116/2016/NĐ-CP )

Theo đánh giá của UBDT trong Dự thảo Đề án, việc xác định các địa bàn ĐBKK để tập trung nguồn lực đầu tư, hỗ trợ phát triển KT – XH là phù hợp với từng giai đoạn. Tuy nhiên, việc đầu tư giáo dục cho con người đòi hỏi một quá trình dài, liên tục, không ngắt quãng nên việc tiếp cận, thực thi chính sách hỗ trợ giáo dục theo các quyết định phân định khu vực là không hợp lý, tác động đến mục tiêu phát triển giáo dục của toàn vùng.

Đơn cử như giai đoạn 2021 - 2025, áp dụng Quyết định 861/QĐ-TTg ngày 4/6/2021 và Quyết định 612/QĐ-UBDT ngày 16/9/2021, toàn vùng đồng bào DTTS và miền núi sẽ có trên 700.000 nghìn HS thôi thụ hưởng các chính sách hỗ trợ đối với địa bàn ĐBKK. Trong khi đó, đời sống của đồng bào DTTS vẫn còn khó khăn, nhất là sau thời gian dài bị tác động nặng nề bởi dịch bệnh Covid - 19, ảnh hưởng đến việc học tập của con em đồng bào DTTS.

Không tiếp cận theo phân định trình độ phát triển

Việc tiếp cận chính sách hỗ trợ giáo dục theo trình độ phát triển không chỉ tác động trực tiếp đến mỗi HS thụ hưởng chính sách mà còn ảnh hưởng đến việc duy trì, phát triển hệ thống trường PTDTNT, PTDTBT. Do địa bàn ĐBKK giảm, khó tuyển sinh đủ chỉ tiêu theo quy định nên một số trường không đủ điều kiện là trường chuyên biệt, phải chuyển đổi thành trường phổ thông.

Địa bàn ĐBKK giảm, nhiều trường chuyên biệt khó tuyển sinh đủ chỉ tiêu đào tạo. (Trong ảnh: Một giờ lên lớp ở Trường PTDTNT THCS Định Hóa, Thái Nguyên)
Địa bàn ĐBKK giảm, nhiều trường chuyên biệt khó tuyển sinh đủ chỉ tiêu đào tạo. (Trong ảnh: Một giờ lên lớp ở Trường PTDTNT THCS Định Hóa, Thái Nguyên)

Trong khi đó, Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 định hướng quy hoạch phát triển hợp lý các trường PTDTNT, đẩy mạnh phát triển mạng lưới trường PTDTBT. Tại Dự án 5 của Chương trình MTQG phát triển KT – XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2025 theo Quyết định số 1719/QDD-TT cũng có Tiểu dự án 1: “Đổi mới hoạt động, củng cố phát triển các trường PTDTNT, PTDTBT và xóa mù chữ cho người dân vùng đồng bào DTTS”

Không những vậy, việc chính sách hỗ trợ giáo dục chỉ áp dụng cho địa bàn ĐBKK chưa thực sự công bằng với HS người DTTS ở các xã khu vực II, khu vực I. Thực tế cho thấy, rất nhiều HS người DTTS ở các xã khu vực I, khu vực II, nhất là ở những địa bàn giáp ranh với xã khu vực III, thôn ĐBKK, cũng có hoàn cảnh kinh tế gia đình rất khó khăn. Điều này khiến tình trạng HS người DTTS bỏ học xảy ra đều khắp ở các xã khu vực I, khu vực II và khu vực III.

Theo thống kê của UBDT trong Dự thảo Đề án, giai đoạn 2010 – 2021, chỉ tính ở cấp THPT, vùng đồng bào DTTS và miền núi có 69.345 HS bỏ học. Trong đó, ở các xã khu vực III có 37.877 HS, các xã khu vực II có 12.968 HS, các xã khu vực I có 18.500 HS. Tình trạng HS bỏ học nhiều sẽ khiến việc phân luồng sau THPT khó thực hiện hiệu quả; tỉ lệ học sinh trực tiếp tham gia lao động chưa qua đào tạo nghề cao, dẫn tới chất lượng nguồn lao động thấp.

Những hạn chế trong việc tiếp cận chính sách hỗ trợ giáo dục theo trình độ phát triển đã được các chuyên gia về giáo dục dân tộc nhận diện từ nhiều năm trước. Theo đó, nhiều ý kiến nhấn mạnh, việc áp dụng kết quả phân định theo trình độ phát triển để hoạch định chính sách hỗ trợ giáo dục ở vùng đồng bào DTTS và miền núi gặp nhiều khó khăn do thiếu tính ổn định. Đồng thời, do lấy tiêu chí chung là địa bàn ĐBKK để thực thi chính sách nên còn thiếu công bằng khi không xét đến những đặc điểm đặc thù của từng địa bàn.

Chính sách tổng thể nhằm bảo đảm mọi HS người DTTS đều có cơ hội bình đẳng trong việc tiếp cận chính sách hỗ trợ phát triển giáo dục. (Trong ảnh: Thầy và trò Trường PTDTBT Tiểu học – THCS Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum)
Chính sách tổng thể nhằm bảo đảm mọi HS người DTTS đều có cơ hội bình đẳng trong việc tiếp cận chính sách hỗ trợ phát triển giáo dục. (Trong ảnh: Thầy và trò Trường PTDTBT Tiểu học – THCS Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum)

Quán triệt quan điểm mọi HS người DTTS đều có cơ hội bình đẳng trong việc tiếp cận chính sách hỗ trợ phát triển giáo dục, trong Dự thảo Đề án, UBDT đề xuất chính sách hỗ trợ giáo dục học tập theo vòng đời được thực hiện ở trên địa bàn vùng đồng bào DTTS và miền núi, không phân biệt trình độ phát triển.

 Theo đó, đối tượng thụ hưởng chính sách hỗ trợ giáo dục học tập theo vòng đời là trẻ em, HS, sinh viên người DTTS tại vùng đồng bào DTTS và miền núi, đang học tập tại các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, thuộc các cấp học.

Trong Dự thảo Đề án, với mục tiêu hỗ trợ phát triển giáo dục ở vùng đồng bào DTTS và miền núi bảo đảm tính xuyên suốt, liên tục, UBDT đề xuất các chính sách theo từng giai đoạn học tập của trẻ em, HS, sinh viên người DTTS; từ giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp đến giáo dục đại học và sau đại học. 

Việc xây dựng một chính sách tổng thể, cũng là giải pháp để tháo gỡ vướng mắc trong thực thi chính sách hỗ trợ giáo dục ở vùng đồng bào DTTS và miền núi hiện nay do chưa có sự thống nhất về mức hỗ trợ, thời gian hỗ trợ, hình thức hỗ trợ, đối tượng hỗ trợ.

Việc thay đổi cách tiếp cận chính sách hỗ trợ giáo dục ở vùng đồng bào DTTS và miền núi không theo trình độ phát triển sẽ góp phần thực hiện mục tiêu của Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030” tại Quyết định số số 1373/QĐ-TTg ngày 30/7/2021. Theo đó, Đề án phấn đấu đến năm 2030, 90% các tỉnh đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2; phấn đấu 100% các tỉnh hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo; 70% các tỉnh đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3; 40% các tỉnh đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 3.

Báo Dân tộc và Phát triển sẽ phản ánh nội dung này trong số báo tiếp theo.

Tin cùng chuyên mục
Thanh Hóa: Biểu dương, tôn vinh 150 điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi

Thanh Hóa: Biểu dương, tôn vinh 150 điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi

Ngày 27/12, UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức Hội nghị biểu dương, tôn vinh các điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh năm 2023. Dự hội nghị có: Vụ trưởng Vụ Chính sách Dân tộc (Ủy ban Dân tộc) Lưu Xuân Thủy; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Trịnh Tuấn Sinh; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa Phạm Thị Thanh Thủy; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đầu Thanh Tùng; lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh, một số sở, ngành, đơn vị của tỉnh, UBND 11 huyện miền núi và 6 huyện, thị xã giáp ranh có xã, thôn, bản miền núi cùng 150 đại biểu điển hình tiên tiến đại diện cho trên 701.000 người DTTS toàn tỉnh.