Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Độc đáo kèn lá của người Mông

T.Hợp - 15:05, 02/12/2020

Có dịp lên những bản người Mông ở Cao Bằng, chúng ta dễ dàng bắt gặp những chàng trai, cô gái cầm chiếc lá trên môi, tấu lên những âm thanh cao, vang xa lảnh lót, thanh cao. Kèn lá - loại nhạc cụ đơn sơ nhưng hết sức độc đáo của đồng bào người Mông được ví như tiếng hót của chim họa mi giữa đại ngàn.

 Kèn lá là một trong những nhạc cụ không thể thiếu của người Mông. Ảnh minh họa
Kèn lá là một trong những nhạc cụ không thể thiếu của người Mông. Ảnh minh họa

Trong đời sống của đồng bào người Mông, mỗi loại nhạc cụ truyền thống đều ẩn chứa ý nghĩa thiêng liêng. Chiếc kèn lá cũng như những nhạc cụ khác là người bạn thân thiết để bày tỏ những cảm xúc yêu thương, những mong ước, khát vọng của các chàng trai cô gái:

“Ở trên cành là lá, đặt lên môi em thành lời

Lời tâm tình dịu êm, từ trong con tim em vấn vương

Gọi mùa xuân sang từ lung linh hương sắc

Gọi tình yêu về từ lòng em... say mê”...

Kèn lá là loại nhạc cụ đơn giản nhất, dễ tìm nhất, không mất thời gian chế tác. Tuy nhiên để thổi hay, trọn vẹn một điệu nhạc lại không đơn giản bởi còn tùy thuộc vào sự khéo léo khi chọn lá và cách thổi lá. Lá được người thổi chọn phải là loại lá hơi mềm, tương đối dai, mép lá trơn.

Có nhiều cách thổi kèn lá nhưng thường sử dụng theo hai cách. Một là ngậm ngang chiếc lá ở giữa hai môi, dùng môi để giữ và kết hợp giữa việc sử dụng lưỡi và hơi đẩy ra qua kẽ hở của môi. Hai là dùng ngón tay trỏ và ngón tay cái ở hai bàn tay để giữ hai đầu của lá sau khi đã ngậm ở môi, dùng lưỡi kết hợp với môi đẩy hơi tạo ra âm thanh. Khi thổi, lá dùng làm kèn được gập đôi lại ở phần mép lá mỏng hơn và ngậm vào môi, dùng hơi điều chỉnh âm thanh cao thấp, trầm bổng theo âm điệu bài hát.

Tại các bản làng người Mông ở Cao Bằng , hiện những người già vẫn kể với con cháu của mình câu chuyện nhuốm màu huyền tích về kèn lá. Tích xưa kể rằng: Chiếc kèn lá là hiện vật mà tiên ông ban tặng cho chàng trai vốn là con trai của vua thủy tề và công chúa (con gái của vua Mèo) để đôi trai gái bày tỏ tâm tình với nhau khi công chúa đang bị giam giữ bởi sợi dây thần của quỷ.

Khi tiên ông biến mất, công chúa đặt chiếc lá lên môi và thì thầm vào đó những lời yêu thương thắm thiết, nỗi khổ đau và mong chàng trở lại cứu nàng. Nhờ âm thanh chiếc kèn lá, chàng trai đến cứu được người mình yêu khỏi nanh vuốt của quỷ thần và cùng nhau sống cuộc đời hạnh phúc.

Nghệ nhân Dương Thị Du, dân tộc Mông, thị trấn Pác Mjầu (Bảo Lâm, Cao Bằng) rất am hiểu và thổi được nhiều làn điệu dân ca bằng kèn lá, cho biết: Theo quan niệm của người Mông, kèn lá có thể thay cho lời gọi nhau mà không cần dùng đến tiếng nói. Người thổi kèn lá ngầm hỏi xem có ai ở bên đồi gần đó không, nếu có thì người ở bên quả đồi gần đó cũng sẽ tìm một chiếc lá thổi trả lời.

Những chàng trai, cô gái người Mông thường dùng âm thanh kèn lá thay cho lời tâm tình, trò chuyện trong những đêm hẹn hò. Cứ thế họ nhắn nhủ tâm tư, tình cảm cho người mình yêu mến thông qua tiếng kèn lá và đáp lại tiếng kèn ân tình đó từ đối phương.

Chỉ với một chiếc lá nhưng bằng sự khéo léo của người thổi, tiếng kèn thể hiện tài năng của người thổi kèn. Người Mông thổi kèn lá bất kỳ nơi đâu và bất kỳ thời điểm nào, trong lúc đợi nhau xuống chợ, trong các buổi giao lưu, gặp gỡ hoặc đơn giản là khi họ hứng thú. Trải qua thời gian, thay đổi của cuộc sống nhưng tình yêu và sự gắn bó của người Mông với cây kèn lá vẫn vậy.

Tiếng kèn lá tìm bạn của các chàng trai không chỉ khiến các cô gái nghe thấy phải đỏ mặt làm duyên mà còn say đắm để rồi không thể kìm lòng mà cất lên những tiếng kèn lá không kém phần duyên dáng, tình tứ đáp lại. Những giai điệu ấy còn đánh thức tiếng lòng của bất kỳ ai đã một lần được nghe.

Tiếng kèn lá còn là nét văn hóa trữ tình độc đáo trên những vùng đất rẻo cao với giờ giải lao khi người Mông lên nương lao động sản xuất hay những đêm huyền diệu dưới ánh trăng. Đặc biệt, trong những ngày Tết, tiếng kèn lá lảnh lót vút lên khi là điệu nhạc, khi lại giống tiếng chim hót khiến cho không gian như tràn ngập vui tươi, phóng khoáng.

Ngày nay, đồng bào dân tộc Mông ở Cao Bằng vẫn luôn gìn giữ, bảo tồn và phát huy nhạc cụ kèn lá như nét văn hóa đặc sắc của dân tộc mình. Họ luôn tự hào giới thiệu tới bạn bè gần xa về nghệ thuật thổi kèn lá tại các hội xuân, chương trình giao lưu văn nghệ… Tiếng kèn lá chính là phương tiện để người Mông bày tỏ nỗi lòng trước thiên nhiên, con người, cuộc sống và từ lâu trở thành nét đẹp trong văn hóa của cộng đồng dân tộc Mông miền non nước Cao Bằng./.

Tin cùng chuyên mục
Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ngày 22/11, tại TP. Phan Rang-Tháp Chàm, UBND tỉnh Ninh Thuận long trọng tổ chức Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024 với chủ đề: “Các dân tộc tỉnh Ninh Thuận đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững”. Đến dự có Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (UBDT) Nông Thị Hà; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Văn Hậu; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Minh Hoàng, lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố cùng 250 đại biểu đại diện cho gần 170.000 đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.