Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết từ hoạt động kết nghĩa

Minh Thu - 07:21, 11/05/2024

Thời gian qua, các cơ quan, đơn vị kết nghĩa với các thôn, làng đồng bào DTTS ở tỉnh Gia Lai đã phát huy tinh thần trách nhiệm, bám nắm địa bàn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc ở cơ sở.

Thành đoàn Pleiku phối hợp với CLB Tiếng Anh vì cộng đồng tỉnh Bình Dương khởi công xây dựng nhà khăn quàng đỏ cho 2 em học sinh thuộc hộ nghèo, làng Têng 2, xã Tân Sơn, TP. Pleiku. Ảnh: P.D
Thành đoàn Pleiku phối hợp với CLB Tiếng Anh vì cộng đồng tỉnh Bình Dương khởi công xây dựng nhà khăn quàng đỏ cho 2 em học sinh thuộc hộ nghèo, làng Têng 2, xã Tân Sơn, TP. Pleiku. Ảnh: P.D

Kết nghĩa để cùng phát triển

Nhiều năm trước, hai mẹ con bà Kpă Phyat, làng Mơ Nú, xã Ia Kênh, TP. Pleiku phải sống trong căn nhà dột nát do cuộc sống quá khó khăn. Năm 2020, Đảng bộ và Nhân dân phường Tây Sơn, TP. Pleiku hỗ trợ gia đình bà 75 triệu đồng để xây dựng căn nhà mới. Được ở trong căn nhà mới, bà Kpă Phyat mừng lắm.

Những năm qua, Thành ủy Pleiku đã chỉ đạo Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội thành phố, các xã, phường triển khai thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế, quan tâm giải quyết các vấn đề an sinh xã hội, tập trung triển khai các chương trình, dự án, mô hình kinh tế và các chính sách đối với đồng bào DTTS. Nhờ vậy, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được cải thiện và nâng cao.

Ông Y KhumTrưởng Ban Dân vận Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Pleiku

Theo ông Siu Huem, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Mơ Nú: Căn nhà mới của bà Kpă Phyat được hoàn thành từ việc kết nghĩa giữa làng làng Mơ Nú, xã Ia Kênh với phường Tây Sơn, TP. Pleiku. Ngoài tặng quà, hỗ trợ làm nhà ở, cán bộ phường còn hướng dẫn bà con trong làng kỹ thuật sản xuất, hỗ trợ vật tư… để phát triển kinh tế. Cụ thể, phường Tây Sơn đã hỗ trợ, thăm hỏi, tặng quà với tổng trị giá gần 112 triệu đồng; hỗ trợ các hoạt động văn hóa, thể thao trên 56 triệu đồng; hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế 20 triệu đồng; hỗ trợ chăn nuôi để phát triển kinh tế cho 2 hộ nghèo trị giá gần 9 triệu đồng. Làng có 202 hộ, đến nay chỉ còn 9 hộ nghèo.

Ông Y Khum, Trưởng Ban Dân vận Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Pleiku chia sẻ: Toàn TP. Pleiku có 37 làng đồng bào DTTS, chủ yếu là người Jrai. Những năm qua, Thành ủy Pleiku đã chỉ đạo Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội thành phố, các xã, phường triển khai thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế, quan tâm giải quyết các vấn đề an sinh xã hội, tập trung triển khai các chương trình, dự án, mô hình kinh tế và các chính sách đối với đồng bào DTTS. Nhờ vậy, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được cải thiện và nâng cao.

Đến nay, 100% làng có chi bộ độc lập, 100% chi bộ làng có đủ số lượng đảng viên là người tại chỗ. Cũng nhờ công tác kết nghĩa, các đơn vị đã vận động doanh nghiệp, Mạnh Thường Quân hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cho 98 hộ nghèo, hộ cận nghèo; thăm hỏi, tặng quà bằng hiện vật và tiền với tổng trị giá trên 4,5 tỷ đồng; hỗ trợ trên 179 triệu đồng mua thẻ bảo hiểm y tế cho người dân”.

Đại diện đơn vị kết nghĩa tặng quà cho 5 hộ đăng ký thoát nghèo của làng Klư trong năm 2024. Ảnh: Công Linh.
Đại diện đơn vị kết nghĩa tặng quà cho 5 hộ đăng ký thoát nghèo của làng Klư trong năm 2024. Ảnh: Công Linh.

Tiếp tục phát huy hiệu quả

Ở huyện Kbang, từ năm 2015 đến nay, Ban Thường vụ Huyện ủy Kbang duy trì việc phân công các tổ chức cơ sở Đảng kết nghĩa với xã, thị trấn; các cơ quan, đơn vị phụ trách làng đặc biệt khó khăn. Hàng năm, gần 100 hộ dân được các cơ quan, đơn vị của huyện hỗ trợ, hướng dẫn vươn lên thoát nghèo.

Theo sự phân công của Ban Thường vụ Huyện ủy, mỗi năm, Chi bộ Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Lơ Ku phụ trách giúp đỡ 2 hộ thoát nghèo. Riêng năm 2023, Công ty được giao hỗ trợ 4 hộ nghèo ở làng Chợch, xã Lơ Ku và làng Klư, xã Krong vươn lên thoát nghèo.

Gia đình ông Đinh Lui, làng Chợch là một trong những hộ được Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Lơ Ku hỗ trợ để thoát nghèo. Ông Lui cho hay: Đầu năm 2023 gia đình ông là khi được Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Lơ Ku tặng máy cắt cỏ; đồng thời, hướng dẫn một số thành viên trong gia đình tham gia tổ máy cày của làng để có thêm thu nhập. Cùng với đó, gia đình ông còn được tạo điều kiện canh tác trên diện tích hơn 5 sào vừa khai thác cây keo của Công ty và ký hợp đồng nhận khoán bảo vệ rừng với thu nhập 5 - 6 triệu đồng/năm. Có đủ các điều kiện phát triển sản xuất, các thành viên trong gia đình tích cực lao động nên gia đình ông đã thoát nghèo vào cuối năm 2023.

Các đơn vị kết nghĩa thường xuyên hỗ trợ, giúp đỡ bà con áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Ảnh Trần Dung.
Các đơn vị kết nghĩa thường xuyên hỗ trợ, giúp đỡ bà con áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Ảnh Trần Dung.

Cũng theo sự phân công của Ban Thường vụ Huyện ủy Kbang, Tòa án nhân dân huyện, Chi bộ Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và THCS xã Lơ Ku đã nhận hỗ trợ 3 hộ tại làng Đăk Kjông thoát nghèo; Chi bộ Trường Mẫu giáo và Trạm Y tế xã Lơ Ku nhận hỗ trợ 2 hộ nghèo tại thôn 1.

Không chỉ riêng huyện Kbang, từ năm 2020 đến nay, Ban Thường vụ Huyện ủy Đak Pơ cũng phân công 66 cơ quan, đơn vị, trường học phụ trách giúp đỡ 20 làng đồng bào DTTS trên địa bàn.

Thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TU của Tỉnh ủy Gia Lai về tăng cường công tác kết nghĩa giữa các cơ quan, đơn vị với thôn, làng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh, Ban Dân tộc và Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Gia Lai được phân công kết nghĩa với làng Klư, xã Krong, huyện Kbang. Hằng năm, 2 cơ quan kết nghĩa phấn đấu chọn từ 5 hộ nghèo, khó khăn trở lên để giúp đỡ thoát nghèo. Đến cuối năm 2023, làng còn 28 hộ nghèo và 19 hộ cận nghèo.

Triển khai công tác kết nghĩa theo Chỉ thị số 13-CT/TU của Tỉnh ủy Gia Lai, đến nay, UBND tỉnh Gia Lai đã phân công 20 sở, ban, ngành tiến hành kết nghĩa với 17 thôn, làng đồng bào DTTS. Những việc làm thiết thực, kịp thời trong hoạt động kết nghĩa đã góp phần mang lại những kết quả tích cực trong công tác giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Cuối năm 2023, toàn tỉnh Gia Lai còn 31.502 hộ nghèo (chiếm tỷ lệ 8,11%), trong đó 28.173 hộ nghèo đồng bào DTTS (chiếm 17,05% tổng số hộ đồng bào DTTS toàn tỉnh); 3 đơn vị cấp huyện được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, 91 xã và 131 thôn, làng đạt chuẩn nông thôn mới (trong đó 110 thôn, làng vùng đồng bào DTTS).