Ban hành quy chế hoạt động mới
Để đổi mới hoạt động của các trường PTDTNT, PTDTBT, Bộ GD&ĐT đã ban hành các Thông tư số 03 ngày 06/02/2023 về “Quy chế tổ chức và hoạt động của trường phổ thông dân tộc bán trú” và Thông tư số 04 ngày 23/02/2023 quy chế tổ chức và hoạt động của trường PTDTNT. Các văn bản này có sự đổi mới so với thông tư cũ, nhằm mở rộng mục tiêu tạo nguồn nhân lực, nâng cao dân trí, mở rộng địa bàn tuyển sinh cho hệ thống trường PTDTNT, PTDTBT. Đồng thời đã cụ thể hóa nhiệm vụ của trường PTDTNT, PTDTBT, phân cấp triệt để nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị.
Ông Hồ Bình Minh,Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Quỳ Hợp (Nghệ An) cho biết: Các trường PTDTNT, PTDTBT hoạt động theo quy định của các thông tư mới, do Bộ GD&ĐT mới ban hành đã có sự đổi mới. Về cơ cấu tổ chức, tỷ lệ học sinh, hoạt động học tập, giáo dục văn hóa văn hóa dân tộc đã được các trường triển khai thực hiện. Công tác tuyển sinh đáp ứng mục tiêu của các trường PTDTNT, PTDTBT. Các trường thường xuyên cập nhật những phương pháp dạy học mới, phát huy tính chủ động, tích cực của học sinh, chú trọng phát triển năng lực người học, áp dụng phù hợp với đối tượng là học sinh DTTS.
Theo đó, các em học sinh tập trung về học tập, sinh hoạt, ăn ở nội trú tại nhà trường đã đảm bảo thực hiện tốt Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Qua đó, góp phần tạo được động lực thu hút tối đa học sinh đến trường, tạo điều kiện thuận lợi cho việc học tập, rèn luyện.
Tuy nhiên hiện nay, do các thông tư mới ban hành, văn bản hướng dẫn chưa đầy đủ nên các địa phương vẫn còn lúng túng trong quá trình triển khai thực hiện.
Ông Hoàng Anh Tuấn, Hiệu trưởng trường PTDTNT THCS và THPT huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang thông tin, theo Thông tư 04, kế hoạch tuyển sinh đối với học sinh DTNT được xét tuyển theo vùng, số điểm và xét tuyển thẳng. Tuy nhiên, hiện nay công tác tuyển thẳng Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa quy định cụ thể đối với các đối tượng được tuyển thẳng, khiến nhà trường còn lúng túng trong quá trình triển khai thực hiện.
Bên cạnh hoạt động của trường PTDTNT, thì hoạt động của trường PTDTBT cũng còn nhiều khó khăn. Nhiều trường chưa thể tổ chức được hoạt động trải nghiệm theo Thông tư 04 do thiếu khuôn viên để lao động sản xuất và kinh phí để hoạt động.
Theo ông Lê Như Xuyên, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Dân tộc (Bộ GD&ĐT) thì, để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc; nâng cao chất lượng hoạt động của các trường PTDTNT, PTDTBT, Bộ cũng đã tiến hành khảo sát và xây dựng bộ tài liệu để hướng dẫn quản lý và tổ chức các hoạt động của trường PTDTNT, PTDTBT.
Rà soát, điều chỉnh chính sách hỗ trợ
Phải khẳng định rằng, các chính sách hỗ trợ của Đảng và Nhà nước đối với học sinh các trường PTDTNT, PTDTBT đã giúp nhiều con em đồng bào DTTS được học tập xuyên suốt qua các bậc học và theo học tại các trường đại học, cao đẳng….
Ví dụ như, học sinh bán trú cấp tiểu học, THCS, THPT là người DTTS ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn nhà ở xa trường, không thể đi đến trường và trở về nhà trong ngày, thì được hỗ trợ tiền ăn (40% mức lương tối thiểu chung) và tiền nhà ở (10% mức lương tối thiểu chung); hỗ trợ 15 kg gạo/tháng/học sinh theo Nghị định số 116/2016/NĐ-CP ngày 18/7/2016 của Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn.
Còn học sinh trường PTDTNT, trường Dự bị đại học còn được hưởng các chế độ hỗ trợ khác như: hỗ trợ tiền tàu xe nghỉ hè hoặc nghỉ tết; học phẩm; tiền điện nước, bảo hiểm y tế... (Thông tư liên tịch số 109/2009/TTLT/BTC-BGDĐTngày 29/5/2009 của Bộ Tài chính và Bộ GDĐT).
Tuy nhiên qua thời gian, các chính sách hỗ trợ cho con em đồng bào các dân tộc đã không còn phù hợp với thực tế. Cô giáo Lưu Thị Minh Đức, Hiệu trưởng nhà trường trường PTDTNT THCS và THPT huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai cho biết: Theo Thông tư 109, học sinh DTNT khi nhập trường, được Nhà trường còn trang bị, cấp bằng hiện vật 1 lần một số đồ dùng cá nhân như: Chăn bông cá nhân, màn cá nhân, áo bông, chiếu cá nhân, nylon đi mưa, quần, áo đồng phục, tiền tàu xe...Đồng thời, được cấp mức học bổng bằng 80% mức lương tối thiểu của Nhà nước bằng 1.192.000 đồng.
"Số tiền này, cơ bản dùng để chi cho tiền ăn, nhưng giá cả thị trường đều tăng hàng năm, gây khó khăn cho các trường học trong việc chăm sóc học sinh. Do vậy, cần nâng mức học bổng cho học sinh từ 80% lên 100% mức lương cơ bản, bảo đảm mức sống, sinh hoạt tối thiểu cho học sinh", cô giáo Lưu Thị Minh Đức kiến nghị.
Với những khó khăn, hạn chế khi thực hiện chế độ, chính sách cho học sinh DTTS theo học tại các trường PTDTNT, PTDTBT, Bộ GG&ĐT cũng đã xây dựng dự thảo Nghị định mới quy định chính sách cho trẻ em nhà trẻ, học sinh, học viên ở vùng đồng bào DTTS và miền núi, vùng bãi ngang và hải đảo và cơ sở giáo dục có trẻ em nhà trẻ, học sinh hưởng chính sách.
Theo Dự thảo nghị định mới, học sinh DTTS theo học tại các trường PTDTNT, PTDTBT sẽ được hỗ trợ tiền ăn, nhà ở, hỗ trợ gạo, chăn màn… Chính sách hỗ trợ tiền ăn đối với học sinh theo học bán trú là 900.000 đồng/tháng và được hưởng không quá 9 tháng/năm học. Đối với học sinh DTNT được hỗ trợ 80% lương cơ bản theo Nghị định số 84/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Giáo dục. Hiện nay, Dự thảo nghị định đã được Bộ GD&ĐT lấy ý kiến rộng rãi của các địa phương.
Bà Nguyễn Thanh Nga, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) cho biết: Việc phải nâng chế độ hỗ trợ cho người học, cơ sở giáo dục tại vùng DTTS như Dự thảo đưa ra là điều cần thiết, góp phần chăm lo tốt hơn và đáp ứng nhu cầu học tập của con em đồng bào các DTTS.