Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Lai Châu: Chú trọng công tác “Kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới”

Thùy Giang - 03:33, 05/12/2023

Trong hơn 10 năm qua, tỉnh Lai Châu luôn chú trọng việc “Kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới”; qua đó tăng cường công tác đối ngoại Nhân dân, góp phần xây dựng biên giới Việt Nam - Trung Quốc hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển bền vững.

Trưởng bản Ma Ly Pho, xã Ma Ly Pho, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu (bên phải) và trưởng bản Bạch Thạch Nham, thị trấn Kim Thủy Hà (bên trái) thực hiện nghi Lễ kí kết kết nghĩa 2 bản tại thị trấn Kim Thủy Hà, huyện Kim Bình, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc.
Trưởng bản Ma Ly Pho, xã Ma Ly Pho, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu (bên phải) và trưởng bản Bạch Thạch Nham, thị trấn Kim Thủy Hà (bên trái) thực hiện nghi Lễ kí kết kết nghĩa 2 bản tại thị trấn Kim Thủy Hà, huyện Kim Bình, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc.

Lai Châu là tỉnh miền núi, biên giới nằm phía Tây Bắc của Tổ quốc, có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về quốc phòng, an ninh với 265,165km đường biên giới tiếp giáp với tỉnh Vân Nam, Trung Quốc; 101 mốc quốc giới và cửa khẩu quốc tế Ma Lù Thàng.

Nhân dân biên giới hai nước có mối quan hệ láng giềng và mối quan hệ thân tộc từ lâu đời. Trong chính sách đối ngoại Nhân dân, việc kết nghĩa giữa các cụm dân cư biên giới của hai quốc gia Việt Nam – Trung Quốc được hai Đảng, hai Nhà nước quan tâm, cụ thể hoá quan điểm, chủ trương bằng hành động cụ thể. Trong đó, mô hình “Kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới” đã mang lại hiệu quả tích cực.

Ông Tẩn Chin Tông, Trưởng bản Gia Khâu, xã Sì Lở Lầu, huyện Phong Thổ kể: Cuối tháng 11 năm 2023 vừa qua, bản vinh dự được tham dự Lễ ký kết biên bản kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới giữa 6 bản của 2 nước Việt Nam và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tại thị trấn Kim Thủy Hà, huyện Kim Bình, tỉnh Vân Nam, nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.

Theo đó, bản Gia Khâu chúng tôi kết nghĩa với bản Seo Cô San, thị trấn Kim Thủy Hà; bản Ma Ly Pho, xã Ma Li Pho; bản Vàng Pheo xã Mường So huyện Phong Thổ kết nghĩa với bản Bạch Thạch Nham, bản Kim Thủy Hà, thị trấn Kim Thủy Hà, huyện Kim Bình.

Nội dung kết nghĩa giữa các bản tập trung vào các điểm chính: nhằm vun đắp tình đoàn kết, hữu nghị truyền thống giữa 2 nước; định hướng giáo dục dân cư mỗi bên tuân thủ và nghiêm túc thực hiện các quy định của 3 văn kiện pháp lý về biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc; tuyên truyền, giáo dục dân cư mỗi bên không được tiếp tay cho tội phạm buôn lậu, mua bán ma túy, buôn bán các loại hàng hóa mà hai nước Việt Nam và Trung Quốc cấm; cùng nhau khắc phục những khó khăn do hậu quả thiên tai, phòng chống các loại dịch bệnh về người, vật nuôi và cây trồng; hỗ trợ, giúp đỡ nhau phát triển kinh tế xã hội trên nguyên tắc bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi; thường xuyên hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm cho nhau về việc thực hiện các hoạt động quảng bá, phát triển du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm, các nét đẹp văn hóa, ẩm thực dân tộc cùng nhau xây dựng hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển bền vững.

3. Quang cảnh Lễ kí kết thôn - bản hữu nghị giữa huyện Phong Thổ (tỉnh Lai Châu, Việt Nam) và huyện Kim Bình (tỉnh Vân Nam, Trung Quốc).
Quang cảnh Lễ kí kết thôn - bản hữu nghị giữa huyện Phong Thổ (tỉnh Lai Châu, Việt Nam) và huyện Kim Bình (tỉnh Vân Nam, Trung Quốc).

Trước đó, vào tháng 8 năm 2023, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu cũng đã có một số bản, xã kết nghĩa với bản, trấn của nước láng giềng Trung Quốc. Cụ thể, ngày 09/8/2023, tại Chợ biên giới phía Trung Quốc, thuộc khu vực mốc giới số 29, đã diễn ra Lễ kết nghĩa cấp thôn – bản có bản U Ma, bản Pa Thắng xã Thu Lũm kết nghĩa với thôn Ma Ni Tân Trại, bản Đại Mã Giác thuộc trấn Bình Hà, huyện Lục Xuân, tỉnh Vân Nam; cấp xã - trấn có xã Thu Lũm kết nghĩa với trấn Bình Hà, huyện Lục Xuân, tỉnh Vân Nam.

Việc kết nghĩa giữa các thôn - bản biên giới của Việt Nam và Trung Quốc trên biên giới thuộc tỉnh Lai Châu đã có truyền thống từ gần 10 năm về trước. Đó là sự kiện kết nghĩa giữa bản Pô Tô, xã Huổi Luông, huyện Phong Thổ với bản Cửa Cải, trấn Kim Thủy Hà, huyện Kim Bình, tỉnh Vân Nam vào ngày 03/9/2014.

Ông Giàng A Dụ, Bí thư chi bộ, Trưởng bản Pô Tô vẫn nhớ không khí rộn ràng của lễ kết nghĩa năm ấy. Ông kể từ cái buổi kết giao được công nhận ấy, Nhân dân hai bản Pô Tô và Cửa Cải đều vui mừng, phấn khởi và càng trở nên thân thiết hơn, cùng đoàn kết, giúp nhau phát triển. Người dân hai bản thường xuyên trao đổi về kinh nghiệm chăn nuôi, sản xuất, trồng trọt. Thành công nhất là chia sẻ kinh nghiệm việc trồng chuối ở Pô Tô mang lại năng suất cao và lại được “bạn hàng xóm” thu mua với sản lượng lớn.

Đội văn nghệ bản Ma Ly Pho, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu (Việt Nam) tham gia giao lưu văn nghệ tại Lễ kết nghĩa thôn bản hữu nghị giữa huyện Phong Thổ và huyện Kim Bình, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc).
Đội văn nghệ bản Ma Ly Pho, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu (Việt Nam) tham gia giao lưu văn nghệ tại Lễ kết nghĩa thôn bản hữu nghị giữa huyện Phong Thổ và huyện Kim Bình, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc).

Sau lễ kí kết, ngoại trừ vào thời điểm dịch bệnh, việc kinh doanh mua bán giữa hai bên trở nên thuận lợi hơn theo các chính sách linh hoạt đã được thống nhất. “Nhân dân hai bản đều tích cực cung cấp nhiều thông tin có giá trị cho lực lượng bảo vệ biên giới hai nước, góp phần đấu tranh với các loại tội phạm trên tuyến biên giới, đem lại bình yên chung cho Nhân dân”, ông Giàng A Dụ cho hay.

Qua việc kết nghĩa thôn – bản, xã – trấn, tình đoàn kết, hữu nghị của bà con ở cụm dân cư biên giới hai nước được vun đắp. Nhân dân hai nước cùng thống nhất quyết tâm thực hiện những điều đã được kí kết như: hỗ trợ, giúp đỡ nhau phát triển kinh tế - xã hội, khắc phục hậu quả thiên tai, phòng chống dịch bệnh; chia sẻ kinh nghiệp về phát triển du lịch, bảo tồn văn hóa. 

Đặc biệt, là Nhân dân hai bên biên giới đều tuân thủ nghiêm túc các quy định về biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc, cùng nhau bảo vệ đường biên, cột mốc; phối hợp cùng với lực lượng chức năng 2 nước đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép chất ma túy, mua bán người và buôn lậu hàng hóa… Qua đó, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh trật tự khu vực biên giới.

Nhân dân 2 bên biên giới chụp ảnh lưu niệm tại Lễ ký kết thôn - bản hữu nghị giữa huyện Phong Thổ (tỉnh Lai Châu, Việt Nam) và huyện Kim Bình (tỉnh Vân Nam, Trung Quốc).
Nhân dân 2 bên biên giới chụp ảnh lưu niệm tại Lễ ký kết thôn - bản hữu nghị giữa huyện Phong Thổ (tỉnh Lai Châu, Việt Nam) và huyện Kim Bình (tỉnh Vân Nam, Trung Quốc).

Đại tá Lê Công Thành, Phó Chính uỷ BĐBP tỉnh Lai Châu cho biết: Việc triển khai “Kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới” là một chủ trương lớn của Đảng ủy-Bộ Tư lệnh BĐBP và của tỉnh Lai Châu. Thông qua hoạt động kết nghĩa nhằm thắt chặt hơn nữa mối quan hệ đoàn kết gắn bó dân tộc, thân tộc của Nhân dân hai bên biên giới; giúp Nhân dân 2 bên biên giới hỗ trợ nhau phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; xây dựng tình cảm, ý thức, trách nhiệm đối với sự nghiệp xây dựng, quản lý và bảo vệ đường biên giới chung giữa 2 nước, góp phần quan trọng xây dựng biên giới Việt Nam-Trung Quốc hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển bền vững.

Việc ký biên bản kết nghĩa đáp ứng được nguyện vọng chính đáng của Nhân dân các bản hai bên biên giới. Đồng thời, mô hình này đã trở thành điểm sáng trong công tác đối ngoại Nhân dân. 

Tin cùng chuyên mục
Ghi ở Sủa Cán Tỷ

Ghi ở Sủa Cán Tỷ

Theo chân Phó Chủ tịch xã Cán Tỷ - Sùng Mí De (huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang) chúng tôi tới thôn Sủa Cán Tỷ làm công tác chuẩn bị cho Ngày Hội Đại đoàn kết toàn dân. Trong lúc chuyện trò cùng Trưởng thôn Vàng Chứ Lềnh về sự đổi thay của thôn bản, ông ngỏ lời mời tôi lên thăm nhà của Lù Mí Thánh – một trong 3 hộ dân của thôn được Nhà nước hỗ trợ xây dựng nhà ở kiên cố trong năm 2023.