Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Đoàn kết toàn dân tộc để thực hiện khát vọng phát triển đất nước: Khơi dậy nội lực (Bài 2)

Hoài Lê - 02:22, 13/07/2024

Việc phát huy nội lực của các tầng lớp Nhân dân, nhất là đồng bào các DTTS, là những đối tượng sinh sống phần lớn ở những khu vực trọng điểm, biên giới, được đặc biệt chú trọng để tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc trong việc xây dựng, bảo vệ và phát triển bền vững quê hương đất nước. Do vậy, các chương trình, dự án đầu tư, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước đều hướng tới thúc đẩy ý chí tự lực, tự cường của đồng bào các dân tộc, là cốt lõi để thực hiện chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc trong tình hình mới.

Đoàn kết toàn dân tộc để thực hiện khát vọng phát triển đất nước: Khơi dậy nội lực (Bài 2)
Với nguồn lực đầu tư của Nhà nước, cơ sở hạ tầng ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn đã được đầu tư. (Trong ảnh: Đường bê tông thôn Việt Tiến, xã Giáo Liêm, huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang được đầu tư từ nguồn vốn Chương trình MTQG 1719)

Giúp nhau cùng phát triển

Việt Nam là quốc gia thống nhất gồm 54 dân tộc anh em, trong đó có 53 DTTS. Đồng bào các DTTS chiếm khoảng 14,7% (với khoảng hơn 14,2 triệu người) dân số cả nước, là bộ phận không thể tách rời của dân tộc Việt Nam, đều là “Con Rồng cháu Tiên” chung sống hòa thuận; một lòng theo Đảng, kề vai, sát cánh trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Ý chí quyết tâm và tinh thần đoàn kết của đồng bào các dân tộc, được làm sâu sắc tại Đại hội Đại biểu toàn quốc các DTTS Việt Nam – sự kiện chính trị xã hội đặc biệt quan trọng, được tổ chức 10 năm một lần (lần thứ I vào năm 2010, lần thứ II là năm 2020). Tham dự Đại hội có đủ đại diện của cả 54 dân tộc, thể hiện tinh thần đại đoàn kết, thống nhất ý chí và hành động để đóng góp cho sự phát triển bền vững của đất nước.

Còn nhớ, trong Quyết tâm thư của Đại hội Đại biểu toàn quốc các DTTS Việt Nam lần thứ II (diễn ra ngày 3 - 4/12/2020 tại Thủ đô Hà Nội), các đại biểu đại diện cho hơn 14,2 triệu đồng bào DTTS đã nhận thức sâu sắc rằng: “Đại đoàn kết toàn dân tộc là truyền thống cực kỳ quý báu, là nét đẹp văn hóa, là động lực chủ yếu và là nhân tố có ý nghĩa quyết định, bảo đảm cho sự thắng lợi và phát triển bền vững đất nước”.

Giai đoạn 2021 – 2025, cùng với 02 Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững thì các địa bàn đặc biệt khó khăn vùng DTTS và miền núi còn triển khai Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Đây là Chương trình MTQG được triển khai với nguyên tắc đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên vùng “lõi nghèo”.

Nhưng cũng cần nhìn nhận rằng, do nhiều nguyên nhân, vùng DTTS vẫn là “lõi nghèo” của cả nước; đời sống của một bộ phận đồng bào các DTTS vẫn còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao; còn thiếu hụt nhiều dịch vụ xã hội cơ bản. Đây là điều kiện để các thế lực thù địch lợi dụng kích động, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc.

Chính vì vậy, tại Hội nghị lần thứ Bảy (ngày 12/3/2003), Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá IX đã ban hành 03 Nghị quyết quan trọng để tiếp tục củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng thêm động lực để phát triển đất nước. Đó là: Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 12/3/2003 "Về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh"; Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 12/3/2003 "Về công tác dân tộc"; Nghị quyết số 25-NQ/TW "Về công tác tôn giáo".

Thực hiện các nghị quyết này, nhất là Nghị quyết số 24-NQ/TW, từ năm 2003 đến nay, Đảng ta đã ban hành nhiều chủ trương, quyết sách; được Quốc hội, Chính phủ thể chế hóa bằng hệ thống chính sách đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng DTTS và miền núi.

Theo thống kê, tính đến năm 2020 (trước khi có Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 theo Nghị quyết số 120/2020/QH14), có 118 chính sách còn hiệu lực triển khai thực hiện ở vùng DTTS và miền núi. Ngoài những chính sách tác động trực tiếp, còn có 21 chương trình mục tiêu có nội dung gián tiếp tác động đến địa bàn này.

Đoàn kết toàn dân tộc để thực hiện khát vọng phát triển đất nước: Khơi dậy nội lực (Bài 2) 1
Từ năm 2020 trở về trước, chính sách chủ yếu hỗ trợ trực tiếp (đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt,...); chưa có nhiều chính sách đầu tư, hỗ trợ có điều kiện, với mục đích cung cấp kỹ năng, tự tạo sinh kế bền vững cho đồng bào các DTTS

Với nguồn lực từ các chính sách đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước, diện mạo vùng DTTS và miền núi của nước ta đã thay đổi mạnh mẽ; đời sống của đồng bào các dân tộc được cải thiện, nâng lên rõ rệt, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh. Theo báo cáo của Ủy ban Dân tộc, hằng năm, tỷ lệ hộ nghèo vùng DTTS và giảm 2 - 3%; các xã, thôn đặc biệt khó khăn giảm 3 - 4%; các huyện nghèo giảm 4 - 5%, có nơi giảm trên 5%. Đến hết năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo người DTTS còn khoảng 17,82%, theo chuẩn nghèo đa chiều.

Đổi mới tư duy làm chính sách

Mặc dù đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng nhưng công tác dân tộc, thực hiện chính sách dân tộc vẫn còn một số hạn chế. Tại Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 12/3/2003 về công tác dân tộc, Ban Chấp hành Trung ương khóa IX yêu cầu, các chính sách đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng DTTS và miền núi phải phát huy nội lực, tinh thần tự lực, tự cường của đồng bào các dân tộc.

Tại Kết luận số 65-KL/TW ngày 30/10/2019 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW, ngày 12/3/2003, Bộ Chính trị khóa XII yêu cầu: “Các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh vùng dân tộc miền núi phải toàn diện, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững và phát huy lợi thế, tiềm năng của vùng và tinh thần tự lực của đồng bào DTTS”.

Tuy nhiên, từ năm 2020 trở về trước, chính sách chủ yếu hỗ trợ trực tiếp (đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt,...); chưa có nhiều chính sách đầu tư, hỗ trợ có điều kiện, với mục đích cung cấp kỹ năng, tự tạo sinh kế bền vững cho đồng bào các DTTS.

Với các chính sách “cho không” này đã tạo ra tâm lý không muốn thoát nghèo. TS. Phạm Tất Thắng - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương, đã thẳng thắn nhìn nhận, một bộ phận đồng bào DTTS vẫn còn tâm lý trông chờ vào hỗ trợ từ Nhà nước, mà chưa thực sự phát huy được hết tiềm năng, lợi thế của mình, của gia đình, của cộng đồng vào trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Đáng lưu ý là, một số chính sách, bên cạnh mặt tích cực thì vẫn khiến dẫn tới tâm lý so bì, thắc mắc giữa các dân tộc. Lấy dẫn chứng chính sách về tăng cường công tác dân tộc đối với vùng đồng bào Khmer, đồng bào Chăm, đồng bào Hoa, đồng bào Mông, TS. Bế Trường Thành, Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về Dân tộc - Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam (nguyên Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc) cho rằng, các chính sách này là cần thiết trong từng thời điểm, giai đoạn cụ thể.

Nhưng trên thực tế, không thể và không bao giờ đặt ra 54 chính sách riêng biệt cho 54 thành phần dân tộc. Nếu quá thiên lệch về chính sách cho từng dân tộc cụ thể sẽ dẫn đến khuynh hướng dân tộc cực đoan, cục bộ, phá vỡ khối đại đoàn kết thống nhất trong đa dạng của cả cộng đồng dân tộc Việt Nam.

Trước thực tế đó, TS. Bế Trường Thành khuyến nghị, việc xử lý đúng đắn, hài hòa việc ưu tiên đầu tư theo vùng và theo từng dân tộc cụ thể phải là nhận thức thống nhất, nhất quán mang tính nguyên tắc trong hoạch định công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc. Đồng thời, chính sách dân tộc phải tạo động lực để đồng bào các dân tộc vượt qua tâm lý tự ty, trông chờ ỷ lại, thiếu ý chí phấn đấu.

Đây cũng là quan điểm của TS. Nguyễn Viết Chức, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Văn hóa - Xã hội (Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam). TS. Chức cho rằng, để thúc đẩy ý chí tự cường của đồng bào DTTS là việc không đơn giản. Muốn thay đổi được điều này, thì phải dựa vào truyền thống và sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Việc thực hiện chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc trong tình bối cảnh hiện nay, phải có cơ chế để thúc đẩy ý chí tự lực, tự cường của đồng bào các DTTS.

Đoàn kết toàn dân tộc để thực hiện khát vọng phát triển đất nước: Khơi dậy nội lực (Bài 2) 2
Việc khơi dậy tinh thần tự lực, tự cường của các tầng lớp Nhân dân, nhất là đồng bào các DTTS, có thể xem là cốt lõi của chính sách đại đoàn kết trong giai đoạn hiện nay. (Ảnh minh họa)

Việc đổi mới tư duy về chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc trong lĩnh vực công tác dân tộc đã được cụ thể hóa trong Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24/11/2023 Hội nghị lần thứ Tám, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII “Về tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc”.

Trong phần nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, Nghị quyết số 43-NQ/TW xác định: “Bảo đảm các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tương trợ, phát huy nội lực, vươn lên cùng phát triển. Chú trọng tính đặc thù của từng vùng DTTS trong hoạch định, thực hiện chính sách dân tộc. Có cơ chế thúc đẩy tính tích cực, ý chí tự lực, tự cường của đồng bào các DTTS trong phát triển kinh tế - xã hội, vươn lên thoát nghèo và giảm nghèo bền vững”.

Đây là sự đổi mới tư duy lý luận của Đảng ta trong thực hiện chính sách đại đoàn kết dân tộc. Trước đó, trong Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 12/3/2003 “Về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX yêu cầu: “Nêu cao ý thức tự lực tự cường của đồng bào các DTTS, đồng thời tăng cường sự hỗ trợ, giúp đỡ của Nhà nước và cộng đồng”.

Việc khơi dậy tinh thần tự lực, tự cường của các tầng lớp Nhân dân, nhất là đồng bào các DTTS, có thể xem là cốt lõi của chính sách đại đoàn kết trong giai đoạn hiện nay. Đồng thời, để khối đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng được củng cố, tăng cường, từ đó hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII thì việc phát huy vai trò nòng cốt chính trị, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã và đang là yêu cầu được đặt lên hàng đầu.

Báo Dân tộc và Phát triển sẽ phản ánh nội dung này trong số báo tiếp theo.

Tin cùng chuyên mục
Kim Bôi (Hòa Bình): Phát huy sức mạnh tổng hợp tiến tới xóa bỏ tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống

Kim Bôi (Hòa Bình): Phát huy sức mạnh tổng hợp tiến tới xóa bỏ tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống

Nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực vùng đồng bào DTTS và miền núi, những năm qua, huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc nhằm xóa bỏ tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống (TH-HNCHT) và đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Nhằm hiểu rõ sự nỗ lực của các cấp ủy, chính quyền cũng như kết quả trong phòng chống TH-HNCHT trên địa bàn huyện, phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Việt Hòa, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ huyện, Trưởng Phòng Dân tộc huyện Kim Bôi về vấn đề này.